Trung tâm thương mại: Đến thời khó

Ngành bán lẻ đang phát triển mạnh kèm theo đó là sự đào thải khắc nghiệt. Việc đóng cửa các trung tâm thương mại và thu hẹp hoạt động của Parkson cho thấy rõ điều này...
Parkson đuối sức trong cuộc đua giành thị phần. Ảnh: X.Thảo

Parkson đuối sức

Ngày 29/1, Trung tâm Thương mại Parkson Flemington trên đường Lê Đại Hành, quận 11, TP.HCM đã đóng cửa sau 8 năm hoạt động. Đây là trung tâm thương mại thứ hai của Parkson tại TP.HCM và là trung tâm thứ tư tại Việt Nam của nhà đầu tư này ngừng hoạt động. Khai trương cuối năm 2009, Parkson Flemington có tổng diện tích 26.000m2, chiếm 6 tầng trong khu phức hợp The Flemington do Tập đoàn Pau Jar (Đài Loan) làm chủ đầu tư.

Khi mới ra đời, trung tâm này thu hút khá đông khách hàng nhưng rồi thưa dần. Vào giữa năm 2017, vì vắng khách, nhiều chủ thuê mặt bằng không trụ nổi đành phải ngừng kinh doanh. Những chủ thuê còn lại đã kết hợp với Parkson tổ chức giảm giá, khuyến mãi nhưng vẫn không đủ sức kéo khách mua.

Trước Parkson Flemington, Trung tâm Thương mại Parkson Keangam (Hà Nội) đã đóng cửa tháng 1/2015, Parkson Paragon (quận 7, TP.HCM) đóng cửa tháng 5/2016, Parkson Viet Tower (Hà Nội) dừng hoạt động tháng 12/2016. Hiện nhà đầu tư này chỉ còn 4 trung tâm tại TP.HCM, gồm Parkson Lê Thánh Tôn, Parkson CT Plaza, Parkson Cantivil và Parkson Hùng Vương.

Thành lập năm 1930 tại Malaysia, các trung tâm thương mại của Parkson dần có mặt tại Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Campuchia. Đến Việt Nam năm 2005, Parkson đã phát triển thành một chuỗi trung tâm mua sắm cao cấp tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng.

Thương hiệu này đã trở thành một trong những nhà phát triển mặt bằng bán lẻ hàng hiệu đầu tiên tại Việt Nam với tham vọng mở từ 2 - 3 trung tâm tại các đô thị lớn của Việt Nam. Parkson cũng từng được định vị là trung tâm mua sắm cao cấp, kinh doanh hàng hiệu nước ngoài. Thế nhưng, khi các nhà bán lẻ lớn ở một số nước vào Việt Nam, Parkson lộ dấu hiệu đuối sức trong cuộc chạy đua giành thị phần tại thị trường mà họ đã từng đánh giá đầy tiềm năng.

Theo chia sẻ của các chuyên gia ngành bán lẻ, thất bại của Parkson là do "đóng khung" kinh doanh hàng hiệu cao cấp trong khi phân khúc khách hàng này bị giới hạn bởi một lượng khách nhất định.

Để làm mới mình, Parkson đã đưa một số thương hiệu "hàng hiệu Việt Nam" vào kinh doanh. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ để kéo lượng khách hàng đã mất vào tay các trung tâm thương mại dù "sinh sau" nhưng đã nghiên cứu kỹ thị hiếu khách hàng và có chiến lược kinh doanh nhạy bén.

Trong thư gửi cổ đông năm 2017, ông Tan Sri Wilian H.J. Cheng - Chủ tịch Parkson Holdings (đơn vị đầu tư Parkson Việt Nam) thừa nhận khó khăn và cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam đang trong thời kỳ bão hòa.

Cạnh tranh quyết liệt hơn

Ngược với nhận định của nhà quản lý Parkson và những khó khăn mà nhà đầu tư này đang đối mặt, các chuyên gia ngành bán lẻ cho rằng, thị trường bán lẻ vẫn sẽ tiếp tục bùng nổ. Bệ đỡ của ngành này là kinh tế đang ngày càng được cải thiện, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng. Từ nay đến năm 2020, dự kiến sẽ có khoảng 13 trung tâm thương mại được đưa vào vận hành, cung cấp thêm 638.000m2 diện tích sàn cho thuê.

Hiện nay, sự tham gia của các "ông lớn" bán lẻ đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan cùng với sự nổi lên của các doanh nghiệp trong nước đang tạo sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực này. Điều đáng nói là các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đều có tham vọng mở rộng kinh doanh. Chẳng hạn như siêu thị Lotte đến từ Hàn Quốc thông báo kế hoạch với 60 trung tâm mua sắm tại Việt Nam cho đến năm 2020, hay Aeon từ Nhật Bản cũng lên kế hoạch mở 20 đại siêu thị.

Trong nước, sự trỗi dậy ngày càng mạnh của thương hiệu Vincom của Vingroup là một điển hình. Theo bà Trần Mai Hoa - Tổng giám đốc Công ty CP Vincom Retail, tính đến cuối tháng 10/2017, Vincom sở hữu 41 trung tâm thương mại tại 22 tỉnh - thành với đầy đủ các ngành hàng thời trang, phụ kiện, đồ gia dụng, khu vui chơi giải trí cùng thế giới ẩm thực phong phú. Đó là một trong những điều kiện để Vincom Center Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) luôn có tỷ lệ lấp đầy 100% kể từ khi khai trương. Dự kiến trong năm nay, Vincom sẽ mở hơn 50 trung tâm mua sắm, tập trung tại các tỉnh.

Nhận định về thị trường bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc Thường trực Saigon Co.op cho rằng, năm 2018 sẽ là năm bùng nổ của bán lẻ hiện đại trên cơ sở các điểm bán được đầu tư trước đó đi vào hoạt động.

"Chúng ta sẽ được chứng kiến một năm đầy sôi động của bán lẻ Việt Nam bởi các nhà bán lẻ trong và ngoài nước sẽ chủ động tăng cường tính hiện đại trên sản phẩm và dịch vụ, cũng như tăng cao tính trải nghiệm để thu hút khách hàng. Trong năm 2018, bên cạnh việc phát triển hệ thống Co.opmart, Saigon Co.op sẽ đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ theo hướng đa kênh", ông Nguyễn Anh Đức cho biết.

 

Theo Doanh Nhân Sài Gòn


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật