1 năm nhìn lại: TMĐT Việt Nam có kẻ đi - người ở, nhưng nhìn rộng toàn nền kinh tế số thì sẽ có nhiều người cùng chiến thắng
TMĐT năm 2019: Kẻ đi người ở và cuộc so kè sát sao.
Nếu so sánh TMĐT Việt Nam như một cuộc đua tiếp sức dài hơi, thì năm 2019 là cột mốc trao tín gậy lần đầu kể từ sau 4 năm thị trường này bắt đầu có những ghi nhận đầu tiên hồi năm 2015.
Nếu năm 2015 thị trường TMĐT nước ta quy mô chỉ ở mức 0,4 tỷ đô la Mỹ, thì đến 2019, con số này là 5 tỷ đô, mở ra nhiều kỳ vọng đạt mốc 23 tỷ đô trong giai đoạn tiếp theo vào năm 2025 (theo Google - Temasek).
Nhìn lại năm 2019, ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp tại Tiki cho biết đây là năm ngành TMĐT chứng kiến sự rút lui của một số “tay chơi”. Điển hình có thể kể đến việc MWG đóng cửa trang Vuivui.vn vào tháng 12/2018, sau đó là Central Group đóng cửa trang Robins.vn vào giữa năm 2019, và đến cuối năm 2019 lại là một loạt những thay đổi về chiến lược bán lẻ của Vingroup bao gồm cả việc tái cấu trúc trang TMĐT Adayroi hay chuỗi siêu thị Lotte đóng cửa trang mua sắm online của họ.
Báo cáo của Google-Temasek về ngành kinh tế số và TMĐT Việt Nam
Trước sự ra đi của một số đơn vị TMĐT trong năm qua, đồng thời từ quan sát trên thế giới, ông Khánh nhìn nhận, tại những thị trường mới như TMĐT lúc nào cũng sẽ rất sôi động ở giai đoạn đầu, nhưng sau đó chỉ còn từ 2-3 tay chơi sẽ trụ lại và chiếm phần lớn thị phần.
Câu hỏi đặt ra là liệu kịch bản này có lặp lại với TMĐT ở Việt Nam hay không?
Trước câu hỏi này, ông Trần Ngọc Thái Sơn, Nhà Sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tiki, cho hay: “Nếu chỉ gói gọn trong TMĐT thì kịch bản như thế có thể diễn ra. Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn rộng hơn cho cả nền kinh tế số, và toàn ngành bán lẻ cả online lẫn offline, thì sẽ có nhiều người cùng chiến thắng. Và cuối cùng, thế giới online và offline sẽ cùng kết nối với nhau để mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng.”
Vị Chủ tịch này chia sẻ thêm, năm 2019 cũng là năm chứng kiến nhiều cột mốc quan trọng của Tiki. Tiki hiện đang được định vị là một hệ sinh thái thương mại “all-in-one”, đảm bảo đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu trong cuộc sống của khách hàng.
Việc nhiều công ty khởi nghiệp trong mảng công nghệ thực hiện IPO không thật sự thành công trên thế giới, như Uber, Slack, hay Wework, đã ảnh hưởng khá nhiều đến các nhà đầu tư trong việc định giá và ra quyết định đầu tư doanh nghiệp, mặc dù mỗi công ty và mỗi ngành nghề sẽ có những đặc thù khác nhau.
Bên cạnh đó, những bất ổn về tình hình vĩ mô, như kinh tế, chính trị toàn cầu, cũng tác động đến dòng vốn, và điều này có thể dẫn đến lượng tiền đầu tư vào các mô hình khởi nghiệp công nghệ sẽ giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, những thử thách này cũng chính là bàn đạp để các doanh nghiệp chứng minh năng lực thực sự của mình. Điển hình là những doanh nghiệp mang lại nhiều giá trị thiết thực và lâu dài cho khách hàng, cũng như kiểm soát dòng tiền hiệu quả, sẽ là những nhân tố tiếp tục trụ vững trên thị trường và hướng đến phát triển bền vững.
Riêng trong ngành TMĐT, các nền tảng có cơ bản tốt, bao gồm các yếu tố như nền tảng công nghệ, hiệu quả sử dụng vốn cao, tư duy hướng đến khách hàng…, sẽ tận dụng được đà tăng trưởng của ngành để phát triển hơn nữa, cũng như có được lợi thế để giành thêm thị phần từ các doanh nghiệp ít khả năng cạnh tranh hơn.
Theo: Phương Nga - Nhịp sống Kinh Tế
TIN CŨ HƠN
- Giao hàng nhanh đang thay đổi như thế nào?
- Thương mại điện tử thúc đẩy cuộc đua thiết bị 5G
- Cuộc đua thay đổi thói quen sắm Tết của phụ nữ Việt trên sàn thương mại điện tử
- Vì sao Alibaba thâu tóm ví điện tử của Việt Nam?
- Xu hướng thương mại điện tử đối với logistics
- Xu hướng tuyển dụng của các ngành "hot" thương mại điện tử, fintech, tiêu dùng nhanh và bán lẻ
- Thị trường thương mại điện tử: Cuộc chiến đốt tiền chưa tìm thấy điểm hòa vốn
- Sếp Shopee Trần Tuấn Anh: “Thương mại điện tử sẽ là một trong những ngành hút nhân lực nhất trong những năm tới”
- Thị trường thương mại điện tử: Cuộc chiến đốt tiền chưa tìm thấy điểm hòa vốn
- Chủ tịch Tiki: 'Thương mại điện tử là tương lai của bán lẻ'