Thị trường ngày 2/7: Giá vàng tăng, dầu cao nhất 2 tháng, quặng sắt cao nhất 2 tuần

Thị trường hàng hóa diễn biến tích cực trong phiên thứ Hai (1/7), với giá dầu mỏ, cà phê cũng như kim loại nhất loạt tăng.

Dầu tăng 2%

Giá dầu tăng khoảng 2% lên mức cao nhất 2 tháng do hy vọng nhu cầu tăng trong mùa lái xe mùa hè ở Bắc bán cầu và lo ngại xung đột ở Trung Đông có thể lan rộng làm giảm nguồn cung dầu toàn cầu.

Hợp đồng dầu Brent kỳ hạn tương lai tăng 1,60 USD, tương đương 1,9%, đạt mức 86,60 USD/thùng, trong khi dầu thô West Texas Middle (WTI) của Mỹ tăng 1,84 USD, tương đương 2,3%, đạt mức 83,38 USD.

Đó là phiên thứ 3 liên tiếp dầu Brent đạt mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 30 tháng 4 và là mức cao nhất của dầu WTI kể từ ngày 26 tháng 4.

Nhu cầu nhiên liệu tăng đã giúp giá các sản phẩm dầu của Mỹ tăng khoảng 3% vào thứ Hai, với giá dầu diesel tương lai đóng cửa ở mức cao nhất trong 10 tuần và giá xăng tương lai đóng cửa ở mức cao nhất trong 8 tuần.

Ở Biển Caribe, Bão Beryl, một cơn bão lớn cực kỳ nguy hiểm, dự kiến sẽ đi qua Jamaica vào thứ Tư và đổ bộ vào Bán đảo Yucatan ở Mexico vào thứ Sáu trước khi suy yếu thành bão nhiệt đới và đi vào Vịnh Campeche ở Vịnh Mexico.

Vàng tăng

Giá vàng tăng vào thứ Hai trong bối cảnh các nhà đầu tư tập trung vào dữ liệu việc làm của Mỹ vào cuối tuần này với hy vọng có thể đưa ra nhiều tín hiệu hơn về việc Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất như thế nào.

Giá vàng giao ngay phiên này tăng 0,2% lên 2.329,79 USD/ounce. Giá đã tăng hơn 4% trong quý hai.

Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8/2024 hầu như không thay đổi ở mức 2.338,9 USD.

Hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 6 giảm tháng thứ ba liên tiếp và chi phí đầu vào của các nhà máy đã giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa yếu, cho thấy lạm phát của Mỹ có thể tiếp tục giảm.

Dữ liệu tuần trước cho thấy giá cả ở Mỹ không thay đổi trong tháng 5, trong khi chi tiêu tiêu dùng tăng vừa phải.

Quặng sắt cao nhất gần 2 tuần

Giá quặng sắt kỳ hạn vào thứ Hai tăng lên mức cao nhất gần hai tuần, nhờ dữ liệu của các nhà máy Trung Quốc tốt hơn mong đợi và hy vọng về nhiều biện pháp kích thích hơn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào cuối tháng này.

Hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất – kỳ hạn tháng 9 - trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc kết thúc phiên tăng 2,5% lên 840 nhân dân tệ (115,58 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 18 tháng 6.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 8 trên Sàn giao dịch Singapore tăng gần 1,7% lên 108,4 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 20 tháng 6.

Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Caixin/S&P Global đã tăng lên 51,8 trong tháng 6 từ mức 51,7 của tháng trước, đánh dấu mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 5 năm 2021 và vượt qua dự báo của các nhà phân tích là 51,2.

Đồng tăng

Giá đồng tăng nhẹ vào thứ Hai do sự hỗ trợ từ đồng đô la yếu đi và một số dữ liệu mạnh lên từ lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc, nhưng thị trường gia tăng lo ngại về nhu cầu ở nước tiêu dùng hàng đầu thế giới do hàng tồn kho tăng và điều này đã hạn chế mức tăng.

Đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn (LME) kết thúc phiên tăng 0,4% lên 9.635 USD/tấn.

Một cuộc khảo sát tư nhân cho thấy hoạt động sản xuất của các nhà sản xuất nhỏ ở Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021 nhờ các đơn đặt hàng ở nước ngoài. Tuy nhiên, sự lạc quan đã bị giảm bớt bởi một cuộc khảo sát rộng hơn cho thấy nhu cầu trong nước yếu và sự thu hẹp của ngành công nghiệp.

Tồn trữ đồng trong kho đăng ký với sàn LME ở mức 180.050 tấn đã tăng gần 75% kể từ ngày 16 tháng 5 và đang ở mức cao nhất kể từ tháng 12.

Trong khi đó, tồn kho tại kho ngoại quan của Thượng Hải ở mức 90.700 tấn, tăng so với khoảng 9.000 tấn trong tháng Giêng.

Cao su đi ngang

Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản hầu như không thay đổi trong ngày thứ Hai, do số liệu kinh tế ảm đạm của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất lốp xe tại nước tiêu dùng hàng đầu thế giới, mặc dù đồng yên yếu đã hạn chế đà giảm.

Hợp đồng cao su giao tháng 12 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) kết thúc phiên giảm 0,1 yên xuống 328,4 yên (2,04 USD)/kg.

Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) cũng giảm lúc đầu phiên nhưng tưang trở lại vào cuối phiên, đóng cửa ở mức tăng 65 nhân dân tệ lên 15.010 nhân dân tệ (2.065,30 USD)/tấn.

Lúa mì và đậu tương tăng, ngô giảm

Giá lúa mì kỳ hạn tương lai tại Chicago tăng vào thứ Hai do các thương nhân chốt lệnh bán do không chắc chắn về quy mô vụ lúa mì của Nga, trong khi giá tương đối rẻ đã thu hút khách hàng mua hàng giá hời.

Giá ngô kỳ hạn tương lai giảm do ảnh hưởng kéo dài từ báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố hôm thứ Sáu cho thấy nông dân nước này đã trồng nhiều ngô hơn dự kiến và dự báo thời tiết có lợi cho vành đai trồng ngô của nước này.

Giá đậu tương cũng tăng do có dấu hiệu nhu cầu tăng.

Kết thúc phiên, lúa mì đỏ mềm vụ đông kỳ hạn tháng 9 tăng 16-3/4 US cent lên 5,90-1/4 USD/bushel.

Giá ngô giảm 1/2 cent xuống 4,07 USD/bushel. Ngô đã giảm xuống mức thấp 3,99-1/2 USD vào thứ Sáu sau khi dữ liệu USDA được công bố, mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2020.

Cà phê tăng

Giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 9 tăng 56 USD, tương đương 1,4%, lên 4.067 USD/tấn.

Nước sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới, Việt Nam, đã xuất khẩu 902.000 tấn cà phê trong nửa đầu năm nay, giảm 10,6% so với một năm trước đó.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 0,9% xuống 2,2485 USD/lb.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 2/7:

 

Minh Quân

Nhịp sống thị trường


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật