Truy xuất nguồn gốc hàng hóa cần đúng và đủ để tránh làm mất lòng tin người tiêu dùng
Phát biểu tại buổi hội thảo "Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại" diễn ra sáng ngày 24/8/2018 do Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, ông Đào Hà Trung – Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM cho biết, "câu truyện truy xuất nguồn gốc giống như câu truyện hằng ngày, mở báo lên đầu tiên bao giờ cũng là tít giật gân nhất nào là khoai tây Trung Quốc đội lốt Đà Lạt, hàng giả,... chúng ta có thể thấy vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hóa không còn là của người Việt mà là vấn đề toàn cầu".
Theo ông Trung hiện nay, trên thị trường còn rất nhiều sản phẩm không được truy xuất nguồn gốc và nhiều cách truy xuất nguồn gốc chưa tốt. Điều này ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng ngay cả cơ quan quản lý khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu truy xuất đó có thật không?
Bên cạnh đó, có rất nhiều mô hình chưa đáp ứng được quy định truy xuất nguồn gốc của cơ quan quản lý. Mô hình đầu tiên có thể kể đến là mô hình "hồi ký sản xuất", đây có thể hiểu là không phải nhật ký sản xuất mà là ghi chép lại dựa theo trí nhớ rồi nhập vào máy tính để tạo ra Bare code hoặc Qr code.
"Mô hình này khá thông dụng do cách áp dụng khá đơn giản không đòi hỏi trí tuệ, truyền thống mà các kỹ sư về IT có thể làm rất nhanh. Tuy nhiên, cách này có cái dở là thông tin không được kiểm chứng và được quyết định vào người ghi hồi ký, nhớ cái gì thì ghi còn nhập vào thì có thể nhầm lẫn", ông Trung cho hay.
Với mô hình thứ 2, người bán hàng có thể lên trang web đơn vị cung cấp truy xuất nguồn gốc điền thông tin mà họ mình mong muốn lên trang web. Nhà cung cấp sẽ giới thiệu dịch vụ in tem, nếu in ít thì có thể tự in ở nhà rồi dán lên sản phẩm sau đó mang ra siêu thị là có thể thoải mái bán hàng.
"Cách này cũng là thông tin chủ quan đến với người tiêu dùng. Tôi muốn in cái gì cũng được và cách in tùy ý. Điều này rất là nguy hiểm làm cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý bị rối dẫn đến nghi ngờ về sản phẩm mình đang sử dụng", ông nhấn mạnh.
Mô hình thứ 3 còn được gọi là "sát thực", người cung cấp dịch vụ sẽ đi thu thập và mua hoặc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin về sản phẩm thì sẽ đưa thông tin vào cơ sở dữ liệu sưu. Thông tin hàng hóa từ mô hình này không được kiểm chứng, xác thực, công bằng,...
"Đây là những mô hình chúng ta thường gặp trên thị trường và đối chiếu với công văn gần đây nhất của Bộ NN&PTNT thì hoàn toàn là sai, không theo sát luật", ông lưu ý.
Trước vấn đề này, ông Trung đề xuất các cơ quan quản lý cần quy định rõ các yêu cầu kỹ thuật, điều kiện hành nghề cho các công ty cung cấp dịch vụ truy xuất nguồn gốc, tránh tình trạng người tiêu dùng mất lòng tin về hoạt động truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, khuyến khích các công ty công nghệ áp dụng các tiêu chí kỹ thuật của các nước nhập khẩu như áp dụng Blockchain, IoT, GS1-EPCIS,... cho hàng xuất khẩu để tạo lợi thế cho hàng Việt Nam.
Cuối cùng, hình thành hệ thống thông tin - cơ sở dữ liệu áp dụng công nghệ 4.0 để chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và nhà sản xuất.
Ngọc Anh
Theo: Trí thức trẻ
TIN CŨ HƠN
- Chính phủ ra quy định mới về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo
- Vinachem kiến nghị một loạt cơ chế chính sách để thoát lỗ
- Thu thuế kinh doanh online, có 'bắt cóc bỏ đĩa'?
- Doanh nghiệp "mừng rơi nước mắt" vì thủ tục được cắt giảm
- Sẽ phân loại hộ kinh doanh để đánh thuế
- Bỏ đề xuất siêu thị 'mở cửa xuyên lễ, khuyến mãi 3 lần một năm'
- Bán lẻ nội có nguy cơ bị thâu tóm cao
- Chính thức dỡ trần khuyến mại 50%
- Đề xuất chế độ báo cáo giá thị trường
- 4 trường hợp hàng hóa được miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại