Bán lẻ Nhật chiến thuật “bao sân”

Aeon Mall đã giải được “cơn khát” hàng Nhật của thị trường Việt Nam. Ngược lại, thị trường bán lẻ Việt cũng đang rất hấp dẫn nhà đầu tư Nhật.

Ảnh minh họa.

Tập đoàn AEON (Nhật) vừa động thổ dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông. Đây là trung tâm thương mại thứ 5 của Aeon tại Việt Nam, có tổng diện tích khoảng 98.000m2, với khoản đầu tư lên tới 200 triệu USD, tương đương 4.500 tỷ đồng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2019. Cho đến thời điểm hiện tại, Aeon đã rót khoảng 600 triệu USD cho 5 trung tâm này. Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra, tập đoàn này mới chỉ đi được 1/4 chặng đường trong mục tiêu thành lập tổng số 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2020.

Cơn khát hàng Nhật

Nhìn nhận ở góc độ người tiêu dùng Việt Nam, bà Nguyễn Bạch Thùy Linh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Công ty SNB Distribution nhận xét, thời điểm mới xuất hiện, nguồn hàng từ Aeon Mall giải được “cơn khát” hàng Nhật vốn có từ lâu của thị trường Việt Nam, góp phần giúp Aeon Mall thu hút khách. Quyết tâm của Aeon trong dự án thứ 5 ở Việt Nam là minh chứng cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đang rất hấp dẫn nhà đầu tư Nhật. Đại diện Aeon Mall cho biết, không dừng lại ở 5, từ nay đến năm 2025, nhà đầu tư này đặt mục tiêu phát triển 20 trung tâm thương mại lớn ở những khu vực quanh các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, cách trung tâm tầm 2-3 giờ di chuyển.

“Chúng tôi đang suy nghĩ đến việc mở trung tâm thương mại lớn ở cả 3 miền chứ không chỉ ở 2 đầu Việt Nam”, ông Iwamura Yasutsugu, Tổng Giám đốc Aeon Mall khẳng định. Để đạt được mục tiêu này, Aeon Mall Việt Nam có 2 việc quan trọng cần làm là tìm được đối tác có chung tầm nhìn và dự báo tốt các yếu tố địa điểm nào sẽ thu hút được khách hàng trong tương lai, giao thông sẽ phát triển như thế nào, xu hướng đầu tư, dân cư... để đánh giá đúng về tương lai thị trường.

Tính đến hết năm 2017, các nhà đầu tư Nhật đã đầu tư vào Việt Nam 3.599 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 49,46 tỷ USD, xếp thứ 2 trong số các đối tác đầu tư vào Việt Nam, sau Hàn Quốc. Theo chân làn sóng đầu tư này, các nhà bán lẻ Nhật xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam. Ông Akia Hizukuri, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam, nhận định: “Với nền kinh tế tăng trưởng ổn định cùng với lợi thế về dân số đông, trẻ, năng động, Việt Nam đang là thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư tại Nhật”.

Theo công bố mới đây của A.T. Kearney, Việt Nam xếp thứ 6 trong Chỉ số Phát triển Bán lẻ toàn cầu (GRDI) vào năm 2017. Với quy mô 110 tỷ USD (năm 2016) và dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Đó chính là lý do hàng loạt các nhà bán lẻ nổi tiếng từ Nhật, Pháp, Thái Lan... đồng loạt đổ bộ vào Việt Nam.

Tham vọng của các nhà đầu tư Nhật thể hiện với hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực này như 7-Eleven, MiniStop, FamilyMart và mới đây là Miniso, trạm xăng của đại gia Nhật Idemitsu Kosan. Trả lời báo chí, ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc Điều hành cao cấp phụ trách thị trường Việt Nam của RECOF Nhật (tập đoàn tư vấn về M&A hàng đầu thế giới), dự đoán, trong danh mục được các nhà đầu tư Nhật quan tâm, bán lẻ và mảng phi ngân hàng như công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác... sẽ vẫn là xu hướng lớn.

Phủ mọi phân khúc

Đáng chú ý là các nhà bán lẻ Nhật đang mở rộng rất nhanh trong phân khúc cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ. Vào thời điểm cuối năm 2017, Việt Nam có 800 siêu thị, 150 trung tâm mua sắm, 9.000 chợ truyền thống và khoảng 2,2 triệu cửa hàng bán lẻ ở Việt Nam. Cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ là những phân khúc phát triển nhanh nhất trong thị trường này.

Năm 2014, Aeon đi vào phân khúc các cửa hàng tiện lợi khi mua lại cổ phần chi phối tại 2 hệ thống siêu thị của Việt Nam gồm Citimart và Fivimart, với tỷ lệ nắm giữ lần lượt là 49% và 30%. Cùng với các trung tâm bán lẻ lớn như Aeon Mall Hà Đông mới xuất hiện, hệ thống siêu thị mini của Aeon đang đi theo chiến thuật bao phủ thị trường Việt Nam.

Tính đến nay, FamilyMart đã có 100 cửa hàng và dự kiến sẽ có hơn 800 cửa hàng vào năm 2020. Cùng với đó, 7-Eleven lên kế hoạch mở 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm. Hướng tới những người trẻ trung, năng động có độ tuổi từ 18-35, địa bàn lớn nhất của Miniso hiện nay là các thành phố lớn với 16 siêu thị tại Hà Nội và 14 siêu thị tại TP.HCM. Trước đó, từ năm 2007, chuỗi cửa hàng Hachi Hachi đầu tiên đã xuất hiện ở TP.HCM, gây chú ý cho người tiêu dùng vì cam kết bán những mặt hàng đến từ Nhật. Tiếp bước Hachi Hachi là Daiso Japan, Tokyo Mart, Tokutokuya, Tokyo Life... tạo nên hệ thống cửa hàng, siêu thị hàng Nhật hiện diện ở Việt Nam hiện nay rất rộng và độ phủ lớn.

Ông Đỗ Tuấn, chủ hệ thống cửa hàng Kids Plaza, cho biết: “Hàng hóa Nhật luôn được người dùng Việt Nam ưa chuộng bởi chất lượng của sản phẩm luôn kiểm định khắt khe của chính phủ Nhật. Chính vì vậy, sản phẩm Made in Japan như một bằng chứng của sự an toàn và chất lượng. Chỉ cần có chữ Made in Japan có thể dễ dàng thuyết phục khách hàng Việt Nam và bán được hàng”. Theo ông Tuấn, trong hệ thống siêu thị của Kids Plaza, sản phẩm tã, sữa, thực phẩm... phần lớn đến từ Nhật, mang về trên 50% doanh số hằng năm của Kids Palza.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, những năm gần đây, lượng hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Nhật  tăng lên đáng kể. Năm 2015, Việt Nam nhập siêu từ Nhật khoảng 14,3 tỷ USD. Năm 2016 nhập khẩu 15,033 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ nhưng năm 2017, con số này là 16,8 tỷ USD, tăng 14,2%. Xét riêng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tháng 1.2018, giá trị hàng hóa nhập vào Việt Nam từ Nhật đạt đã 1,7 tỷ USD, tăng 93,1% so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng đáng kể này cho thấy độ phủ lớn của sản phẩm Nhật tại thị trường Việt Nam. Theo bà Nguyễn Bạch Thùy Linh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Công ty SNB Distribution, cách đây 10 năm, việc kinh doanh hàng Nhật khá chậm do giá thành cao. Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã khởi sắc hơn, mức thu nhập cũng cao hơn nên người tiêu dùng dễ dàng chi trả cho sản phẩm nhập khẩu chất lượng từ Nhật.

Các tour Nhật luôn ấn tượng bởi đoàn khách Việt Nam xếp hàng dài tại các cửa hàng Nhật tại Tokyo để “vét hàng” điện tử như nồi cơm điện, bàn ủi... cho thấy cơn sốt hàng Made in Japan của người Việt Nam chưa hạ nhiệt. Bà Linh tiết lộ: “Mức tăng trưởng của thị trường là 60% mỗi năm, đều đặn trong 5 năm trở lại đây. Và năm 2018 là giai đoạn đỉnh điểm của xu hướng tiêu dùng hàng Nhật”.

 

Theo NCĐT


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật