Việt Nam có "Rich kids" diện cây đồ trăm triệu, nhưng cũng có những học trò cấp 2, cấp 3 đã tập bán thiệp, bán hàng online, làm dịch vụ vệ sinh giày
Đồng Huyền Anh, cô bạn sinh năm 2000 vừa kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia cho biết, kinh doanh là sở thích từ lâu, và đã mở shop bán quần áo online được 2 năm nay. Cô bạn cho biết chỉ kinh doanh vào 3 tháng hè để không ảnh hưởng đến việc học tập.
Huyền Anh kể về cơ duyên kinh doanh đầu tiên: "Quê mình ở Hải Dương, muốn order quần áo trên mạng thì phải mất ship. Đầu tiên mình kêu gọi mua chung để giảm tiền ship. Sau đó có nhiều người muốn mua, mình bắt đầu mở shop bán quần áo online. Nhưng mình nhận tiền trước từ khách hàng rồi mới order quần áo để tránh rủi ro."
Chỉ kinh doanh vào mùa hè nhưng vì phải đi học thêm vào buổi tối, có những buổi tối Huyền Anh thức đến 2 - 3 giờ sáng để trả lời tin nhắn khách hàng. "Nhưng vì thích nên là cảm thấy rất thoải mái," Huyền Anh chia sẻ.
Huyền Anh là 1 trong 60 trại viên tham gia trại hè khởi nghiệp HAEC Inception Camp 2018 do Câu lạc bộ về kinh doanh và khởi nghiệp trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (HAEC) tổ chức.
Các em học sinh tham workshop về ý tưởng kinh doanh tại HAEC Inception Camp 2018
Em Hoàng Mai Phương, học sinh lớp 11 khác tại Phú Thọ cho biết có hứng thú với kinh doanh và dự định sẽ học về kinh doanh khi lên đại học, nên em tham gia hội trại lần này để có thêm hiểu biết.
"Từ năm lớp 8 thì tết nào em cũng đi bán bóng bay. Vừa phần muốn có thêm tiền vừa vì không phải ở nhà dọn nhà," Phương cười. Phương cho biết đợt tết vừa rồi lãi được 500k từ bán bóng bay.
Em Hoàng Mai Phương (trái) và Nguyễn Hải Minh
Đến với trại hè khởi nghiệp, Phương và các bạn cùng nhóm xây dựng ý tưởng: dịch vụ chăm sóc và vệ sinh giày, vì theo Phương, "ở Việt Nam các nơi bán giày không cung cấp dịch vụ này, cũng không có nhiều nơi chuyên nghiệp về chăm sóc, bảo vệ giày".
Em Nguyễn Hải Minh, một học sinh lớp 11 đến từ Lào Cai đã tập tành bán thiệp từ cuối năm lớp 8, đầu năm lớp 9, dù đây chỉ là sở thích và không đặt nặng về lợi nhuận. Hải Minh và nhóm tham gia HAEC Inception Camp với ý tưởng kết nối thông tin giữa gia sư và phụ huynh học sinh.
Trong khi đó, nhóm của em Nguyễn Hoàng Bách – học sinh lớp 7, thì có ý tưởng kinh doanh khá… đáng yêu là: "mở một quán chuyên bán mọi thứ về bạc hà."
Học sinh cấp 2, cấp 3 thì nên kinh doanh như thế nào?
"Độ tuổi các bạn còn rất non nớt, chưa hiểu hết bản thân thích gì, muốn gì. Cần trải nghiệm nhiều hơn."
Tham gia buổi workshop về ý tưởng kinh doanh vào sáng 17/7 (một trong chuỗi các sự kiện của hội trại) với vai trò diễn giả, Nguyễn Hà San, Co-founder TechKids, cho rằng trải nghiệm kinh doanh là cơ hội để các em học sinh học tập, phát triển bản thân, không những về kiến thức mà còn về cách đối nhân xử thế, sự độc lập và trưởng thành.
Tuy nhiên, vì học sinh cấp 2, cấp 3 còn thiếu nhiều kiến thức và kinh nghiệm, Hà San khuyên các em "bắt đầu từ những cái rất nhỏ," và nên kết hợp với những sở thích và mong muốn của bản thân.
Về mặt thị trường, Hà San cho rằng các em có thể " nghiên cứu thị trường " bằng những việc đơn giản như post thông tin lên Facebook, xem bạn bè và người thân có hứng thú với sản phẩm, dịch vụ của mình không.
Và sau đó là quá trình "thử, sai, thử lại."
Nguyễn Hà San – Co-founder TechKids
Để các em giảm thiểu rủi ro về tài chính , Co-founder TechKids chia sẻ: Các ý tưởng nên có giới hạn nhất định. Các em nên nhìn xung quanh, xem những thứ của mình và có thể sử dụng ngay để kinh doanh, như sách, quần áo cũ hay nấu ăn, làm bánh... Những thứ đấy rất nhỏ và có sẵn xung quanh mình. Tức là ban đầu nên dựa vào những cái có rồi nếu sợ rủi ro về tài chính.
"Làm những ý tưởng vừa sức, theo Hà San, cũng là để các bạn học sinh dễ cân bằng về mặt thời gian, không ảnh hưởng đến kết quả học tập.
HAEC Inception Camp 2018 (HIC 2018) là mô hình trại hè khởi nghiệp cung cấp cho người tham gia (gồm các em học sinh cấp 2, 3) những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về mọi mặt trong lĩnh vực kinh doanh khởi nghiệp.
Từ ngày 16/7 đến ngày 26/7 năm 2018, trại hè khởi nghiệp HAEC Inception Camp 2018 sẽ diễn ra với các hoạt động chính: Workshop, Hoạt động phát triển kỹ năng, Field trip và hai vòng của Cuộc thi khởi nghiệp.
Theo: Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- Khởi nghiệp vì cộng đồng, Startup Hoa Nắng có cơ hội được đầu tư thêm 1 triệu USD
- CEO Go-Jek và chặng đường xây dựng startup tỷ đô
- Shark Hưng: Nếu cứ đam mê điên cuồng mà không chú ý đến kết quả, bạn sẽ chỉ là Đông Ki-sốt chiến đấu với cối xay gió
- Vốn rót cho các Startup Indonesia nhiều hơn 28 lần so với tại Việt Nam
- Shark Louis Nguyễn đầu tư 10 tỷ cho startup nông nghiệp sản xuất gạo hữu cơ có chứng nhận Mỹ và châu Âu, các shark từ chối vì cổ đông "mập mờ"
- Hơn 10 năm làm Giám đốc cho Tiki, Nhóm mua, Việt kiều người Pháp "không thấy có gì mới" nên khởi nghiệp, định giá công ty 10 triệu USD trên Shark Tank
- Shark Dzung Nguyễn: CyberAgent định giá startup bằng giấc mơ, không cần quan tâm doanh số và lợi nhuận
- Cả 5 Sharks lắc đầu trước Startup nhà hàng lẩu doanh thu 12 tỷ đồng “ôm mộng bành trướng” thị trường, kèm lời khuyên: Tiêu chuẩn hóa đã rồi hãy gọi vốn!
- Cơ hội mở rộng đầu tư cho startup
- Việt Nam thu hút đầu tư khởi nghiệp dù chưa có startup 'kỳ lân'