Sau khi đổi chiến lược từ ngõ ra phố, Bách Hóa Xanh bước đầu bứt phá, tiếp tục tạo sự khác biệt bằng cách bán cá sống lội bể
Con số tăng trưởng chủ yếu đến từ việc công ty đã mở rất nhiều cửa hàng trong năm qua, số cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh tăng lần lượt 45 và 320 cửa hàng kể từ cuối tháng Sáu năm 2017.
Thống trị tuyệt đối trong ngành hàng điện thoại di động và điện máy tiêu dùng
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt, thị trường điện thoại di động đã bước vào giai đoạn trưởng thành với doanh số chỉ tăng trưởng 4% trong nửa đầu 2018 so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, mảng điện thoại của Thế Giới Di Động vẫn tăng trưởng gần 20%, qua đó gia tăng thị phần lên 45%. Công ty đã mở thêm 59 cửa hàng trong nửa cuối 2017, trong khi đóng/chuyển đổi 14 cửa hàng trong nửa đầu 2018.
Với việc Thế Giới Di Động đang hoàn toàn tập trung cho Bách Hóa Xanh và không có kế hoạch mở thêm cửa hàng bán điện thoại, mảng này sẽ ổn định dần trong những năm tới.
Trong khi đó, có vẻ như ngành hàng điện máy vẫn chưa đạt mức độ thâm nhập cao như điện thoại di động. Quy mô thị trường điện máy tăng trưởng 28% trong nửa đầu 2018 so với cùng kỳ, trong khi Điện Máy Xanh cũng đạt mức tăng 90% doanh thu để trở thành đầu tàu dẫn dắt của MWG (đóng góp 56% tổng doanh thu tập đoàn).
Về chiến lược mở rộng, Thế Giới Di Động đã và đang tiến hành chuyển đổi một số cửa hàng Thế Giới Di Động sang cửa hàng Điện Máy Xanh vì nhận thấy có khả năng mở rộng quy mô, kinh doanh thêm ngành hàng điện máy. Công ty cũng đặt mục tiêu mở đến 100 cửa hàng Điện Máy Xanh trong những năm tới để tăng thị phần lên 45% trước khi ngành hàng này bước vào giai đoạn bão hòa như điện thoại.
Bách Hóa Xanh đang tăng trưởng không ngừng
Về chuỗi Bách Hóa Xanh, mặc dù vẫn chưa đóng góp lợi nhuận cho MWG, chuỗi này đang không ngừng cải thiện và tiến gần tới điểm hòa vốn.
Chứng khoán Rồng Việt cho biết, trong những buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây của công ty, mọi sự chú ý đều dồn vào chuỗi Bách Hóa Xanh. Cho đến nay, chuỗi cửa hàng này đã cho thấy những dấu hiệu tích cực. Doanh thu bình quân/cửa hàng tăng trưởng không ngừng với biên lợi nhuận gộp liên tục cải thiện, đạt 16% (so với 14% đầu năm).
Về cơ cấu sản phẩm, những cửa hàng với số lượng đa dạng các loại thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt và cá thường có doanh thu cao. Từ thực tế này, Thế Giới Di Động đang đẩy mạnh việc đưa thêm nhiều mặt hàng tươi vào bán ở các cửa hàng Bách Hóa Xanh.
Hơn thế nữa, công ty đang tạo ra sự khác biệt với các chuỗi siêu thị nhỏ khác bằng mô hình bán cá còn sống trong bể, mỗi bể sẽ nuôi một loại cá nước ngọt quen thuộc như cá diêu hồng, cá kèo, cá lóc … Mô hình này được áp dụng tại những cửa hàng Bách Hóa Xanh có qui mô từ trung bình (tiêu chuẩn) đến lớn và có thể giúp Thế Giới Di Động thu hút thêm khách hàng nhờ cảm giác thân thuộc với mô hình chợ truyền thống.
Hiện nay, các cửa hàng Bách Hóa Xanh có thể được chia làm ba phân khúc:
Cửa hàng lớn (từ 200 đến 300 m2): Được mở ở những khu vực có mật độ dân số cao và gần chợ truyền thống. Đây là những cửa hàng có doanh thu rất cao, trên 2 tỉ đồng mỗi tháng, cung cấp hơn 3.000 mặt hàng tiêu dùng nhanh và hơn 300 loại thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, những cửa hàng phân khúc này vẫn còn rất ít.
Cửa hàng tiêu chuẩn (từ 160 đến 200 m2): cũng được mở tại những khu vực có mật độ dân số cao và trên những trục đường giao thông tấp nập. Những cửa hàng này có danh mục sản phẩm ít đa dạng hơn các cửa hàng lớn. Công ty đang tìm cách nâng cấp những cửa hàng tiêu chuẩn có doanh thu cao lên cửa hàng lớn để có thể đáp ứng được nhu cầu khách địa phương.
Cửa hàng nhỏ (từ 100 đến 150 m2): đây là các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả nhất trong chuỗi cửa hàng. Từ quan sát của Rồng Việt, các cửa hàng phân khúc này có doanh thu rất thấp, khoảng từ 15-20 triệu đồng mỗi ngày. Hiệu quả hoạt động kém đến từ việc chọn địa điểm không tốt và danh mục hàng hóa chưa được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu địa phương.
Theo chiến lược mở rộng đã điều chỉnh, Thế Giới Di Động sẽ chỉ mở các cửa hàng diện tích từ tiêu chuẩn trở lên. Tuy nhiên, công ty sẽ còn nhiều việc phải làm để cải thiện và khiến các cửa nhỏ hiện hữu mang lại lợi nhuận.
Theo: Trí Thức Trẻ/VDSC
TIN CŨ HƠN
- Những thương hiệu bán-trực-tiếp-đến-người-tiêu-dùng đã thay đổi bộ mặt Marketing như thế nào? (Phần 2)
- Lý do sau 5 năm vào Việt Nam, Starbucks vẫn chỉ 'lẹt đẹt' với 38 cơ sở: Để mở một cửa hàng ở Sài Gòn cần ít nhất 5 tỷ đồng đầu tư trong khi đó 1 quán Coffee House chỉ tốn bằng nửa
- Những thương hiệu bán-trực-tiếp-đến-người-tiêu-dùng đã thay đổi bộ mặt Marketing như thế nào (P1) ?
- Anh em nhà Albrecht và mô hình siêu thị hỗ trợ nhà cung cấp nhỏ
- Giao hàng tận nhà: Xu hướng không thể cưỡng lại
- Giá trị thương hiệu - tài sản bị bỏ quên
- Founder cửa hàng bánh ngọt 500 triệu đô: Nếu không có thất bại thê thảm, đã chẳng có thành công nổi bật
- Chuỗi cung ứng "kiềng 3 chân" của McDonald's
- Amazon và hệ thống phân phối "tên lửa"
- Triết lý kinh doanh 'lạ đời' của ông chủ Reng Reng Café: Quán chỉ bán cà phê, không nước lọc, không nhà vệ sinh, không wifi, cứ đúng 3 giờ chiều là đóng cửa không tiếp khách