Thu thuế dịch vụ xuyên biên giới “bất khả thi” với một ngành, một quốc gia
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính cho rằng, để có thể thực hiện được việc đánh thuế đối với các hoạt động thương mại và dịch vụ xuyên biên giới, cần xác định được hai yếu tố. Đó là giá trị sản phẩm bị đánh thuế và đối tượng bị đánh thuế.Theo giới chuyên gia, dịch vụ được tạo ra không chỉ bởi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mà còn cả bởi người tham gia sử dụng dịch vụ. Cơ bản doanh nghiệp không thu phí từ người sử dụng dịch vụ, nhưng họ khai thác thông tin thu được để tạo ra giá trị của mình và thu phí trên giá trị đó.
Hàng hóa hữu hình có thể đánh giá nhưng với sản phẩm, hàng hóa vô hình rất khó để xác định giá trị. Yếu tố thứ hai là xác định đối tượng để đánh thuế. Tham gia dịch vụ sẽ bao gồm người dùng, công ty cung cấp dịch vụ và đơn vị trung gian sở tại giữa công ty cung cấp dịch vụ và người dùng. Tuy nhiên theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, việc xác định đối tượng đánh thuế cũng rất khó thực hiện và rất phức tạp.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính
Theo các chuyên gia, một thách thức lớn nữa khi xác định loại thuế để áp dụng là sẽ áp thuế thu nhập hay thuế dịch vụ (VAT). Để xác định được loại thuế áp dụng cũng không dễ dàng do những dịch vụ này hoàn toàn mới và không có bất cứ căn cứ pháp lý nào quy định. Đây là bài toán khó không chỉ đối với Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo ông Vũ Sỹ Cường, việc khái niệm các ngành, dịch vụ thay đổi do tác động của công nghệ buộc việc đánh thuế không thể thực hiện đơn lẻ mà đòi hỏi sự phối hợp giữa các ngành, các quốc gia (do tính chất xuyên biên giới của dịch vụ).
Cùng quan điểm, TS. Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế nhận định, cách thức quản lý thuế hiện chưa đáp ứng được đầy đủ và chính xác đối với loại hình kinh doanh bằng công nghệ, từ đó không thể xác định doanh thu phát sinh tại Việt Nam của các doanh nghiệp này không hề dễ dàng, dẫn đến việc thất thu thuế là điều tất yếu. Do đó, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, trong dự thảo luật Quản lý thuế mà Bộ Tài chính đang xây dựng cần tính đến sự liên kết, hỗ trợ giữa các ngành, chứ không riêng mình ngành thuế thực hiện được.
Grab, Facebook, Google, Netflix, Agoda, Booking.com… đang phát triển mạnh. Còn ngành thuế vẫn lúng túng về cách thức quản lý mới khi những sản phẩm, dịch vụ công nghệ, kỹ thuật số ngày càng “bành trướng mạnh”.
"Nền kinh tế không quan sát được của các dịch vụ thương mại xuyên biên giới đang phát triển tốt hơn gấp nhiều lần nền kinh tế quan sát được. Chỉ riêng Facebook ước tính thu lợi hàng nghìn tỷ đồng từ thị trường Việt Nam. Nếu kiểm soát được thuế từ các dịch vụ này có thể đem tới nguồn thu cực lớn cho quốc gia", TS. Bùi Trinh cho hay.
Việc đánh thuế dịch vụ xuyên biên giới là rất khó khăn. Các quốc gia trên thế giới, cụ thể là Liên minh châu Âu cũng phải ngồi lại cùng nhau để tìm ra giải pháp. Do đó, Việt Nam cũng cần các giải pháp vĩ mô, có tầm nhìn dài hạn để thu thuế, đồng thời tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp./.