Bán rau - Cuộc chơi mới hứa hẹn đầy lời lãi của Lazada: 3,5 tấn bắp cải, cà rốt được bán hết sau nửa giờ, sẽ triển khai mảng kinh doanh mới trên khắp ĐNÁ
Những người nông dân ở Cao nguyên Cameron – một khu nông nghiệp nổi tiếng của Malaysia đã phải vứt bỏ hàng trăm tấn rau củ vào tháng 3 khi dịch Covid-19 khiến hầu hết các nguồn bán buôn, các nhà hàng trên khắp cả nước phải đóng cửa vì dịch bệnh. Tuy nhiên, đây bất ngờ lại trở thành cơ hội hiếm có để Alibaba tham chiến vào một lĩnh vực rất khó khăn.
Lazada – chi nhánh của tập đoàn Alibaba hoạt động ở khu vực Đông Nam Á đã mở một cửa hàng trực tuyến ảo với ý định kết nối nông dân với những người Malaysia buộc phải ở nhà vì dịch bệnh. Sáng kiến này đã tạo ra "cú nổ lớn" khiến ngay cả chính Lazada cũng ngỡ ngàng: Người tiêu dùng mua trung bình 1,5 tấn bắp cải, cà rốt và rau bina mỗi ngày. Đến ngày thứ 4, 3,5 tấn được bán hết veo trong vòng hơn nửa giờ. Đến tuần thứ 3, khoảng 70 tấn rau củ đã được chuyển từ các trang trại tới tận cửa nhà người tiêu dùng trên khắp cả nước.
Người nông dân ở cao nguyên Cameron.
Rau củ tươi – hiện là một trong 3 loại hàng hóa bán chạy nhất trên website của Lazada Malaysia – điều chưa từng có vào thời điểm 3 tháng trước. Trước khi dịch virus corona ập đến, Lazada chỉ triển khai mảng bán rau củ ở Singapore, Thái Lan và Philippines. Sau khi dịch bùng phát, họ đã mở rộng lĩnh vực này sang Malaysia, Việt Nam và Indonesia. Dĩ nhiên để làm được điều đó là nhờ Lazada sở hữu 30 trung tâm kho ở 17 thành phố trên khắp khu vực.
"Covid-19 là chất xúc tác cho sự chuyển đổi kỹ thuật số ở Đông Nam Á", CEO Lazada là Pierre Poignant nói trong bài phỏng vấn với tờ Bloomberg. "Khi người tiêu dùng xây dựng được một thói quen, nó sẽ không dễ dàng bị mất đi. Thương mại điện tử sẽ trở thành cách sống".
Nhu cầu với rau củ tươi đã gia tăng mạnh trên toàn cầu nhưng sự bùng nổ ở Malaysia đã mở ra cánh cửa đặc biệt giúp gã khổng lồ thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc xâm nhập vào được thị trường đầy hứa hẹn sau nhiều năm xây dựng một trong những mạng lưới vận chuyển lớn nhất khu vực. Kể từ tháng 3, càng xuất hiện nhiều những doanh nhân làm nông, người làm nghề chài lưới và doanh nghiệp địa phương tham gia bán sản phẩm trực tuyến.
Giai đoạn lễ Ramada trong một quốc gia có hơn một nửa dân số theo đạo hồi, nhu cầu cũng chứng kiến tăng mạnh và người nông dân đã lập tức đa dạng hóa các loại sản phẩm để đáp ứng đủ nhu cầu.
"Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương nhận ra rằng kỹ thuật số hóa mảng kinh doanh của họ là cách hướng đến sự bền vững trong dài hạn, đa dạng hóa nguồn doanh thu và đáp ứng sự gia tăng kinh tế internet".
CEO Pierre Poignant.
Lazada đã ghi điểm ở Cao nguyên Cameron nhưng mở rộng ra ở những thị trường Đông Nam Á khác với họ vẫn còn là một bài toán khó.
Khởi đầu năm 2012 bởi Rocket Internet trước khi được Alibaba thâu tóm, đây là trang thương mại điện tử đầu tiên hoạt động ở 6 quốc gia Đông Nam Á.
Tại Indonesia, thị trường tiềm năng nhất và lớn nhất trên khu vực, Tokopedia đang được xếp là trang thương mại điện tử lớn nhất xét về lượng truy cập, theo sau là Shopee, Bukalapak và Lazada. Blibli là đơn vị bán rau củ dẫn đầu trong khi đó Shopee, Tokopedia và Lazada đang đuổi theo ngay phía sau.
Không chỉ những gã khổng lồ thương mại điện tử, sự gia tăng nhu cầu mua rau củ trực tuyến đã thu hút cả những người chơi mới. Qoo10 của Singapore là ví dụ điển hình nổi lên sau khi lệnh đóng cửa các cửa hàng trà sữa cùng nhiều dịch vụ không thiết yếu khác được áp dụng. Ngay cả công ty giao đồ ăn Foodpanda cũng bắt đầu giao rau củ.
Tại quê nhà Singapore, Lazmall - chuyên trang chuyên bán đồ hiệu cao cấp của Lazada gần đây đã thu hút những tên tuổi lớn như Under Armour của Singapore và Thái Lan, Starbucks và 3M ở Indonesia và những chuỗi cửa hàng như Robinson.
"Có những thương hiệu mà tôi không thể nào tưởng tượng nổi có ngày họ sẽ tìm đến thương mại điện tử", Poignant nói.
Đồng sáng lập 41 tuổi của Lazada chính thức đảm nhiệm cương vị mới vào năm ngoái nói rằng Lazada đang rất hứng thú với những thương vụ trong lĩnh vực rau củ gồm việc thâu tóm và liên minh ở Đông Nam Á. "Chúng tôi đang rất cởi mở với vấn đề này". Tháng trước, Lazada cũng hợp tác với Rumah Sayur của Indonesia để tìm nguồn rau củ từ 2.500 người nông dân ở miền tây Java.
Lazada cũng đã mua lại trang web bán rau củ Redmart của Singapore vào năm 2016. Họ đang gặp khó khăn để đáp ứng nhu cầu và phải tạm thời ngưng những đơn hàng mới vào tháng 4 để điều chỉnh. Poignant nói rằng Redmart giúp công ty phục vụ nhiều hơn 50% lượng khách hàng mỗi ngày vào tháng trước.
Poigant nói rằng các công nghệ của Alibaba đã giúp khác biệt hóa Lazada, đầu tiên là với hình thức livestream. Ông nói rằng Lazada là đơn vị duy nhất ở Đông Nam Á cho phép người tiêu dùng ngay lập tức mua sản phẩm họ xem trên livestream, Cuối tháng 6, Lazada đã lên kế hoạch chỉ trì hơn 1.000 phiên livestream mỗi ngày, tăng từ 4.000 mỗi tuần như hiện tại. Tháng 4, khoảng 7.000 tài khoản livestream mới được tạo ra, tăng 70% so với thời điểm trước địch.
Công nghệ trí thông minh nhân tạo của Alibaba cũng là một nguồn tài sản khác. Lazada hiện sử dụng 9.000 nhân viên trên khắp khu vực.
Thương mại điện tử Đông Nam Á dự đoán sẽ đạt 150 tỷ USD vào năm 2025.
Với Alibaba, Lazada là mảnh ghép quan trọng nhất của chiến lược toàn cầu hóa. Họ nhắm tới phục vụ 300 triệu người Đông Nam Á vào năm 2030, tăng từ 65 triệu người hiện tại.
Để đạt được mục tiêu đó, tuần trước Alibaba đã ký kết thỏa thuận mua lại một nửa tòa nhà AXA Tower ở Singapore, trị giá 1,3 tỷ USD. Poignant nói rằng tòa tháp 50 tầng này có phong thủy rất tốt, hiện tại là nhà cho 3.000 nhân viên Lazada.
"Đông Nam Á là thị trường quan trọng đối với Alibaba", Poignant nói.
TIN CŨ HƠN
- Thời của "tiểu thương online"
- Kinh doanh thương mại điện tử: Làm sao bảo vệ thương hiệu?
- AhaMove: Đại dịch thúc đẩy đơn giao hàng tăng nhẹ hơn 10%, nhưng 1-2 tháng tới có thể sức mua sẽ đi xuống
- Kinh doanh trên TMĐT – Xu hướng giải cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ
- Các khách sạn cao cấp "tung chiêu" bán đồ ăn giao tận nơi với nhiều ưu đãi lớn: Tránh nắng nóng, dịch bệnh mà vẫn có thể thưởng thức món ngon chuẩn 5 sao
- Covid-19 đã khiến những 'con gà đẻ trứng vàng' của Tiki, Shopee, Lazada, Sendo hết thời ra sao?
- Sàn đấu TMĐT mùa dịch: Shopee tiếp tục để cho Tiki, Lazada và Sendo “hít khói”
- Covid-19 tác động chuỗi cung ứng dịch vụ và thương mại điện tử
- Savills: COVID-19 đang thúc đẩy thương mại điện tử và tấn công bán lẻ truyền thống
- Shopee sở hữu lượng truy cập lớn nhất trên toàn khu vực Đông Nam Á sau 3 năm