Thị trường ngày 20/4: Giá dầu giảm 5%, vàng, quặng sắt, nông sản sụt giảm

Chốt phiên giao dịch ngày 19/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu khiến giá nhiều mặt hàng sụt giảm như dầu giảm 5%, vàng, quặng sắt, đường, cà phê, ngô, lúa mì đồng loạt đi xuống, trong khi đồng lên mức cao nhất hai tuần.

Dầu giảm 5%

Giá dầu giảm khoảng 5% trong phiên giao dịch biến động do lo ngại nhu cầu sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cảnh báo lạm phát tăng.

Chốt phiên 19/4, dầu thô Brent giảm 5,91 USD hay 5,22% xuống 107,25 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm 5,65 USD hay 5,22% xuống 102,56 USD/thùng.

Giá dầu sụt giảm bất chấp sản lượng của OPEC+ thấp, trong tháng 3 sản lượng dưới mục tiêu 1,45 triệu thùng/ngày, do sản lượng của Nga bắt đầu giảm khi bị các nước Phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt vì xung đột tại Ukraine.

Trong tháng 3, Nga đã sản xuất 10,018 triệu thùng/ngày, dưới mục tiêu 300.000 thùng/ngày.

Bổ sung thêm áp lực giảm cho giá dầu là đồng USD giao dịch ở mức cao nhất trong hai năm.

Dự báo tăng trưởng giảm của IMF cùng với báo cáo kho dự trữ dầu mỏ chiến lược giảm 4,7 triệu thùng đang gây ra một số lo lắng.

Lo ngại về tăng trưởng nhu cầu được tập trung sau khi một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ có thể tăng trong tuần trước.

Nhu cầu nhiên liệu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới có thể bắt đầu khôi phục khi các nhà máy sản xuất chuẩn bị mở lại ở Thượng Hải.

Khả năng Liên minh Châu Âu cấm dầu mỏ của Nga tiếp tục khiến thị trường lo lắng.

Vàng giảm 1%

Giá vàng giảm 1% do USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.

Vàng giao ngay giảm 1,3% xuống 1.953,19 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa giảm 1,4% xuống 1.959 USD/ounce.

Chỉ số USD lên mức cao nhất trong hai năm, khiến vàng đắt hơn cho những người mua bằng đồng tiền khác, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trong bối cảnh dự đoán Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ của họ.

Tuy nhiên lạm phát cao trong ngắn hạn và nguy cơ địa chính trị có thể vẫn hỗ trợ giá vàng và khiến vàng ở quanh mức hiện nay trong những tuần tới đây.

Đồng lên mức cao nhất trong hai tuần

Giá đồng tăng lên mức cao nhất trong hai tuần, bởi hy vọng có thêm các kích thích kinh tế từ Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu ở nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới này.

Trung Quốc, chiếm khoảng nửa nhu cầu kim loại trên toàn cầu sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho các ngành công nghiệp, các công ty và người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 bùng phát, ngân hàng trung ương cho biết trong một động thái mới nhất của mình để giảm suy thoái kinh tế.

Cũng hỗ trợ giá đồng là tin tức mỏ Las Bambas của tập đoàn MMG tại Peru nơi chiếm 2% nguồn cung toàn cầu, sẽ tạm dừng hoạt động kể từ ngày 20/4 vì sự gián đoạn lặp lại từ các cộng đồng địa phương nghèo đói.

Mỏ đồng ở Peru của Southern Copper đã bị đóng cửa trong 6 tháng vì sự bế tắc của họ với những người biểu tình.

Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,2% lên 10.324 USD/tấn.

Tuy nhiên đà tăng giá đồng bị hạn chế bởi Quỹ Tiền Tệ Quốc tế cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu gần 1 điểm phần trăm do xung đột tại Ukraine.

Dự trữ đồng của kho LME đang tăng lên cũng hạn chế đà tăng, nhưng các nguồn cung toàn cầu vẫn ở những mức thấp trong lịch sử. Tổng dự trữ đồng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2021, tăng 8.150 tấn lên 118.825 tấn.

Quặng sắt giảm

Giá quặng sắt tại Đại Liên và Singapore giảm, đảo lại chiều tăng trước đó trong phiên, sau khi một phát ngôn viên của cơ quan hoạch định nhà nước Trung Quốc cho biết nước này sẽ giảm sản lượng thép trong năm nay.

Bổ sung thêm lo ngại về triển vọng nhu cầu quặng sắt, Đường Sơn trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc đã thực hiện một đợt phong tỏa Covid-19 khác tại 4 quận trong ít nhất 3 ngày kể từ ngày 19/4.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 3,3% xuống 887 CNY (139,18 USD)/tấn, sau khi chạm mức cao nhất 2 tuần tại 942 CNY trước đó trong phiên này.

Tại Singapore, hợp đồng kỳ hạn tháng 5 giảm 2,3% xuống 151,35 USD/tấn.

Trung Quốc sẽ giảm sản lượng thép thô trong năm nay, sau khi giảm sản lượng trong năm 2021 phù hợp với mục tiêu kiểm soát khí thải carbon, theo phát ngôn viên của Ủy ban Phát triển và Cải tổ Quốc gia Trung Quốc.

Kỳ vọng về sự hỗ trợ chính sách bổ sung cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đang đối mặt với nguy cơ suy giảm mạnh bởi việc phong tỏa và do xung đột ở Ukraine, đã đẩy giá quặng sắt Đại Liên tăng hơn 30% trong năm nay.

Tuy nhiên, thời điểm và mức độ các biện pháp kích thích bổ sung vẫn chưa rõ ràng. Các nhà chức trách Trung Quốc đang cố gắng thận trọng để kích thích tăng trưởng không gây nguy hiểm cho sự ổn định giá cả.

Thép thanh tại Thượng Hải giảm 0,4%, thép cuộn cán nóng ổn định, thép không gỉ tăng 3%.

Cao su Nhật Bản tăng do đồng JPY yếu

Giá cao su Nhật Bản tăng bởi đồng JPY suy yếu so với USD và nguồn cung nguyên liệu thô thắt chặt từ Thái Lan.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 3 JPY hay 1,1% lên 265 JPY (2,07 USD)/kg.

Đồng JPY của Nhật xuống mức thấp nhất 20 năm so với USD bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và số liệu kinh tế tương đối tốt của Mỹ.

Mưa rào tại nhiều nơi ở Thái Lan đã hạn chế nguồn cung nguyên liệu thô.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 tại Thượng Hải tăng 65 CNY lên 13.495 CNY (2.116,93 USD)/tấn, đánh dấu mức tăng phần trăm mạnh nhất kể từ ngày ngày 31/3.

Đường thô giảm gần 3%

Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 2,6% xuống 19,74 US cent/lb.

Giá các hàng hóa nói chung gồm dầu, vàng và nông sản giảm do lo ngại nhu cầu sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF giảm dự báo tăng trưởng kinh tế và cảnh báo lạm phát gia tăng.

Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 11,7 USD hay 2,1% xuống 538 USD/tấn.

Các đại lý cho biết việc giao hàng được xem như là hỗ trợ với khối lượng khá lớn và hợp đồng kỳ hạn tháng 5 cao hơn so với hợp đồng tháng 8 cho thấy nhu cầu mua đường mạnh mẽ.

Cà phê giảm

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 giảm 2,05 US cent hay 0,9% xuống 2.217 USD/lb.

Khối lượng cà phê nhân tại các cảng của Mỹ, nước tiêu thụ đồ uống này lớn nhất thế giới, tăng vào cuối tháng 3 lần đầu tiên kể từ tháng 8/2021.

Các đại lý cho biết việc phong tỏa tại Trung Quốc vì Covid-19 và xung đột tại Ukraine làm tăng lo ngại về nhu cầu.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 giảm 11 USD hay 0,5% xuống 2.088 USD/tấn.

Giá ngô, lúa mì giảm, đậu tương trái chiều

Ngô trên sàn giao dịch Chicago thoái lui sau khi đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ trong bối cảnh lo ngại việc khởi đầu trồng trọt chậm lại.

Ngô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 7-1/4 US cent xuống 7,99-3/4 USD/bushel. Hợp đồng này đã đạt mức cao nhất tại 8,14 USD/bushel, cao nhất kể từ tháng 9/2012. Việc chốt lời đã kéo giá giảm sau khi tăng lên mức cao nhất 10 năm, giá dầu thô giảm cũng hỗ trợ điều này.

Lúa mì giảm cũng do áp lực chốt lời sau khi giá lên mức cao nhất trong 4 tuần.

Lúa mì đỏ mềm vụ đông kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 19-3/4 US cent xuống 11,09 USD/bushel, trước đó giá đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 22/3.

Giá đậu tương trái chiều trong bố cảnh nhu cầu xuất khẩu của Mỹ mạnh, trong khi dầu đậu tương tăng.

Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 5 tăng 1-3/4 US cent lên 17,16-1/2 USD/bushel. Đậu tương kỳ hạn tháng 7 giảm 1-1/2 US cent xuống 16,91-3/4 USD/bushel.

Dầu đậu tương kỳ hạn tháng 7 tăng 0,11 US cent lên 78,2 US cent/lb

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 20/4

 

Minh Quân

Theo Trí thức trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật