Sếp Shopee Trần Tuấn Anh: “Thương mại điện tử sẽ là một trong những ngành hút nhân lực nhất trong những năm tới”
Ông Trần Tuấn Anh từng tốt nghiệp xuất sắc trường Kinh doanh Foster tại Đại học Washington (Mỹ), và là Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh từ trường Kinh doanh Wharton tại Đại học Pennsylvania (Mỹ). Ông Tuấn Anh giữ chức vụ Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam từ năm 2017 đến nay và đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của kênh mua sắm trực tuyến được coi là tân binh thành công trong thị trường thương mại điện tử (TMĐT) những năm vừa qua.
Vị Sếp này cũng đảm nhận vị trí ghế nóng trong vai trò "Sếp" của chương trình truyền hình thực tế về việc làm Cơ Hội Cho Ai và tạo được nhiều ấn tượng mạnh với các ứng viên về tính cách thẳng thắn cùng khả năng phán đoán nhân tài cực tốt. Chia sẻ với Trí Thức Trẻ sau tập cuối của Mùa 1, ông Trần Tuấn Anh đã tiết lộ những quan điểm thú vị về nguồn nhân lực ở Việt Nam và cách mà Shopee chiêu mộ được nhiều nhân tài đồng hành suốt những năm qua,
Vì sao Shopee quyết định tham gia tuyển dụng nhân sự trên truyền hình? Ông có chiến thuật gì để thu hút ứng viên không?
Tôi tham gia chương trình để mong muốn trực tiếp tuyển những ứng viên tốt cho các vị trí công ty đang cần. Tôi ấn tượng với vòng thi có sự cạnh tranh giữa các sếp trong việc tuyển chọn ứng viên. Tôi rất thẳng thắn, tôi không có chiêu trò gì khi tuyển dụng, chỉ chia sẻ thẳng thắn về công việc cho các bạn hiểu để đưa ra những sự lựa chọn đúng đắn.
Lý do lớn nhất là hiện Shopee cần tuyển dụng rất nhiều vị trí, nên tôi tham gia để trực tiếp tuyển dụng một số ứng viên tốt, hỗ trợ sự phát triển của Shopee. Đây là một chương trình khá thú vị. Mặc dù chỉ tham gia 4 tập nhưng tôi thấy rất vui khi được giao lưu với các vị Sếp khác. Các ứng viên tham gia có chất lượng tốt, thể hiện hoạt bát, có sự đa dạng ngành nghề, có câu chuyện cá nhân thú vị. Trong vai trò Sếp, tôi có thể tương tác với các bạn ứng viên, và cố gắng lôi kéo các bạn về với doanh nghiệp của mình.
Quan niệm sống của ông trong công việc là gì?
Quan niệm sống của tôi rất đơn giản, hãy sống thành thật với chính mình và người khác. Từ đó sẽ giúp mình tiến bộ, bất kể lứa tuổi, ngành nghề hay kinh nghiệm. Chỉ cần cố gắng thì bản thân sẽ luôn phát triển.
Theo ông điểm khác biệt về Văn hóa của shopee so với các tập đoàn thương mại điện tử khác là gì?
Doanh nghiệp Shopee rất trẻ và tốc độ phát triển rất nhanh. Văn hóa shopee rất linh động, có sự cố gắng để hỗ trợ lẫn nhau, không phụ thuộc vào phòng ban, cấu trúc doanh nghiệp mà phụ thuộc vào chính những nhân sự. Tiêu chí tuyển dụng nhân sự ở đây cần sự máu lửa, có thể làm việc được trong bộ máy mà bên công ty đang xây dựng, vì nó rất biến động.
Văn hóa doanh nghiệp Shopee có tham vọng khá lớn, thử sức với nhiều chiến lược khác nhau; tập trung vào những việc mình làm theo từng giai đoạn cụ thể, chủ yếu là tập trung vào người tiêu dùng để đưa ra những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho họ.
Theo ông, nhân tài ở Việt Nam có đủ để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp chưa? Shopee có gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng nhân sự và giữ chân nhân tài không? Chiến thuật để giữ chân nhân tài tại Shopee là gì, thưa ông?
Cùng với tiềm năng phát triển của TMĐT, bên cạnh nguồn nhân lực thị trường sẵn có, trong nhiều năm liền, Shopee đã linh động tuyển dụng nhiều thế hệ các bạn trẻ là sinh viên mới ra trường, đam mê về thương mại điện tử để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho riêng mình.
Chúng tôi cũng khuyến khích các nhân viên hiện đang làm việc tại Shopee giới thiệu các ứng viên tiềm năng, có thể là bạn bè, người thân, vào làm việc tại Shopee. Các bạn chính là những sứ giả đáng tin cậy cho thương hiệu nhà tuyển dụng Shopee.
Bên cạnh đó, hằng năm Shopee có tổ chức chương trình quản trị viên tập sự với tên gọi Global Leaders Program (Chương trình Nhà lãnh đạo Toàn cầu). Chương trình kéo dài trong hai năm và luân chuyển qua 4 phòng ban khác nhau, trong đó có 6 tháng luân chuyển tại Singapore. Sau 2 năm tham gia chương trình, các bạn nhân viên ưu tú này sẽ trở thành đội ngũ lãnh đạo kế thừa của Shopee.
Riêng về chính sách giữ chân nhân tài, Shopee tập trung đầu tư vào các yếu tố sau:
Tạo điều kiện cho nhân viên luân chuyển giữa các phòng ban sau một thời gian làm việc ở một vị trí nhất định nhằm tạo điều kiện để các bạn có cơ hội được học hỏi và mở rộng kiến thức chuyên môn. Sau đó, doanh nghiệp sẽ phát triển các chương trình đào tạo nhân viên ở tất cả các cấp độ, cấp độ nhân viên sẽ được đào tạo cả về kỹ năng mềm lẫn nâng cao kỹ năng chuyên môn. Riêng cấp quản lý thì có những khóa huấn luyện về kỹ năng lãnh đạo cùng với đội ngũ quản lý của Shopee tại các nước khác; Chủ động đề bạt nhân viên hiện tại lên những vị trí cao hơn, thay vì tuyển nhân viên từ ngoài vào để nắm giữ các vị trí quản lý.
Tạo một môi trường làm việc thoải mái và thân thiện. Shopee đầu tư nhiều vào các hoạt động ngoài giờ làm của nhân viên như mở lớp tập Yoga, tập nhảy tại công ty, các câu lạc bộ bóng đá, cầu lông, boardgame, tham gia các giải chạy marathon, Ironman... Shopee tin rằng nếu nhân viên có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống thì họ sẽ gắn bó lâu dài hơn với công ty.
Chiến thuật giữ chân nhân tài tại Shopee có thể tóm tắt trong câu nói ngắn gọn này "Hãy huấn luyện họ, giúp họ để họ có thể đi bất kỳ đâu. Nhưng mà hãy tôn trọng họ và đối xử tốt để họ không muốn đi đâu cả".
Sự biến động về nhân sự ở Shopee hiện nay thế nào?
Đây là một điều rất tự hào. Từ thời gian doanh nghiệp bắt đầu đến giờ khung nhân sự vẫn còn, chỉ có cộng thêm nhân lực, rất ít mất nhân sự chủ chốt. Do doanh nghiệp có những ưu đãi, đối xử với nhân sự rất tốt và cho họ nhiều cơ hội phát triển. Biến động nhân sự lớn nhất thường xảy ra ở giai đoạn 6 tháng làm việc đầu tiên, có nhiều bạn bị "sốc" văn hóa. Vượt qua giai đoạn này, kết quả làm việc sẻ khả quan hơn và nhân sự trụ lại lâu hơn.
Nhận định của ông về nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay?
Theo báo cáo của EConomy SEA 2019, thực hiện bởi Google & Temasek/Bain, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã phát triển với tốc độ vượt bậc với tốc độ gia tăng mạnh mẽ của GMV với 81% từ 2015 đến 2019; GMV dự kiến sẽ đạt 23 tỷ USD vào năm 2025.
Và với tốc độ tăng trưởng này, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ là một trong những ngành hút nhân lực nhất và được nhiều doanh nghiệp quan tâm tìm kiếm tài năng. Tuy nhiên, lĩnh vực thương mại điện tử còn tương đối mới mẻ và hiện nay chưa có nhiều trường lớp đào tạo ngành này một cách bài bản và chuyên sâu.
Trong thời đại 4.0 hiện nay, theo ông, trong môi trường công sở làm thế nào để lấy lòng Sếp?
Thật ra ở thời đại nào cũng vậy, để một cá thể tồn tại và phát triển trong một tập thể/doanh nghiệp thì điều quan trọng là bạn có thích hợp với văn hóa của tập thể/doanh nghiệp đó hay không? Sau đó là yếu tố năng lực và sự cố gắng, cống hiến của bạn đóng góp gì cho tập thể/doanh nghiệp đó. Chỉ cần bạn hoàn thành tốt công việc mình được giao phó, luôn hỗ trợ đồng nghiệp và không ngừng sáng tạo, đổi mới trong cách làm việc để đạt được kết quả tốt nhất thì tự khắc sẽ lấy lòng được doanh nghiệp đó không chỉ mỗi Sếp của bạn.
Tôi ví dụ như khi tham gia chương trình "Cơ Hội Cho Ai" mùa này, các bạn ứng viên đều rất tự tin và không ngần ngại thể hiện bản lĩnh cũng như nhiệt huyết cống hiến làm việc và mong muốn được học hỏi trong môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn. Và các bạn ứng viên đến với chương trình trong tâm thế cởi mở và thẳng thắn trao đổi với các Sếp về tất cả các vấn đề liên quan đến công việc mà mình muốn thử sức, bao gồm cả mức lương thưởng mà mình mong muốn, qua đó giúp nhà tuyển dụng cùng ứng viên nhanh chóng tìm được tiếng nói chung và đồng hành cùng nhau hiệu quả hơn. Cá nhân tôi thấy đây là tín hiệu tích cực cho thị trường lao động tuyển dụng tại Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng trong thời gian tới.
Theo: Trí thức trẻ
TIN CŨ HƠN
- Thị trường thương mại điện tử: Cuộc chiến đốt tiền chưa tìm thấy điểm hòa vốn
- Chủ tịch Tiki: 'Thương mại điện tử là tương lai của bán lẻ'
- Bức tranh Thanh toán số 2019: MoMo bứt tốc, Moca đại nhảy vọt nhờ "mẹ" Grab chống lưng "đốt tiền", VinID Pay vươn ra ngoài hệ sinh thái Vingroup
- CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn: Dư địa TMĐT vẫn còn ở thị trường “ngách” nhưng rất khó cạnh tranh, muốn tồn tại phải tập trung đầu tư về “chất”
- Chiến địa của Grab, be, Go-Viet trong năm 2019: Những diễn biến khó lường dự báo tương lai bất định phía trước
- Lotte.vn ngưng hoạt động
- TMĐT quá khốc liệt, sau Adayroi đến lượt ông lớn Hàn Quốc Lotte.vn rời bỏ đường đua sau 3 năm miệt mài chinh chiến
- Những cột mốc đáng nhớ của Lazada trong năm 2019
- Toàn cảnh bức tranh TMĐT năm 2019: Tứ hùng tranh bá Shopee - Tiki - Lazada - Sendo; Viettel gia nhập cuộc đua, Vingroup từ bỏ sàn đấu
- Thương mại điện tử Việt Nam được dự báo đạt 24,4 tỷ USD vào năm 2025