Thị trường ngày 11/5: Giá dầu giảm hơn 1%, vàng, đồng, cao su giảm trong khi quặng sắt tăng do hy vọng về nhu cầu

Kết thúc phiên giao dịch 10/5 giá dầu giảm hơn 1%, vàng giảm do Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất, cao su giảm phiên thứ hai liên tiếp, trong khi quặng sắt tăng do hy vọng mới về sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc.

Dầu giảm hơn 1%

Giá dầu giảm hơn 1 USD/thùng, kết thúc chuỗi tăng kéo dài 3 ngày, do số liệu kinh tế cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tiếp tục tăng lãi suất.

Chốt phiên 10/5, dầu thô Brent giảm 1,03 USD hay 1,3% xuống 76,41 USD/thùng, dầu WTI giảm 1,15 USD hay 1,6% xuống 72,56 USD/thùng.

Giá tiêu dùng của Mỹ tăng trong tháng 4, làm tăng khả năng Fed sẽ duy trì tăng lãi suất. Lãi suất toàn cầu đang tăng đã gây áp lực lên giá dầu trong những tháng gần đây, các nhà đầu tư lo ngại về suy thoái.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 3 triệu thùng trong tuần trước do việc giải phóng kho dự trữ quốc gia và xuất khẩu giảm. Các nhà phân tích được Reuters thăm dò dự báo dự trữ dầu thô giảm 900.000 thùng.

Dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng, cùng với nhập khẩu dầu thô giảm và tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 4 của Trung Quốc yếu hơn đã làm trầm trọng thêm lo lắng về nhu cầu dầu toàn cầu.

Tuy nhiên, giá dầu thô sụt giảm bị hạn chế bởi nhu cầu xăng của Mỹ tăng trước mùa đi lại vào mùa hè.

Dự trữ xăng của Mỹ giảm 3,2 triệu thùng trong tuần trước, lớn hơn nhiều so với dự báo giảm 1,2 triệu thùng của giới phân tích. Dự trữ sản phẩm chưng cất cũng giảm.

Giá xăng RBOB tăng 0,7% lên 2,5 USD/gallon.

Vàng giảm do chốt lời

Giá vàng giảm do lạc quan về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất trong năm nay đã phai nhạt sau báo cáo lạm phát của Mỹ, khiến một số nhà đầu tư chốt lời.

Vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 2.030,7 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa giảm 0,3% xuống 2.037,1 USD/ounce.

Vàng tăng khoảng 0,7% sau khi số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ (CPI) tăng 4,9% trong tháng 4 so với một năm trước, nhưng thấp hơn dự kiến tăng 5%. So với tháng trước CPI trong tháng 4 tăng 0,4% sau khi tăng 0,1% trong tháng 3.

Vàng có thể gặp khó khăn trong ngắn hạn với lạm phát cơ bản không thay đổi so với tháng trước đồng thời cũng cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed. Trong khi vàng được coi là một phòng hộ chống lại lạm phát, lãi suất tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng.

Một số nhà phân tích cho biết vàng có thể thử một lần nữa để lên mức cao kỷ lục do những lo ngại dai dẳng về kinh tế, gồm khả năng vỡ nợ trần của Mỹ.

Đồng giảm

Giá đồng và các kim loại công nghiệp khác giảm sau khi số liệu thương mại yếu từ Trung Quốc củng cố dự đoán nhu cầu sẽ vẫn yếu.

Đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 1,3% xuống 8.477 USD/tấn, giảm từ mức cao 7 tháng tại 9.550,50 USD/tấn hồi tháng 1.

Giá vẫn giảm ngay cả sau khi số liệu cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng với tốc độ chậm hơn dự kiến trong tháng trước, USD yếu và các thị trường chứng khoán tăng.

Trung Quốc đang phục hồi sau khi suy giảm kinh tế nhưng trong khi lĩnh vực dịch vụ của họ đang mở rộng thì ngành xây dựng và sản xuất sử dụng nhiều kim loại lại sụt giảm.

Nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 4 và tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, củng cố dấu hiệu nhu cầu trong nước yếu đi.

Sản lượng đồng tại Peru tăng 20% trong tháng 3 so với cùng tháng năm 2022 do các mỏ lớn khôi phục sản xuất.

Quặng sắt tăng do hy vọng mới về sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc

Giá quặng sắt tăng được hỗ trợ bởi lạc quan mới về triển vọng nhu cầu tại Trung Quốc, mặc dù các thành phần sản xuất thép khác như than luyện cốc giảm sau hai ngày tăng.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 6 tại sàn giao dịch Singapore tăng 1,9% lên 103,9 USD/tấn, giá đã đạt 105,15 USD/tấn trước đó trong phiên này.

Tại Đại Liên, Trung Quốc quặng sắt giao tháng 9 đóng cửa tăng 0,3% lên 724 CNY (104,74 USD)/tấn. Trước đó giá đã chạm mức 733 CNY/tấn, cao nhất kể từ ngày 24/4.

Thúc đẩy hy vọng nhu cầu quặng sắt tăng, nhà cung cấp số liệu và tư vấn ngành thép Mysteel cho biết 6 nhà máy thép ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc sẽ dần khôi phục sản xuất trong hai tuần tới trong bối cảnh lợi nhuận đã cải thiện nhờ chi phí sản xuất giảm.

Các nhà phân tích của Mysteel cho biết điều đó dường như tăng công suất sử dụng lò cao hàng ngày lên 89% từ 74,8% tính đến ngày 9/5.

Kỳ vọng có thêm kích thích cho nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh phục hồi không vững cũng giúp hỗ trợ giá quặng sắt.

Thép thanh tại Thượng Hải giảm 0,9%, thép cuộn cán nóng giảm 1%, thép cuộn giảm 3,4%, trong khi thép không gỉ tăng 0,8%.

Cao su Nhật Bản giảm phiên thứ hai liên tiếp

Giá cao su Nhật Bản tiếp tục giảm phiên thứ hai liên tiếp do thị trường Thượng Hải yếu, khi các nhà đầu tư đợi số liệu lạm phát tiêu dùng của Mỹ công bố vào cuối ngày 10/5.

Hợp đồng cao su giao tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 0,9 JPY hay 0,4% xuống 211,1 JPY (1,56 USD)/kg, trước đó giá đã tăng 0,9% trong phiên này.

Tại Thượng Hải giá cao su giao tháng 9 tăng 55 CNY lên 12.125 CNY (1.754,17 USD)/tấn sau khi tăng 195 CNY trong phiên này.

Doanh số bán ô tô chở khách của Trung Quốc tăng 2,1% trong tháng 4 so với tháng trước đó, nhưng giảm 1,4% trong 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng giảm khi hiệu quả của việc giảm giá và kích thích xa dần.

Đường tăng

Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 0,47 US cent hay 1,8% lên 26,66 US cent/lb.

Các đại lý cho biết thị trường đang củng cố sau đợt tăng giá gần đây nhưng các yếu tố cung cầu vẫn hỗ trợ sau vụ mùa thấp hơn dự kiến tại Châu Á và lo ngại về tình trạng tắc nghẽn ở cảng của nước xuất khẩu hàng đầu Brazil.

Ngân hàng Rabobank cho biết xuất khẩu từ vụ thu hoạch mới của Brazil đang bị hạn chế bởi vấn đề logistic trong quý 2 và quý 3 do triển vọng xuất khẩu ngũ cốc kỷ lục và khả năng thời tiết El Nino đe dọa vào cuối năm nay.

Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 9,1 USD hay 1,3% lên 718,2 USD/tấn.

Cà phê trái chiều

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 0,55 US cent hay 0,3% xuống 1,8595 USD/lb.

Sự suy yếu trong thị trường giao ngay của cà phê arabica đã khiến giá kỳ hạn giảm.

Xuất khẩu cà phê của Brazil giảm 13,8% trong tháng 4.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 tăng 16 USD hay 0,6% lên 2.481 USD/tấn.

Ngô tăng, lúa mì, đậu tương giảm

Giá ngô Mỹ tăng ngày thứ 5 trong 6 phiên qua, do dấu hiệu mạnh lên trong thị trường giao ngay.

Đậu tương đóng cửa giảm khi thị trường này đối mặt với áp lực từ giá dầu yếu cũng như tốc độ gieo trồng nhanh tại Midwest.

Thị trường lúa mì cũng giảm sau khi giao dịch trong vùng tích cực, với thời tiết tốt để phát triển cây trồng ở miền đông Midwest gây áp lực lên các hợp đồng lúa mì mềm đỏ vụ đông tại sàn giao dịch Chicago.

Ngô CBOT kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 9-1/4 US cent lên 5,94 USD/bushel.

Đậu tương CBOT cùng kỳ hạn giảm 10-1/4 US cent xuống 14,04 USD/bushel và lúa mì mềm đỏ vụ đông giảm 2-1/4 US cent xuống 6,41-1/4 USD/bushel.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 11/5

 

Minh Quân

Nhịp sống thị trường


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật