Trở ngại gia nhập thị trường của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam
DN khởi nghiệp thường gặp bất lợi do "rào cản gia nhập ngành" khiến chi phí bình quân trên mỗi sản phẩm cao hơn những DN có thời gian hoạt động nhiều năm. Các yếu tố gây trở ngại bao gồm thực hiện các nghĩa vụ tuân thủ pháp luật của DN mới thành lập như đăng ký kinh doanh, chuẩn bị cơ sở vật chất (văn phòng, nhà xưởng, hệ thống phân phối) và thiết lập các mối quan hệ đối tác kinh doanh.
Tùy vào lĩnh vực kinh doanh mà chi phí tuân thủ pháp luật của DN khác nhau. Thông thường, ở lĩnh vực sản xuất, chi phí tuân thủ pháp luật lớn hơn với các thủ tục pháp lý phức tạp hơn, từ đăng ký thành lập DN, chuẩn bị các điều kiện kinh doanh (trường hợp ngành nghề kinh doanh có điều kiện) đến các thủ tục liên quan đến xây dựng như thẩm định thiết kế, điều kiện về phòng cháy chữa cháy, xử lý phát thải môi trường, các điều kiện liên quan đến xuất nhập máy móc thiết bị, hàng loạt giấy phép các loại...
Đây là một phần nguyên nhân dẫn đến số lượng DN khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ nhiều hơn trong lĩnh vực sản xuất. Để giảm chi phí pháp lý cho DN mới gia nhập ngành, cần nhanh chóng cải thiện các điều kiện về pháp lý sao cho đơn giản nhưng vẫn đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng và chặt chẽ trong quản lý DN.
Mặt khác, DN mới gia nhập thị trường luôn gặp khó khăn trong tiếp cận các đối tác cung ứng đầu vào, phân phối sản phẩm, thuê mướn mặt bằng, nhân sự, vận chuyển hàng hóa, làm gia tăng chi phí khá lớn, trong khi khả năng huy động nguồn vốn đầu tư rất hạn chế. Do vậy, các chương trình trợ giúp DN khởi nghiệp cần tập trung vào các giải pháp tháo gỡ những khó khăn này.
Để giúp DN tiếp cận thị trường, cần những chương trình kết nối cung - cầu thông qua tạo cơ hội cho các DN lớn gặp gỡ các DN khởi nghiệp, DN khởi nghiệp tiếp xúc với các DN toàn cầu. Trở ngại lớn nhất trong hợp tác là DN nhỏ không nắm bắt được các tiêu chuẩn, yêu cầu của DN lớn nên trọng tâm của các chương trình kết nối này phải tháo gỡ được vướng mắc đó.
DN mới gia nhập thị trường trong lĩnh vực sản xuất luôn gặp rào cản lớn về vốn, công nghệ, tiếp cận khách hàng. Sẽ rất khó tồn tại nếu phải cạnh tranh với DN lớn, nên cần hợp tác với DN lớn để được nhận các đơn hàng sản xuất phụ trợ, tiếp nhận hướng dẫn công nghệ và vốn ứng trước từ các DN lớn. DN lớn muốn có hệ thống cung ứng ổn định cũng cần xây dựng đội ngũ DN nhỏ làm vệ tinh cho mình. Quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn nếu có cơ chế, chính sách thúc đẩy, trợ giúp cho các chương trình liên kết DN nhỏ với DN lớn.
Bên cạnh đó, các chương trình mua sắm công nên định hướng sử dụng một phần sản phẩm do các DN khởi nghiệp sản xuất, chẳng hạn như các đặc sản của địa phương do DN khởi nghiệp sản xuất cần được ưu tiên trong mua sắm công khi có nhu cầu. Song song đó, các chương trình liên kết giữa các địa phương trong và ngoài nước cần hướng đến tạo điều kiện để DN có cơ hội làm ăn với bên ngoài thông qua chính quyền phát động, DN là chủ thể tham gia chính. Do vậy, các chương trình liên kết hợp tác cần được thiết kế dựa trên nhu cầu của DN khởi nghiệp của địa phương mình.
DN mới thành lập thường không mạnh dạn thuê mướn nhân sự đủ chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện những công việc liên quan đến tuân thủ pháp luật như kê khai quyết toán thuế, lập kế hoạch kinh doanh, xây dựng hệ thống quản lý DN bài bản. Do vậy, rất cần những chương trình hỗ trợ cho việc xã hội hóa các dịch vụ trợ giúp pháp lý, kế toán, thuế, tư vấn hệ thống quản trị để DN khởi nghiệp được thuê mướn ngoài các dịch vụ này với chi phí thấp.
Thiếu mặt bằng sản xuất nên phần lớn cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư dẫn đến ô nhiễm phân tán, rất khó xử lý, nếu xử lý được thì chi phí rất cao. Trong khi đó, ý thức bảo vệ môi trường của phần lớn DN nhỏ rất kém. Để tạo mặt bằng sản xuất cho DN, cần quy hoạch các cụm mặt bằng sản xuất cho các DN nhỏ với đầy đủ các hạ tầng phục vụ sản xuất và xử lý phát thải. Cần có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư hạ tầng sao cho đảm bảo giá cho thuê mặt bằng thấp.
Khó khăn về vốn và khó tiếp cận vốn vay là phổ biến nhất, mặc dù có rất nhiều chính sách, giải pháp tiếp vốn cho DN khởi nghiệp như quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư cho DN khởi nghiệp, hỗ trợ vốn mồi ở các trung tâm thực hiện chức năng ươm tạo DN... Những cách làm này chỉ giúp tháo gỡ được một phần khó khăn về vốn cho số ít DN. Trong khi đó loại hình tín dụng thuê mua (cho thuê tài chính) là phù hợp nhất với DN nhỏ và vừa nhưng vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam, do vậy cần tiếp tục kiên trì phát triển kênh tiếp vốn này cho DN mới gia nhập thị trường.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển DN, việc cấp bách cần làm là tháo gỡ các rào cản gia nhập thị trường theo hướng giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường và tạo cơ hội kinh doanh cho DN. Đây là những việc trong tầm tay khi có sự phân định rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của chính phủ và chính quyền địa phương.
Theo DNSG
TIN CŨ HƠN
- Tại sao nhiều startup tại châu Á mở thêm mảng fintech?
- TP HCM tham gia trao đổi startup quốc tế
- Startup Việt Tomochain gọi vốn thành công 8,5 triệu USD
- Quỹ Hàn Quốc đầu tư 150.000 USD cho khởi nghiệp Việt Nam
- Australia có thể cấp Visa cho người khởi nghiệp
- [Review Shark Tank mùa 1] 5 triệu USD được cam kết đầu tư và bài học cho các Startup: Đừng định giá mình trên trời và chớ chăm chăm ‘đánh đổi cổ phần’ khi gọi vốn!
- Startup Mỹ cung cấp thông tin thiên tai qua bản đồ
- Tiềm năng phát triển game ở Đông Nam Á
- Hàn Quốc 'trẻ hóa' nền kinh tế quốc gia nhờ khởi nghiệp
- Uber, Grab hết thời trái ngọt