Bán hàng không cần nhân viên
Bài học phát triển công nghệ để tự động hóa trong bán hàng, giao hàng của một vài đại công ty có thể gợi lên nhiều cảm hứng và suy nghĩ cho các nhà quản trị bán lẻ Việt Nam.
Từ nhà kho và cửa hàng tự động...
Năm 2012, Amazon đã mua hãng robot công nghiệp Kiva với giá 775 triệu USD, và hiện tại các robot tiên tiến đang giúp tự động hóa bốc dỡ, sắp xếp và vận chuyển hàng hóa trong những nhà kho và trung tâm phân phối khổng lồ của nhà bán lẻ này. Amazon cũng đã từng thử nghiệm một cửa hàng tạp hóa không trang bị quầy tính tiền, với tên gọi Amazon Go.
Đây là một cửa hàng bán lẻ có diện tích gần 200m2, trong khuôn viên trụ sở chính của Amazon ở thành phố Seattle (Mỹ), chỉ dành cho nhân viên. Điểm đặc biệt của Amazon Go là khách hàng có thể vào đây lựa chọn những thứ muốn mua và rời đi mà không cần phải thanh toán tại quầy như những siêu thị hay cửa hàng bán lẻ khác. Để bắt đầu mua sắm trong cửa hàng này, người dùng chỉ cần quét qua một ứng dụng trên smartphone của mình.
Amazon sử dụng hệ thống cảm biến và giám sát bằng máy tính để phát hiện những thứ mà người dùng đã lấy ra khỏi cửa hàng. Tổng số tiền các mặt hàng khách đã mua sau đó sẽ được trừ vào tiền trên tài khoản Amazon của người dùng ngay khi người đó bước ra khỏi cửa hàng.
Sau khi Công ty Uber mua lại startup về xe tải tự lái Otto với giá 680 triệu USD và hoàn thành một chuyến giao hàng thử nghiệm ở bang Colorado (Mỹ), Amazon cũng lập tức triển khai một ứng dụng di động tương tự Uber là sử dụng xe tải không cần tài xế, tăng cường hiệu quả, giảm chi phí trung gian cho thị trường vận tải hàng hóa đường dài những năm tới đây.
Các chủ doanh nghiệp nước ta đang đứng trước thách thức phải linh động điều chỉnh sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng, tích hợp các công nghệ tiên tiến, hợp lý hóa quy trình sản xuất, giảm thời gian giao hàng, rút ngắn vòng đời sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh.
Amazon vừa giới thiệu thêm một giải pháp mới để giúp tăng tốc độ kết nối từ người dùng đến các máy chủ đám mây của mình. Đó là sử dụng những chiếc xe tải, được Amazon gọi là Snowmobile, thực chất là một thiết bị lưu trữ cỡ lớn, vận chuyển dữ liệu trung gian giữa người dùng và Công ty, giúp rút ngắn quãng đường và thời gian truyền dữ liệu. Amazon dự định sẽ lái những chiếc Snowmobile đến các văn phòng của khách hàng, trích xuất và lưu trữ dữ liệu của họ, sau đó lái chiếc xe tải này đến các cơ sở của Amazon để chuyển lại dữ liệu này vào các mạng lưới điện toán đám mây.
... Đến giao hàng bằng drone
Sử dụng máy bay không người lái (drone) để giao hàng là ý tưởng không còn quá mới. Cuối năm 2016, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới 7-Eleven đã chia sẻ số liệu về thử nghiệm giao hàng bằng drone, do Hãng Flirtey sản xuất cho 77 khách hàng tại Reno, Nevada, Mỹ.
Trước đó, vào tháng 9 cùng năm, chiếc drone mang tên Project Wing của Google đã hoàn tất chuyến bay chở hàng thử nghiệm đầu tiên tại Mỹ, khi vận chuyển một món ăn nhanh cho sinh viên tại Trường Công nghệ Virginia.
Tuy nhiên, Amazon mới tạo ra sự quan tâm lớn khi thực hiện thành công chuyến giao hàng đầu tiên bằng phương thức này cho Richard B. - một người sống ở Cambridgeshire (Vương quốc Anh).
Người này đặt hàng một chiếc Amazon TV Fire (bộ thiết bị đầu đĩa kỹ thuật số và chơi game do Amazon phát triển) một gói thức ăn có trọng lượng 2,1 kg cho chó. Drone bay khoảng vài dặm, giao hàng trong khoảng 13 phút. Đưa hàng hóa vào drone trước khi cất cánh và điều khiển máy bay không người lái được thực hiện tự động, con người chỉ giám sát.
Để chuẩn bị phát triển kế hoạch giao hàng bằng drone, Amazon đã đăng ký phát minh về nơi đỗ cho các drone này. Theo đó, đây là những chiếc tổ cho phép drone ra vào lấy hàng rồi chuyển tới địa chỉ đã định sẵn. Những chiếc tổ này sẽ được bố trí ở nhiều nơi sao cho việc giao nhận hàng thuận tiện nhất và tiết kiệm chi phí.
Xem ra, một số điều chỉ có trong phim viễn tưởng trước đây có thể trở thành hiện thực trong tương lai không xa. Giới lãnh đạo doanh nghiệp nước ta đang đứng trước thách thức phải linh động điều chỉnh sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng, tích hợp các công nghệ tiên tiến, hợp lý hóa quy trình sản xuất, giảm thời gian giao hàng, rút ngắn vòng đời sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh.
Để phát triển, lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động thoát khỏi lối mòn với những ý tưởng, những hệ thống thậm chí chưa bao giờ nghĩ tới. Họ cũng sẽ phải đặt câu hỏi về mọi thứ, từ việc suy nghĩ lại chiến lược, mô hình kinh doanh cho đến các quyết định đầu tư đào tạo nhân lực hay nghiên cứu phát triển.
Theo: doanhnhansaigon.vn
TIN CŨ HƠN
- [Marketing thời 4.0] Đưa hôn nhân đồng giới vào TVC và bài học làm marketing của PNJ: Hãy dũng cảm để không lãng phí ngân sách quảng cáo!
- Tăng cường hiệu quả marketing sử dụng website và mạng xã hội
- 4 chiến thuật marketing hiệu quả có chi phí thấp
- [Marketing thời 4.0] Khi siêu thị “phát giác” nữ sinh có thai trước cả… cha của cô gái
- Làm giàu nhờ kinh doanh Online hiệu quả
- Chatbot - công cụ giao tiếp chủ động với khách hàng
- “Giá inbox” - Cứ thấy cụm từ này là khách hàng “auto skip” nhưng tại sao nhiều shop online vẫn cứ kiên trì áp dụng?
- Hợp tác bán hàng online với Amazon nhưng CEO của Adidas lại gọi đây là một 'cuộc chiến' mạo hiểm
- 'Marketing thành công đâu chỉ là một đoạn phim quảng cáo hay'
- Từ việc The Coffee House nhận vài nghìn đơn hàng online mỗi ngày đến cuộc chiến "đẫm máu" trên thị trường giao đồ ăn của GrabFood, Now và Lala