Top 3 DN hàng bán lẻ, tiêu dùng được khuyến nghị đầu tư, Thế giới Di động đứng số 1, DN số 2 khá bất ngờ

Sự chuyển mình của Bách Hóa Xanh bước đầu ghi nhận kết quả khả quan. Với kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng mạnh ở mức 41% doanh thu và 39% lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ.

Thế giới Di động tiếp tục là doanh nghiệp bán lẻ số 1 được MBS khuyến nghị đầu tư. Các vị trí được khuyến nghị tiếp theo thuộc về DGW rồi mới đến PNJ.

Quý 1/2018 là giai đoạn thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong chu kỳ 10 năm trở lại đây nhờ dòng tiền ngoại. Bước sang Quý 2, thị trường đang chịu sức ép từ việc điều chỉnh mức định giá toàn thị trường và áp lực từ ngành ngân hàng, cộng thêm ảnh hưởng từ việc Fed tăng lãi suất, chiến tranh thương mại dẫn tới nhà đầu tư nước ngoài kích hoạt đợt bán ròng.

CTCP Chứng khoán MB (MBS) dự báo: Trong Quý 3 và Quý 4, dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại, nhờ lợi nhuận DN tăng trưởng tích cực và tình hình vĩ mô ổn định.

Trong bối cảnh thị trường ở trong giai đoạn khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, dòng tiền thông minh đang chọn lọc để hướng tới những cổ phiếu cơ bản có câu chuyện tăng trưởng riêng.

Ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ là một trong những ngành đầu tư tiềm năng trong năm 2018 theo nhận định của MBS. Trong đó, MBS khuyến nghị mua với 3 mã chứng khoán: MWG, PNJ, và DGW.

Thế giới Di động (MWG)

Mức giá mục tiêu: 140.000 đồng/cổ phiếu

Top 3 DN hàng bán lẻ, tiêu dùng được khuyến nghị đầu tư, Thế giới Di động đứng số 1, DN số 2 khá bất ngờ - Ảnh 1.
 
Số liệu cập nhật tình hình kinh doanh 7 tháng đầu năm 2018 của Thế giới Di động cho thấy DN này đang ở đà tăng trưởng mạnh, đạt 51.700 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 1.800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt ở mức 41% và 39% so với cùng kỳ.

Thế giới Di động sở hữu sức khỏe tài chính tốt đi kèm với tăng trưởng bền vững. Tốc độ tăng doanh thu bình quân khoảng 63%/năm, lợi nhuận ròng khoảng 71%/năm trong giai đoạn 2013 – 2017. Cơ cấu vốn an toàn.

MBS phân tích: Dienmayxanh.com sẽ là đầu kéo tăng trưởng cho MWG trong giai đoạn 2018 – 2019. Dự kiến Dienmayxanh sẽ gia tăng thị phần lên mức 45% trong 2 năm tới, từ mức thị phần hiện tại là 35%.

Bên cạnh đó, Bách Hóa Xanh có sự chuyển mình, bước đầu ghi nhận kết quả khả quan. Bình quân mỗi cửa hàng đạt doanh thu 850 triệu đồng/tháng. Số lượng cửa hàng tính đến cuối tháng 6 là 384 cửa hàng.

CTCP Thế giới số (Digiworld - DGW)

Mức giá mục tiêu: 34.400 đồng/cổ phiếu

Top 3 DN hàng bán lẻ, tiêu dùng được khuyến nghị đầu tư, Thế giới Di động đứng số 1, DN số 2 khá bất ngờ - Ảnh 2.
 
Với chiến lược tăng thêm dịch vụ giá trị tăng và dịch vụ hậu mãi cho các nhà sản xuất điện thoại di động đi kèm với triển vọng khả quan từ ngành hàng tiêu dùng, MBS cho rằng Digiworld sẽ tiếp tục cải thiện hơn nữa kết quả kinh doanh trong tương lai.

DGW đã một một quý tăng trưởng "vượt đỉnh cũ" với doanh thu thuần khoảng 1.376 tỷ đồng trong Quý 2/2018, tăng 74% so với cùng kỳ, trong đó ngành hàng điện thoại di động đóng góp lớn nhất nhờ việc phân phối. Nhờ tăng trưởng khả quan của thị trường smartphone, Xiaomi nhanh chóng gia tăng thị phần tại Việt Nam và đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của Digiworld.

Mô hình cung cấp dịch vụ phát triển thị trường (MES) đang mang lại hiệu quả cao. Trong ngắn hạn, MES đã đem lại cho mảng điện thoại di động sức tăng trưởng nhanh, trong khi các bước đi vững chắc trong ngành hàng tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe sẽ là động lực phát triển dài hạn.

Mặc dù MBS định giá mục tiêu của DGW chỉ ở mức 29.900 đồng/cổ phiếu, SSI cho rằng mức giá này sẽ ở vào khoảng 34.400 đồng/cổ phiếu.

Bản tin của SSI cho biết lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông DGW đã tăng 43,6% so với cùng kỳ, lên 41,6 tỷ đồng. Về triển vọng thị trường của các lĩnh vực kinh doanh của DGW, SSI nhìn nhận:

Mảng điện thoại di động: Thị trường điện thoại di động đang gần bão hòa dựa trên số liệu giá trị tiêu thụ điện thoại toàn ngành trong 6 tháng đầu năm 2018 chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ (theo số liệu của GFK). Điều này hoàn toàn trái ngược với tăng trưởng hai chữ số trong cùng thời kỳ vài năm qua. Tuy nhiên, Xiaomi chiếm phần lớn doanh thu điện thoại di động của DGW nên SSI ước tính doanh thu điện thoại di động của DGW sẽ cải thiện cùng với đà tăng trưởng của Xiaomi tại thị trường Việt Nam.

Xiaomi có một mục tiêu đầy tham vọng tại Việt Nam, với 10% thị phần điện thoại di động trong 3 năm.

Mảng thiết bị văn phòng

DGW đang phân phối sản phẩm cho nhiều thương hiệu nổi tiếng như: HP, Asus, Dell, Lenovo, Acer, LG, APC, Logitech, Microsoft, IBM, Schneider, Phillips và Eaton. Tăng trưởng doanh thu thiết bị văn phòng trung bình đạt 24,3%/năm, từ 315 tỷ đồng trong năm 2013 lên 752 tỷ đồng trong năm 2017 tương ứng với sự gia tăng về số lượng sản phẩm. Công ty đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu 30% mỗi năm trong phân khúc này trong các năm tới.

Mảng FMCG & Chăm sóc sức khỏe

Với kinh nghiệm trong ngành phân phối cùng với việc hợp tác với mạng lưới các kênh phân phối lớn, bao gồm: (1) Kênh cửa hàng truyền thống: 5000 nhà thuốc, 877 siêu thị và 22.000 cửa hàng trong phân khúc FMCG.

(2) Kênh bán hàng trực tuyến: Lazada, Tiki và các kênh khác. Do đó, chúng tôi cho rằng các dịch vụ mở rộng thị trường do DGW cung cấp sẽ thu hút nhiều thương hiệu có sản phẩm chất lượng cao nhưng thiếu kỹ năng mở rộng thị trường hợp tác với DGW để phát triển nhanh hơn. Theo ban lãnh đạo của DGW, trong dài hạn, DGW đặt kế hoạch doanh thu 5.000 tỷ đồng từ mảng FMCG & chăm sóc sức khỏe.

"DGW có triển vọng lợi nhuận ròng tích cực tăng 40,4% so với cùng kỳ trong năm 2018, và ít nhất ở mức tăng 27,0% so với cùng kỳ trong năm 2019 nên chúng tôi cho rằng cổ phiếu DGW phù hợp với mức PE 10x, tương ứng với mức giá mục tiêu 1 năm là 34.400 đồng/cp, tăng 35,7 % so với giá hiện tại", báo cáo của SSI nhận định.

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ)

Mức giá mục tiêu: 134.000 đồng/cổ phiếu

Top 3 DN hàng bán lẻ, tiêu dùng được khuyến nghị đầu tư, Thế giới Di động đứng số 1, DN số 2 khá bất ngờ - Ảnh 3.
 
MBS cho rằng hoạt động kinh doanh duy trì ổn định với lợi thế cạnh tranh lớn trong khi tiềm năng của ngành bán lẻ trang sức vẫn còn, cho thấy trong trung và dài hạn, PNJ vẫn còn khả năng tăng trưởng tích cực.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 của PNJ khá khả quan với doanh thu tăng 34% và lợi nhuận sau thuế tăng 37%.

Nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức gia tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2013 – 2017. Riêng trong nửa năm đầu 2018, nhu cầu vàng trang sức Việt Nam đã tăng trưởng 14%. Đồng thời, khoảng trống thị trường rất tốt để các chuỗi kim hoàn gia tăng thị phần bằng những lợi thế vượt trội khi tỷ lệ các cửa hàng mom & pop (cửa hàng bán lẻ nhỏ) vẫn chiếm tỷ trọng cao đến 80%.

Bên cạnh đó, theo phân tích của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), PNJ Watch sẽ là một điểm cộng cho PNJ với kế hoạch mở 4 cửa hàng trong nửa cuối năm, nhắm đến khách hàng tương tự trang sức. Quan sát các sản phẩm trên webiste của PNJ, VCSC nhận thấy phần lớn các sản phẩm đồng hồ đều có giá dưới 1.000 USD, thuộc phân khúc cận cao cấp và thấp hơn; và tỷ lệ giữa đồng hồ nữ và nam là 60/40, khá dễ hiểu khi PNJ có thể bán chéo sản phẩm này cho nhóm khách hàng hiện hữu của mình.

Theo: Trí Thức Trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật