Zara, H&M, Uniqlo vào Việt Nam sẽ 'cứu' trung tâm thương mại?
"Dưới sự tác động của công nghệ trong thời đại 4.0, việc mua sắm trực tuyến đang tác động đáng kể đến hoạt động bán lẻ ở các TTTM", bà Võ Thị Khánh Trang, Quản lý nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam, chia sẻ tại Hội thảo "Cho thuê bán lẻ ở Việt Nam - Triển vọng tương lai" ngày 1/11.
Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người Việt Nam
Theo khảo sát tại các TTTM của Savills, người tiêu dùng Việt Nam đang có sự thay đổi về hành vi tiêu dùng trong năm 2017 so với hai năm trước đó. Năm 2017, số lượng người tới TTTM nhiều hơn và phần lớn đều cho biết sẽ đến TTTM và cửa hàng tiện lợi để mua sắm.
Nhu cầu mua sắm thay đổi đáng kể khi các dịch vụ được sử dụng và tiêu thụ nhiều nhất là ăn uống, giải trí như rạp chiếu phim hoặc khu vui chơi. Trong khi đó, thời trang và đồ gia dụng ko còn sức hút đối với người tiêu dùng tới TTTM. Đây cũng là kết quả khi mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển trong thời gian gần đây.
Theo một số nghiên cứu gần đây, sản phẩm được tiêu thụ nhiều nhất đối với mua sắm trực tuyến là thời trang. Đồng thời, tại các TTTM, tỷ lệ của các mặt hàng thời trang có xu hướng giảm xuống và các mặt hàng bán lẻ khác tăng lên.
Theo bà Trang, thói quen mua sắm trực tuyến khiến tần suất của người tiêu dùng tới TTTM giảm, dẫn tới doanh thu của các cửa hàng giảm. “Một câu hỏi đặt ra là các nhà bán lẻ, nhà phát triển bán lẻ phải làm gì để tồn tại và phát triển bền vững?”
Bà Trang cho rằng các nhà bán lẻ cần phải tăng sự tương tác, trải nghiệm và thư giãn cho khách hàng. Đối với nhà phát triển bán lẻ, đó là việc thay đổi về cơ cấu khách thuê.
“Họ phải giảm cơ cấu khách thuê, chủ yếu là cho các nhà bán lẻ thời trang. 5 năm trước, các TTTM tập trung vào thời trang, ăn uống, mĩ phẩm, phụ kiện và giải trí, nhưng hiện nay đã xuất hiện thêm các trung tâm bách hóa, siêu thị và trung tâm thể dục thể hình. Cùng với đó, tỷ lệ dịch vụ ăn uống, giải trí tăng lên. Tổng hai loại hình này hiện chiếm khoảng 50% tổng diện tích cho thuê hiện nay tại các TTTM hiện nay”, bà Trang nói.
Nhà bán lẻ cần phải tăng sự tương tác, trải nghiệm và thư giãn cho khách hàng. Đối với nhà phát triển bán lẻ, đó là việc thay đổi về cơ cấu khách thuê.
Hai cơ cấu khách hàng mới và phổ biến hiện nay của các TTTM là siêu thị và trung tâm thể dục bởi yêu cầu lớn về diện tích cho thuê và thời gian thuê. Siêu thị thường cần 2.000 - 4.000 m2 với thời gian thuê trên 10 năm, trong khi trung tâm thể thao cần 1.000 - 2.000 m2 và thời gian thuê 5 - 10 năm. Nhu cầu lớn như vậy sẽ tạo ra khả năng lấp đầy cho các dự án, theo bà Trang.
Zara, H&M, Uniqlo... vào Việt Nam sẽ tạo nên sự hấp dẫn cho TTTM
Sự thất bại của một số trung tâm bách hóa trước đây như Parkson được xem như là minh chứng cho việc cần phải thay đổi cơ cấu khách thuê tại các trung tâm bán lẻ. Sự thất bại này, theo bà Trang, là do thiếu loại hình khách thuê giải trí, ăn uống.
Các trung tâm bách hóa hiện nay cung cấp các sản phẩm chủ yếu trung cấp đến cao cấp hoặc xa xỉ phẩm. Tuy nhiên, thị trường hàng hóa cao cấp tại Việt Nam có chiều hướng ổn định, thậm chí giảm do thuế nhập khẩu cao, khiến giá bán về thị trường trong nước trở nên đắt đỏ, không thể phù hợp với túi tiền của người Việt Nam (chủ yếu là người có thu nhập trung bình đến thấp).
Trong khi đó, thời trang bình dân, như Zara, H&M,… và sắp tới là Uniqlo, lại khá phổ biến và nổi tiếng trên toàn thế giới và đang ồ ạt vào Việt Nam. Theo bà Trang, đây là tín hiệu tốt vì khi vào TTTM với diện tích thuê lớn từ 500 đến 2.000 m2 với sản phẩm đa dạng về chủng loại và mẫu mã, những thương hiệu thời trang này sẽ thu hút người tiêu dùng và tạo nên sức hấp dẫn cho các TTTM.
Một loại hình khách thuê khác là cửa hàng pop-up, là quầy hàng nhỏ ngay sảnh TTTM rất bắt mắt được sử dụng để giới thiệu các sản phẩm mới, sản phẩm giới hạn, hoặc để khảo sát thị trường. Loại hình cho thuê này sẽ tạo ra sự mới mẻ, thú vị, đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây mới chỉ là khách hàng mang tính ngắn hạn.
Ngoài thay đổi cơ cấu khách thuê để phù hợp với người dân, các nhà bán lẻ, TTTM cũng nên tối đa hóa sự trải nghiệm của người tiêu dùng, như là áp dụng công nghệ để tìm hiểu khách hàng, theo bà Trang.
Phan Vũ
Theo nguồn: Người đồng hành
TIN CŨ HƠN
- Đại gia bán lẻ Thái Lan mở trạm trung chuyển trái cây ở miền Tây
- Vì sao doanh nghiệp Việt “khó xơi” miếng bánh bán lẻ hấp dẫn tại Nhật?
- Ngành bán lẻ hàng hóa đạt quy mô 2,7 triệu tỷ đồng
- Thương hiệu ngoại cũng gặp khó trên thị trường bán lẻ Việt Nam
- 10 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 3,6 triệu tỷ đồng
- Sôi động thị trường bán lẻ Việt Nam: Liên tục thay tên đổi chủ
- Chuyên gia Hiệp hội bán lẻ Á - Phi: Thực phẩm, nông sản Việt Nam có tiềm năng lớn xuất khẩu vào Ấn Độ, nên bán online trước
- Nhà bán lẻ nào uy tín nhất năm 2018?
- Thời đổi vai của bán lẻ
- Hoàng hôn của Department Store