"Tiệm kim hoàn 4.0" lên Shark Tank gọi vốn bị cả 5 Shark từ chối vì rủi ro: Mua vàng trả góp online chỉ từ 100.000 đồng, khi nào đủ thì ra cửa hàng lấy vàng vật chất

Được biết, chuỗi tiệm kim hoàn HanaGold đạt giải ba cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp Techfest 2021 nhờ giải pháp số hóa kinh doanh vàng bạc đá quý. Tuy nhiên cả 5 shark đều từ chối Hana Ngô vì mô hình này quá rủi ro.

Ngô Thị Thảo (Hana Ngô), founder kiêm CEO của Hanagold đến Shark Tank mùa 5 kêu gọi 200.000 USD cho 10% cổ phần.

Khi còn nhỏ, Hana Ngô nhận thấy những người bà, người mẹ xung quanh tiết kiệm từng đồng để mua từng chỉ vàng mang cất. Hana Ngô mong muốn làm thế nào người dân Việt Nam có thể tích luỹ vàng một cách dễ dàng hơn, Hanagold ra đời là một chuỗi tiệm kim hoàn ứng dụng công nghệ 4.0 để người dân mua vàng tích luỹ online từ 100.000 đồng, và nhận hàng offline tại chuỗi cửa hàng của Hanagold và các cửa hàng nhượng quyền trên toàn quốc. Hanagold còn muốn nhân rộng mô hình bằng các cửa hàng nhượng quyền với chi phí 500 triệu đồng để mở một tiệm kim hoàn.

Hana Ngô cho biết Hanagold xây dựng nền tảng website đặc biệt là mobile app cung cấp công cụ cho khách hàng nạp tiền mua vàng tích luỹ từ 100.000 đồng và khi nào đủ 1 chỉ thì ra tiệm vàng để nhận vàng vật chất về. Hana Gold thành lập năm 2020 hiện nay có 3 cửa hàng, đã có 15.000 khách hàng tải app, trong đó có 30% khách mua vàng.

Ngay sau khi Hana Ngô trình bày xong, Shark Hưng đã đặt câu hỏi về các quy định của Ngân hàng nhà nước liên quan đến giao dịch vàng trạng thái. Tuy nhiên lúc này, Hana Ngô cho biết startup của cô chưa kinh doanh vàng miếng, đây là vàng trang sức mỹ nghệ, và các khách hàng mua tích luỹ theo hướng "đặt cọc để mua hàng".

Mối lo ngại của Shark Hưng ở chỗ, việc mua tích luỹ online sẽ nảy sinh tại nhiều thời điểm, mà giá vàng tại mỗi thời điểm giao hàng biến động khác nhau.

Shark Lê Hùng Anh, Tổng giám đốc BIN Corporation Group, nhân tố mới của dàn cá mập mùa này đặt dấu hỏi: "Giả sử hôm đó em có 100 khách hàng, mỗi khách hàng đặt cọc 100.000 đồng, tức là có 10 triệu đồng, vậy em mua vàng vật chất cất trong kho hay em giữ tiền đó?".

Hana Ngô cho biết, nếu khách hàng mua 1 triệu đồng với giá vàng tại thời điểm đó đang ở mức 5,5 triệu đồng/lượng, ngày mai mua thêm 1 triệu đồng ở mức giá 6 triệu đồng/lượng, mua đủ 1 chỉ thì đổi ra vẫn là 1 chỉ, còn việc cân đối dòng tiền và vàng vật chất thì đó là trách nhiệm thuộc về Hanagold.

"Rủi ro nằm ở chỗ đó, anh mua vàng của em thời điểm 70 triệu đồng/lượng, giả sử 7 tháng sau anh mới lấy lúc đó giá vàng 100 triệu, thì em không có tiền mua vàng vật chất để trả cho anh", Shark Hưng đặt dấu hỏi.

Hana Ngô cho biết, thực ra tất cả các tiệm vàng đều phải cân đối giữa dòng tiền và dòng vàng, đó là bí quyết riêng khi kinh doanh ngành này.

"Nếu như sập sàn thì em có trách nhiệm gì với người mua", Shark Liên đặt câu hỏi. Trong khi đó, Shark Hùng Anh cũng nghi ngờ nếu startup phá sản thì trách nhiệm với người mua như thế nào.

Hana Ngô cho biết, hiện nay Hanagold có cơ chế trích lập dự phòng và "vấn đề nằm ở niềm tin". Khách hàng mua vàng ở Hanagold và bán vàng tại Hanagold bất kỳ lúc nào.

Shark Hùng Anh cho rằng mô hình kinh doanh của Hanagold rất rủi ro và từ chối đầu tư.

Shark Hưng cho rằng, "nguyên tắc đầu tư đặc biệt là đầu tư tài chính thì cơ chế mới là quan trọng. Với một quỹ đầu tư huy động tiền, cơ chế thu tiền, đánh giá lựa chọn danh mục đầu tư như thế nào, vẫn phải có niềm tin nhưng phải tin vào cơ chế để không lừa đảo, gian dối kể cả bất kỳ Shark nào ở đây. Nói gì thì nói kinh doanh vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện".

Shark Liên cho rằng, kinh doanh không thể bằng mọi giá, tính rủi ro và tính tuân thủ theo pháp luật là quan trọng nhất. "Em có vốn để chi trả lại cho khách hàng khi có rủi ro xảy ra không"?, Shark Liên đặt câu hỏi.

Hana Ngô cho biết vốn điều lệ công ty hiện nay là 10 tỷ, cô nắm giữ 60% cổ phần, công ty hiện có 3 cổ đông. Từ tháng 1 – tháng 3/2022 doanh thu công ty được 500- 1 tỷ đồng. Công ty đã đầu tư 7 tỷ. 2 năm 2020 và 2020 do Covid nên startup "đóng băng và không làm được gì".

Shark Phú tính toán cho rằng với chi phí như vậy thì công ty "đã ăn mòn gần hết vốn chủ sở hữu".

Hana Ngô cho biết, cô triển khai mô hình nhượng quyền tiệm kim hoàn, bất kỳ ai có nhu cầu đầu tư với vốn 500 triệu đồng.

"500 triệu đồng thì bày được mấy miếng vàng?", Shark Bình đặt dấu hỏi. "Trước đây anh có nghiên cứu đầu tư một số chuỗi bán lẻ có mấy cái bàn và mấy cái ghế thôi cũng mất 300 triệu đồng để mở một cửa hàng. 5 tỷ có khi còn không đủ", Shark Bình rất hoài nghi. "Mô hình nhượng quyền trong kinh doanh trang sức là không khả thi vì không phải ai có tiền cũng kinh doanh vàng, thứ 2 việc trả vàng bằng token cũng khó khả thi, tuy nhiên 4.0 không phải là cây đũa thần, nhiều ngành kinh doanh truyền thống không thay đổi được", Shark Bình quyết định không đầu tư.

"Doanh thu bán vàng 1 tỷ trong 3 tháng không bằng kinh doanh áo lót đồ lót, doanh thu 1 tỷ thể hiện em kinh doanh bằng niềm tin, nghĩa là khách hàng chưa tin em. Nếu một tổ chức trên tài chính trên thị trường có thể khả thi, nhưng thị trường chưa ai biết đến em. Việc trích lập dự phòng tại các NHTM phải để ở ngân hàng nhà nước, nó mới có ý nghĩa dự phòng. Mô hình kinh doanh của em sẽ khó thành công", Shark Phú quyết định không tham gia đầu tư.

Cả 5 shark đều từ chối Hana Ngô vì mô hình này quá rủi ro.

Được biết, chuỗi tiệm kim hoàn HanaGold đạt giải ba cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp Techfest 2021 nhờ giải pháp số hóa kinh doanh vàng bạc đá quý.

Châu Cao

Theo Nhịp sống kinh tế


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật