Amazon “đổ bộ” Việt Nam và hình hài kinh tế 4.0

Các trung tâm mua sắm tại Việt Nam sẽ đối phó thế nào một khi những gã khổng lồ bán lẻ như Alibaba, Amazon đặt chân đến?

Gã khổng lồ bán lẻ Amazon dự định “đổ bộ” Việt Nam trong tháng 3 này.

Dạo qua một vòng con phố sầm uất nhất Thị xã Long Khánh (Đồng Nai), chỉ một đoạn đường chưa đầy cây số nhưng có đến năm, sáu trung tâm mua sắm kha khá, đầy đủ các thương hiệu có tiếng như Thế giới di dộng, FPT, Điện máy xanh, Nguyễn Kim. Có điều khách hàng không còn nhộn nhịp như cách đây vài năm vì sự bão hòa các mặt hàng điện tử, điện lạnh, mặt khác là sự cạnh tranh từ… thế giới ảo! Không biết các trung tâm này sẽ đối phó thế nào một khi những gã khổng lồ bán lẻ như Alibaba, Amazon đặt chân đến?

Hình hài cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam đã hiện ra rõ ràng, bắt đầu bằng các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A): Big C Việt Nam về tay Central Goup; Metro Việt Nam gia nhập TCC Holdings; Frase & Neave mua cổ phiếu Vinamilk; Viet Nam Beverage sở hữu hãng Bia Sài Gòn. Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Alibaba mua lại Lazada, sự thâm nhập của Uber, Grab và gần nhất là gã khổng lồ bán lẻ Amazon dự định “đổ bộ” Việt Nam trong tháng 3 này.

Điều nghịch lý, nhiều người thấy tiếc một hãng Bia, nước giải khát có tuổi đời hàng trăm năm bị bán cho nước ngoài nhưng lại muốn sử dụng dịch vụ đi lại rẻ và tiện lợi được cung cấp bởi Grab, Uber. Hai khía cạnh có vẻ chẳng liên quan gì nhau nhưng thực tế lại cùng bản chất nếu đặt trong không gian cuộc cách mạng 4.0 đang cận kề.

Bản chất kinh tế thị trường là sự liên thông nhau giữa các nền kinh tế, sẽ hình thành các khu vực có thuế quan chung, mậu dịch chung, luật pháp chung, phi biên giới, phi quốc gia. Điều này được Các Mác tiên đoán chính xác cách đây gần 170 năm trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”.

Ngày nay được biểu hiện bằng các nỗ lực thành lập, tham gia các khối kinh tế như: Diễn đàn kinh tế thế giới (WTO); Hiệp định toàn diện và tiến bộ cho quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); Liên minh Châu âu (EU), các Hiệp định tự do thương mại (FTA)…

Việc Amazon vào Việt Nam vì thế cũng là quy luật tất yếu, mang lại cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ. Trước tiên doanh nghiệp bán lẻ nội địa được hỗ trợ mở rộng thị trường ra hàng trăm quốc gia nếu kết nối tốt với Amazon. Người tiêu dùng được tiếp cận với hàng hóa được phân phối từ gốc, triệt tiêu khâu trung gian nên giá thành giảm xuống.

Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao Grab, Uber có thể đánh bại Vinasun, Mai Linh? Mấu chốt ở giá thành dịch vụ, trong khi taxi công nghệ không cần đầu tư nhiều thì vận tải truyền thống tốn hàng tỷ đô la trang bị phương tiện, bến bãi, con người. Thương mại điện tử cũng thế, họ không tốn kém mở ra các trung tâm thương mại sầm uất như buôn bán truyền thống, tất cả chỉ giao dịch bằng hợp đồng điện tử.

Về tổng quan, Amazon sẽ khơi dậy thị trường thương mại điện tử trị giá hàng chục tỷ đô ở Việt Nam, chắp cánh cho các dự án start-up trong lĩnh vực này. Đồng thời, thổi làn gió mới vào thương mại truyền thống đang có dấu hiệu chững lại.

Đương nhiên, nếu các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không trở mình kịp có thể bị cuốn phăng. Trung tâm thương mại Parkson Flemington phải đóng cửa sau 8 năm hoạt động; taxi Vinasun, Mai Linh dính vào vụ kiện chưa có hồi kết với Grab đang là bài học đắt giá để tồn tại trong bối cảnh kinh tế 4.0.

Vấn đề với nền kinh tế không phụ thuộc vào Amazon hay môt thứ nào khác mà ở thái độ của chúng ta. Phải dần quen với các đặc điểm thuộc về quy luật của nền kinh tế thị trường, phải thay đổi tư duy kinh doanh, nhất là khi Việt Nam đã ký CPTPP, không những bán lẻ mà vô số ngành nghề sẽ ào ạt vào nước ta trong thời gian tới.

Thay vì thái độ thù nghịch với cái tiến bộ, vì sao taxi truyền thống không hợp tác với Grab, Uber để tranh thủ thời cơ rút ngắn khoảng cách về công nghệ!? Cũng như thế, Tiki, Sendo… hoàn toàn có thể hợp tác tốt với Amazon để tồn tại và phát triển.

 

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật