Yếu thế hàng Việt
Tạo đà cạnh tranh
Hiện tại, hàng Việt tại hệ thống siêu thị có tỷ lệ cao và người tiêu dùng có xu hướng sử dụng hàng trong nước sản xuất ngày một nhiều. Các thương hiệu bán lẻ lớn như Co.opmart, Satramart, Vinmart đã phát triển hệ thống phân phối đến nhiều tỉnh, thành phố, với tỷ lệ hàng Việt luôn chiếm từ 90-95% trên quầy kệ.
Ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc Thường trực Saigon Co.op cho biết, hơn 10 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Saigon Co.op đã ưu tiên cho hàng Việt từ chính sách thu mua đến trưng bày, quảng bá, duy trì tỷ lệ hàng Việt ổn định hơn 90% tại các Co.opmart.
Cùng với việc đưa hàng Việt đến với người Việt, hằng năm, Saigon Co.op còn làm cầu nối đưa 2 triệu USD hàng Việt đến Singapore và từng bước vươn ra thị trường thế giới.
Cũng tạo bệ đỡ cho hàng Việt, hai năm nay, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp cùng Công ty TNHH Aeon Việt Nam tổ chức các chương trình kết nối, đưa hàng Việt vào hệ thống Aeon tại Việt Nam và thế giới. Vào cuối tháng 7/2019 vừa qua, tại Tuần lễ Sản phẩm DN Việt do hai đơn vị này tổ chức, có 61 DN được kết nối với bộ phận thu mua của Aeon. Các sản phẩm của DN được Aeon chọn lựa phải đạt hai tiêu chí: phù hợp với chiến lược kinh doanh của Aeon Việt Nam, đúng với nhu cầu hiện tại của người tiêu dùng. Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc ITPC cho rằng, đưa hàng vào được hệ thống Aeon, DN như có được “giấy thông hành” để đi vào hệ thống Aeon toàn cầu.
Đánh giá về nỗ lực của DN, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, trong 10 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, DN trên địa bàn TP.HCM đã mở rộng sản xuất và đầu tư trang thiết bị hiện đại, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động tạo đủ nguồn hàng. Một số đơn vị đã phát triển mạng lưới phân phối đến các tỉnh - thành gắn với thu mua và tiêu thụ sản phẩm để bình ổn thị trường.
Nhưng vẫn yếu thế
Mặc dù DN đã nỗ lực cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, thế nhưng trên thực tế, hàng Việt vẫn gặp không ít khó khăn. Thời gian qua, các mặt hàng như trái cây, rau củ, thực phẩm chế biến, nước giải khát, đồ chơi, quần áo, hàng gia dụng... của nhiều nước đã có mặt khắp thị trường Việt Nam, từ siêu thị đến chợ truyền thống và cả kênh bán hàng online. Hàng trong nước đã bị hàng ngoại cạnh tranh mạnh hơn ngay khi thuế nhập khẩu hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam giảm còn 0% theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Lợi thế “người Việt hiểu tâm lý, thị hiếu người tiêu dùng trong nước” đã giảm dần khi các DN ngoại đến từng ngóc ngách thị trường, xuống đến vùng sâu vùng xa của các tỉnh.
Chia sẻ thực tế các chương trình hỗ trợ hàng Việt vào các kênh bán lẻ hiện đại, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho rằng, muốn hàng Việt có chỗ đứng trước sự “đổ bộ” của các thương hiệu nước ngoài, DN cần phải xây dựng chiến lược khai thác thị trường phù hợp. Ở thị trường nông thôn còn thiếu nhiều mặt hàng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Vì vậy, việc chú trọng vào thị trường bình dân, khu vực nông thôn là một hướng đi tốt để khẳng định chỗ đứng.
Một trong những vấn đề mà DN trong nước đang gặp phải là chất lượng hàng hóa. Ông Seo Fumio, Công ty TNHH Aeon VN cho rằng, phần lớn người tiêu dùng coi trọng tiêu chí an toàn, nhất là với thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người thu nhập có giới hạn nên giá vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với họ. “Aeon luôn xem khách hàng là trên hết, sản phẩm đưa đến khách hàng ở Việt Nam và Nhật Bản hay hệ thống Aeon tại các nước đều có tiêu chí chất lượng như nhau. Vì vậy, DN chú ý làm sao giá cả chấp nhận được đối với đa số người tiêu dùng”, ông Seo Fumio tư vấn.
Tựu trung, để tăng năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, DN trong nước cần có tư duy toàn cầu về tiêu chuẩn sản xuất, sản phẩm, phương thức phân phối. “Để khẳng định chất lượng hàng Việt và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, không cách nào khác là DN phải đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu chất lượng, mẫu mã với giá thành cạnh tranh. Song song đó, DN cần nghiên cứu thị trường kỹ hơn, tìm hiểu thông tin nhiều hơn để nâng cao chất lượng để không chỉ bán nội địa mà còn có thể xuất khẩu” - một chuyên gia về hàng Việt tư vấn.
Theo: doanhnhansaigon.vn
TIN CŨ HƠN
- Bao bì “kìm” đầu ra
- Thanh lý trả mặt bằng, dọn kho bán lỗ: Không chỉ là chiêu trò giảm giá bán hàng, đó là cả một chiến thuật về tâm lý
- Ba điểm yếu của thị trường bán lẻ Việt Nam
- Thị trường và lòng yêu nước
- Kênh siêu thị và quyền lực ngầm - Tự cứu mình
- Kênh siêu thị và quyền lực ngầm- Ngậm “đắng” tìm “ngọt”
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra 'cửa' giúp doanh nghiệp Việt Nam làm ra mạng xã hội thắng được Facebook
- Marketing bậc thầy: Người tiêu dùng không mua sản phẩm, họ mua cả sự hoàn hảo được khơi gợi từ cảm xúc
- Kênh siêu thị và quyền lực ngầm
- Ngành kho lạnh 'nóng' dần nhờ bán lẻ thực phẩm sôi động