4 xu hướng dẫn dắt thị trường bán lẻ Sài Gòn

Cửa hàng tiện lợi vọt lên hàng nghìn điểm bán, bùng nổ bán lẻ trực tuyến và mua sắm trải nghiệm đã tạo cú hích mạnh mẽ cho thị trường.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn Savills TP HCM cho biết, chính sách mở cửa cho ngành bán lẻ từ năm 2009 đã biến thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng trở thành mảnh đất màu mỡ thu hút các nhà đầu tư ngoại.

Gần một thập niên qua, có rất nhiều nhân tố tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của thị trường bán lẻ. Bà Trang chỉ ra 4 xu hướng đang dẫn dắt và hứa hẹn sẽ tiếp tục làm thay đổi bộ mặt của ngành bán lẻ TP HCM trong tương lai.

Cửa hàng tiện lợi tăng trưởng thần tốc

Theo khảo sát người tiêu dùng của Savills tại TP HCM năm 2017, tỷ lệ người tiêu dùng ưa chuộng đến các cửa hàng tiện lợi là 17%, cao hơn rất nhiều mức 4% vào năm 2015.

Xét về thực chất, cửa hàng tiện lợi không phải là nhân tố mới xuất hiện của thị trường bán lẻ Việt Nam, khi cách đây một thập niên, đã có những chuỗi cửa hàng tiện lợi nội địa ra đời nhưng chưa thành công. Một trong số những nguyên nhân đó là giá thành chưa phù hợp cũng như ý niệm: "liệu sự tiện lợi có đáng để bỏ tiền?"

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại cửa hàng tiện lợi. Ảnh: AP.

Sau gần 10 năm tìm đường, trào lưu này đã quay lại với những diện mạo và chiến lược bài bản hơn từ những thương hiệu quốc tế cũng như sự gia nhập của các đơn vị nội địa. Các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đang xuất hiện ồ ạt với hơn 1.000 địa điểm tại TP HCM như Family Mart, B’s mart, Circle K, Ministop, Shop&Go, Vinmart... đang dần thay thế cho loại hình tạp hóa truyền thống. Sự đổ bộ của 7Eleven và GS 25 vào thị trường Việt Nam cũng hứa hẹn tạo nên sự sôi động cho sân chơi này.

Family Mart (Nhật Bản) dự kiến có khoảng 1.000 cửa hàng vào 2020 tại Việt Nam. 7-Eleven (Nhật Bản) sẽ mở rộng hoạt động với 1.000 cửa hàng tại Việt Nam vào năm 2027. Các thương hiệu Việt Nam cũng tích cực mở rộng thị phần. Chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam, Vinmart+ sẽ có 4.000 cửa hàng vào năm 2020.

Thị phần này đang diễn ra cạnh tranh khốc liệt do sự tập trung ngày càng dày của các cửa hàng trong một khu vực, loại hình sản phẩm giới hạn, chi phí đầu tư thuê mặt bằng cao. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, mật độ bán lẻ của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp và là cơ hội cho các nhà bán lẻ lớn nắm bắt tốt hành vi tiêu dùng tại đây cũng như xác định thị trường mục tiêu rõ ràng.

Bùng nổ khu mua sắm mới xa trung tâm đô thị

Xu hướng nguồn cung thị trường bán lẻ phát triển hướng ra khu vực ngoài trung tâm thành phố cũng đang hình thành khá rõ rệt. Thị phần nguồn cung bán lẻ khu vực ngoài trung tâm tăng liên tục từ mức 79% vào năm 2013 lên mức 87% vào quý III/2018. Lý do chính giải thích cho xu hướng này là quỹ đất vùng ven dồi dào, mật độ dân số cao và nhiều khu dân cư mới phát triển nhanh cùng với sự phát triển hạ tầng giao thông kết nối ngày càng cải thiện.

Hiện nay, người tiêu dùng cũng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn vào chuyện ăn uống tại các trung tâm mua sắm và điều này hỗ trợ đắc lực cho mô hình mua sắm trải nghiệm.

Trong thị trường bán lẻ, phân khúc trung tâm thương mại chiếm thị phần lớn nhất với 53%. Xu hướng phát triển của phân khúc này ra ngoài khu trung tâm rất rõ rệt khi nguồn cung trong khu vực trung tâm giảm trong khi nguồn cung khu vực ngoài trung tâm tăng liên tục với tốc độ tăng trung bình 13% mỗi năm trong 5 năm gần đây. Các trung tâm thương mại ngoài trung tâm đa số nằm trong các dự án phức hợp với quy mô nhà ở lớn, có tốc độ đô thị hóa cao hứa hẹn sẽ mở ra nhiều bất ngờ cho thị trường bán lẻ vùng ven Sài Gòn.

Mua sắm trải nghiệm trở thành trào lưu

Bên cạnh đó, hành vi tiêu dùng của người Việt Nam đã và đang thay đổi nhanh trong những năm gần đây. Nghiên cứu khách hàng mục tiêu, hiểu và nắm bắt hành vi tiêu dùng của người mua sắm trong khu vực dự án tọa lạc là điều rất quan trọng. Chủ đầu tư khi phát triển một dự án bán lẻ phải chú ý từ việc thiết kế kiến trúc dự án, bố trí mặt bằng đến cơ cấu khách thuê.

Hiện nay nhiều dự án trung tâm thương mại hướng đến việc gia tăng tỷ lệ khách thuê F&B (ẩm thực) và vui chơi giải trí để đáp ứng những nhu cầu dành cho lĩnh vực này của khách hàng. Lưu lượng khách đến trung tâm tăng lớn sẽ hỗ trợ cho các loại hình khách thuê khác, từ đó tạo sức hút chung cho dự án.

Khảo sát thực tế cho thấy, xu hướng ẩm thực đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và đây cũng chính là điều đã được dự đoán từ năm ngoái. Hiện nay, người tiêu dùng cũng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn vào chuyện ăn uống tại các trung tâm mua sắm và điều này hỗ trợ đắc lực cho mô hình mua sắm trải nghiệm.

Bán lẻ tiến hóa cùng cơn lốc mua sắm trực tuyến

Theo khảo sát tại các trung tâm thương mại do Savills thực hiện, người tiêu dùng Việt Nam đang có sự thay đổi về hành vi tiêu dùng trong năm 2017 - 2018 so với hai năm trước đó. Một trong những tác nhân quan trọng là sự xuất hiện của cơn lốc mua sắm trực tuyến.

Thương mại điện tử ở Việt Nam được đánh giá đang phát triển ở giai đoạn đầu nhưng tiềm năng.

Nhu cầu mua sắm thay đổi đáng kể khi các quầy hàng thời trang và đồ gia dụng không duy trì được sức hút đối với người tiêu dùng tới trung tâm thương mại. Đây cũng là kết quả khi mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển trong thời gian gần đây.

Dù dịch vụ thương mại điện tử ở Việt Nam được đánh giá đang phát triển ở giai đoạn đầu nhưng tiềm năng và tốc độ bứt phá của mô hình này đang gia tăng mạnh mẽ. Ngành bán lẻ vì vậy cũng trải qua quá trình biến chuyển và tiến hóa cùng cơn lốc mua sắm trực tuyến. Hành vi tiêu dùng của khách hàng đang thay đổi từng ngày.

Trong thời gian tới, thị trường sẽ còn có dịp chứng kiến rất nhiều những mô hình bán lẻ mới, với những tiện ích hiện đại phục vụ tối đa nhu cầu trải nghiệm, giải trí lẫn sáng tạo. Cùng với sự bứt phá không ngừng của thương mại điện tử được tích hợp công nghệ thông minh, thị trường bán lẻ sẽ tiếp tục có nhiều bước tiến hóa hướng đến người tiêu dùng nhiều hơn.

 Vũ Lê
Theo nguồn: VnExpress


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật