Giá các mặt hàng thiết yếu như vật liệu xây dựng (thép), thực phẩm có xu hướng tăng,... là một trong số những yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá.
Tại phiên họp Quý I/2018 của Ban chỉ đạo điều hành giá đánh giá kết quả thực hiện công tác điều hành 3 tháng đầu năm, cập nhật phương hướng điều hành từ nay tới hết năm, Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 3/2018 không tăng như 2 tháng đầu năm mà dự kiến giảm 0,28% so với tháng trước đó. Còn so với cùng kỳ năm 2017 thì CPI tháng 3 tăng 2,65%. Như vậy, tổng hợp số liệu 3 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2017.
Bộ Tài chính chỉ ra nguyên nhân tăng CPI trong Quý I/2017 là do nhu cầu gia tăng tiêu dùng trong dịp Tết và Lễ hội đầu năm, giá cả các mặt hàng thiết yếu thế giới tăng trở lại như nhiên liệu, chất đốt, sắt thép,... gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước; điều chỉnh một số mặt hàng thiết yếu trong nước tại một số tỉnh (giá khám chữa bệnh không thẻ BHYT tăng 34,19% làm CPI tăng chung khoảng 1,32%, giá dịch vụ giáo dục tăng 7,38% làm CPI tăng 0,38%, giá điện sinh hoạt tăng 6,08%, mức lương tối thiểu vùng tăng 6,5% làm tăng giá một số loại dịch vụ từ 2-8% so với cùng kỳ năm trước).
Ở chiều ngược lại, trong 3 tháng đầu năm cũng có nhiều nguyên nhân kiềm chế tốc độ tăng CPI là giá thịt lợn, giá rau tươi, viễn thông, giá khí giảm so với đầu năm trước. Các bộ, địa phương phối hợp chặt chẽ trong bảo đảm cân đối cung cầu các nguồn hàng, công tác điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, giúp ổn định thị trường ngoại tệ, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và tài khoá và các chính sách vĩ mô khác để ổn định giá trị đồng tiền và lạm phát cơ bản. Bộ Công Thương sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn xăng dầu để hạn chế mức tăng trong nước,...
Tuy nhiên, Bộ Tài chính và nhiều ý kiến thành viên Ban chỉ đạo cho biết từ nay tới cuối năm cũng xuất hiện một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá đó là 8 địa phương sẽ điều chỉnh giá khám chữa bệnh đối với người không có thẻ BHYT (dự kiến tác động CPI khoảng 0,07%), dự kiến điều chỉnh chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, lương cơ sở cơ cấu vào giá dịch vụ khám chữa bệnh (tác động 0,42%), điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục (tác động 0,3%), giá các dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo Luật, xu hướng biến động của giá xăng dầu, điều chỉnh tiền lương trong khối doanh nghiệp và khu vực công, rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi, giá các mặt hàng thiết yếu như vật liệu xây dựng (thép), thực phẩm có xu hướng tăng,...
9 tháng còn lại của năm 2018 sẽ có một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá cả nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá khẳng định Chính phủ sẽ đủ khả năng để điều hành chỉ số giá tiêu dùng tăng 4% theo đúng yêu cầu của Quốc hội.