3 lời khuyên thành công từ nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới
Bới khối lượng tài sản ròng trị giá 7,4 tỷ USD, Zhou Qunfei, 48 tuổi, nhà sáng lập và là CEO của Lens Technology, đã trở thành nữ triệu phú tự thân giàu nhất thế giới.
Sinh ra tại một ngôi làng thuộc tỉnh Hồ Nam, miền Đông Trung Quốc, Zhou đã không có một tuổi thơ dễ dàng. Cô mất mẹ khi lên năm, cha cô trở nên mù lòa và mất một ngón tay trong một tai nạn nhà máy. Cô ấy phải tự học cách sống sót. Trong một email gửi CNBC Make It, cô viết: "Tôi phải liên tục nghĩ về bữa ăn tiếp theo của mình ở đâu và làm thế nào để có được nó."
Để trang trải học phí, Zhou bỏ học cấp ba năm 16 tuổi và đến thành phố miền nam của Trung Quốc, Thâm Quyến, để làm việc tại một nhà máy sản xuất kính đồng hồ vào năm 1986. Sau đó, cô được đề bạt vai trò quản lý. Tuy nhiên, cô có những giấc mơ lớn hơn.
Năm 1993, với khoản tiết kiệm 20.000 đô la Hồng Kông (tương đương khoảng 2.548 USD), Zhou và tám thành viên trong gia đình cô đã thành lập một xưởng in lụa trong một căn hộ ba phòng ngủ ở Thâm Quyến, nơi mà họ vừa phải dùng để làm việc và sinh hoạt.
Trong căn hộ đó, cô đã ra mắt công ty đầu tiên của mình. Phát triển nhanh chóng trong 10 năm, Zhou đã xây dựng một nhà máy chế tạo kính đồng hồ và thuê 1.000 nhân công. Nhưng số phận của cô đã thay đổi vào năm 2003 khi cô nhận được một cuộc gọi từ Motorola, hỏi rằng có muốn trở thành nhà cung ứng cho họ không.
Zhou đã chấp nhận lời mời, và điều đó đã giúp mở rộng công việc kinh doanh của cô lên phạm vi quốc tế. Hiện là CEO của Lens Technology, Zhou đã xây dựng một đế chế sản xuất kính cho những gã khổng lồ công nghệ như Tesla, Apple, Samsung và Huawei.
Zhou cho rằng thành công của cô đến từ sự kiên trì. "Thử thách lớn nhất của tôi là khi tôi đánh bại các đối thủ khác và giành được hợp đồng với Motorola năm 2003",Zhou nói.
Zhou lúc đó mới chỉ bắt đầu và có chút linh hoạt trong tài chính của công ty, nhưng muốn đảm bảo thỏa thuận được thực hiện suôn sẻ. Do đó, Zhou cho biết cô đã bán căn nhà của mình và các vật có giá trị khác nhằm đáp ứng nhu cầu của công ty. Tuy nhiên, cô vẫn thiếu kinh phí và lúc ấy cô đã vô cùng tuyệt vọng.
Zhou thừa nhận rằng đó là khoảnh khắc đen tối nhất trong cuộc đời kinh doanh của mình. "Tôi đứng trên thềm sân ga Hung Hom ở Hồng Kông và gần như đã nhảy xuống với suy nghĩ rằng khi tôi chết đi rồi, mọi rắc rối cũng sẽ biến mất."
Nhưng rồi một cuộc điện thoại từ con gái đã mang cô trở về thực tại. "Tôi nhận ra rằng vì gia đình và nhân viên của mình, tôi không thể bỏ cuộc. Tôi đã phải tiếp tục." Với sự giúp đỡ của Motorola, cô đã vượt qua các vấn đề tài chính.
Vào năm 2004, Lens Technology của Zhou đã bán hơn 100 triệu chiếc cho riêng mẫu Motorola V3 - điện thoại di động màn hình phẳng với lời chào mang tính biểu tượng "Hello Moto". Năm 2007, công ty của Zhou đã đánh bại tất cả các đối thủ khác và trở thành nhà cung cấp chính cho Apple.
Vào ngày 18 tháng 3 năm 2015, 22 năm sau khi cô xây dựng công ty ngay tại chính tại căn hộ ba phòng ngủ đó, Lens Technology đã chính thức ra mắt công chúng. Ngày nay, công ty được định giá 11,4 tỷ USD, với hơn 82.000 nhân viên trên khắp Trung Quốc, theo Forbes.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC Make It qua email, Zhou đã chia sẻ ba lời khuyên cho các doanh nhân:
1. Chuẩn bị chu đáo
Zhou cho biết các doanh nhân luôn cần phải chuẩn bị cho những điều sắp xảy đến. Cô nói có một vài khía cạnh cần nắm vững: "Trước tiên, hãy cải thiện lợi thế cạnh tranh tổng thể của bạn. Thứ hai, bạn phải có một tinh thần mạnh mẽ. Thứ ba, củng cố sự hiểu biết của bạn về thị trường và các đối thủ cạnh tranh."
Cô cho biết kinh nghiệm của mình khi làm công nhân dây chuyền lắp ráp và sau đó là vị trí quản lý ở công việc đầu tiên đã giúp cô có được sự tự tin, một điều rất quan trọng đối với Lens Technology trong những ngày đầu thành lập. "Bạn phải tập trung can đảm để đối mặt với thất bại."
Cô cũng nói rằng bản thân luôn chuẩn bị một số kế hoạch dự phòng khi đến gặp khách hàng trong những năm khởi nghiệp của mình: "Tôi luôn nghĩ về những gì tôi sẽ nói nếu họ từ chối đề xuất của tôi, bởi vì sự từ chối sẽ xuất hiện liên tục, bạn cần chuẩn bị tốt"
2. Không ngừng học hỏi
"Các khách hàng sẽ không bao giờ trả giá cao hơn cho các sản phẩm của bạn chỉ đơn giản là bởi bạn có bằng cấp tốt", Zhou cho biết, "nhưng kiến thức về kinh doanh sẽ giúp bạn duy trì khả năng cạnh tranh của công ty mình."
Đối với bản thân Zhou, cô tham gia các khóa học bán thời gian khi làm công nhân nhà máy và lấy chứng chỉ về kế toán, vận hành máy tính và thậm chí là bằng lái xe tải thương mại.
"Khi bạn có khả năng học hỏi, bạn có khả năng tiếp tục phát triển", cô cho biết.
3. Không bao giờ bỏ cuộc
Zhou cho biết nhiều người sẽ gặp những cú sốc tác động nghiêm trọng vào sự tự tin khi họ trải qua thất bại. Nhưng chìa khóa để thành công là sự kiên trì, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn nhất.
Đối với một bài tập xây dựng đội nhóm, Zhou đã từng đưa 20 người trong nhóm điều hành công ty của mình leo lên ngọn núi Dawei ở tỉnh Hồ Nam, cao hơn 5.000 feet so với mực nước biển. Một số thành viên trong nhóm muốn bỏ cuộc giữa chừng đồi. Tuy nhiên, cô cương quyết rằng họ không được dừng lại và phải tiếp tục hành trình.
"Vì khi bạn bỏ cuộc giữa chừng, bạn đã đánh mất dũng khí để quay trở lại và bắt đầu lại từ đầu, bạn vẫn sẽ tiếp tục bỏ cuộc", cô nói. "Chỉ khi chúng ta kiên trì, chúng ta mới có thể thành công. Đừng bỏ cuộc chỉ bởi vì một chút thất bại."
Theo: Nhịp Sống Việt/CNBC
TIN CŨ HƠN
- Lời khuyên của nhà sáng lập startup tỷ đô: Không có thời điểm hoàn hảo
- Quản trị đa văn hóa: Lời khuyên giúp doanh nghiệp Việt thu hút nhân tài nước ngoà
- Lời khuyên cho startup: Giai đoạn thực hiện kế hoạch kinh doanh
- 11 lời khuyên cho người muốn kinh doanh siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa
- Lời khuyên từ doanh nhân dành 10 năm cho kế hoạch thành CEO
- Lời khuyên đáng suy ngẫm từ "mỹ nhân quần vợt" Maria Sharapova sau 6 năm dấn thân vào thương trường
- Chiến thuật “neo” giá trong bán hàng
- 8 điều cần cân nhắc trước khi mở rộng quy mô kinh doanh với cửa hàng thứ hai
- 5 lời khuyên kinh doanh từ ông trùm truyền thông Michael Bloomberg
- 5 lời khuyên thành công kinh điển từ ông trùm truyền thông Michael Bloomberg