Vì đâu người tiêu dùng Mỹ vẫn cảm thấy đang phải vật lộn với giá cả leo thang dù lạm phát liên tục giảm mạnh?

Giá cả không tăng nhanh như năm 2022 nhưng người tiêu dùng Mỹ có xu hướng đánh giá lạm phát trong khoảng thời gian rộng hơn.

Nhiều nhà kinh tế và bình luận chính trị thắc mắc tại sao người tiêu dùng Mỹ tiếp tục cảm thấy họ đang chịu cảnh lạm phát, mặc dù tỷ lệ lạm phát hàng năm đã giảm mạnh trong năm 2023 và vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm vào mùa hè năm 2022.

Câu trả lời là người tiêu dùng đang đánh giá tình hình trong khoảng thời gian rộng hơn, tức là tốc độ tăng giá trong ba năm qua. Từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2024, chỉ số giá tiêu dùng của tất cả các mặt hàng đều tăng 17,96%.

Ví dụ: Một chiếc bánh mì kẹp cá ngừ tại một địa điểm ăn trưa có giá 10 USD (251.000 VND) vào đầu năm 2021, thì đến đầu năm 2024, giá đã tăng lên 11,88 USD (297.300 VND). Tình cảnh này trông giống như lạm phát nghiêm trọng.

Hơn nữa, vào năm 2021, không có ai yêu cầu tiền tip. Kể từ đại dịch, việc các màn hình thanh toán nhắc khách hàng đưa tiền tip – lên tới 25% tổng hóa đơn, đã trở nên phổ biến. Khách hàng có thể nói không, nhưng có nguy cơ bị nhân viên thu ngân cau có.

Các chuyên gia kinh tế có thể lập luận rằng người tiêu dùng nên hài lòng vì tiền lương của họ đã tăng trong ba năm qua. Tuy vậy, mức tăng chỉ là 15,3%, có nghĩa là mức tăng lương không theo kịp tốc độ tăng lạm phát.

Hơn nữa, khi đại dịch xảy ra, nhiều người tiêu dùng có thu nhập thấp và nhận được một số loại trợ cấp của chính phủ. Các khoản trợ cấp này giảm vào năm 2022 và kết thúc sau năm 2023.

Nhìn chung, giá cả tăng lên, tiền lương không theo kịp và bánh sandwich từng có giá 10 USD giờ có giá 13 USD, tính cả tiền tip. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi người tiêu dùng cảm thấy họ vẫn đang phải vật lộn với lạm phát giá cả.

Theo WSJ

Yến Nguyễn

Nhịp Sống Thị Trường


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật