Tăng trưởng 30%/năm nhưng doanh thu TMĐT tại Việt Nam hiện chỉ đạt 4% tổng mức bán lẻ hàng hoá
Sáng 4/12, Diễn đàn kết nối nguồn lực phát triển khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử và logistics, nằm trong chương trình Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2019 đã diễn ra tại thành phố Hạ Long.
Khởi đầu chương trình, ông Nguyễn Thế Quang, Phó cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số (IDEA) đã trình bày các con số toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam.
Theo sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2019, thị trường TMĐT B2C (business to customer) tại Việt Nam trong 5 năm qua đều đạt mức tăng trưởng trên 20%, năm 2018 quy mô thị trường đạt hơn 8 tỷ USD, tăng 30%, dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt 13 tỷ USD, duy trì mức tăng trưởng 25-30% hàng năm.
Ước tính có khoảng 39,9 triệu người đã tham gia mua sắm trực tuyến năm 2018, gần gấp đôi năm 2016, bình quân giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt khoảng 202 USD. Tuy nhiên tỷ trọng doanh thu TMĐT B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước chỉ đạt 4,2%, con số này các năm trước chỉ ở mức trên dưới 3%.
Theo thống kê của IDEA, hiện Việt Nam có 24.247 website ứng dụng TMĐT, 910 sàn giao dịch TMĐT, tăng trưởng 29% so với năm trước.
Mặc dù vậy, vẫn còn những nút thắt trong quá trình mua sắm trực tuyến. Một thống kê cho thấy việc thanh toán điện tử vẫn còn thấp, trong các giao dịch TMĐT năm 2018, 88% các giao dịch thanh toán theo hình thức COD (thu hộ, khách hàng trả tiền mặt khi nhận hàng), con số này tăng so với năm 2017. Lý do là khách hàng vẫn e ngại về chất lượng của sản phẩm không giống với quảng cáo, lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ...Mảng thanh toán qua ví điện tử còn rất thấp và đây là mảnh đất màu mỡ cho các startup thời gian tới.
Đối với cơ hội khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam có những vườn ươm cho startup, nhưng các vườn ươm này chưa thực sự tạo điều kiện tốt nhất cho startup, nhiều khi các quy định của nhà nước chưa được cởi mở cho startup và các quỹ mạo hiểm, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này và ông Quang hy vọng trong thời gian tới cơ chế của nhà nước sẽ cởi mở hơn.
Về tinh thần khởi nghiệp, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu. Năm 2017 tổng số tiền đầu tư vào các startup Việt Nam xếp thứ 5 trên 6 quốc gia Đông Nam Á. Năm 2018, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3, chỉ đứng sau Indonesia và Singapore về tổng giá trị thương vụ khởi nghiệp, 6 tháng 2019 đạt 264 triệu USD và ước 2019 tăng gấp đôi năm 2018.
Về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đến năm 2018 chúng ta có hơn 600 doanh nghiệp. Chúng ta đã có nhiều chính sách hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp, nhưng về mặt pháp lý cần cởi trói nhiều hơn, cần có nhiều hơn trung tâm đổi mới sáng tạo, nhiều sandbox để tạo thuận lợi về cơ chế và hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Bộ Công Thương chuẩn bị ban hành "Kế hoạch thương mại điện tử quốc gia 2021-2025" là cơ sở pháp lý tốt cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ông Quang kỳ vọng sau diễn đàn này các thành viên sẽ đóng góp nhiều hơn để đóng góp đổi mới chính sách, tạo ra môi trường tốt cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo: Trí thức trẻ
TIN CŨ HƠN
- Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh tại Việt Nam, cơ hội cho Viettel Post bứt phá?
- Joolux - nền tảng thương mại điện tử cho hàng hiệu
- Tăng trưởng thương mại điện tử thúc đẩy Viettel Post?
- Amazon sắp mở siêu thị không cần thu ngân
- Sendo được đầu tư 61 triệu USD
- Ông chủ hãng thương mại điện tử từng đe dọa Alibaba, lọt top 100 người giàu nhất thế giới ở tuổi 38 vừa bị mất 5 tỷ USD sau 1 đêm
- Cuộc cách mạng không tưởng trong lĩnh vực bán lẻ: Amazon vừa tuyên bố họ muốn giao mọi sản phẩm mà khách hàng đặt mua trong vòng 30 phút!
- Ngày Độc thân soán ngôi Black Friday trong cuộc đua thương mại điện tử
- Sếp Shopee lần đầu tiên tiết lộ tham vọng bá chủ ĐNÁ: Mất công làm 7 ứng dụng cho 7 thị trường khác nhau, từ số 0 giờ đã trở nên 'lớn hơn rất nhiều' so với Lazada
- Lazada, Shopee "kiếm đậm", mở rộng vị thế trên thị trường nhờ ăn theo Lễ Độc thân của Alibaba