Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2019 có gì đáng chú ý?

Tổng quan, báo cáo cho biết: tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam năm vừa qua đạt trên 30%. Quy mô thị trường thương mại điện tử đạt 7,8 tỷ USD.

Thị trường thương mại điện tử bao gồm: bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hóa khác. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD.

Khảo sát cho thấy 47% các doanh nghiệp hiện nay có đa số lao động thường xuyên sử dụng email trong công việc. Tuy nhiên, vẫn còn tới 19% doanh nghiệp vẫn chưa tạo được cho nhân viên thói quen sử dụng email.

Mục đích chính của việc sử dụng email vẫn là để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp (chiếm tới 76%). Theo sau đó là hỗ trợ hợp đồng, chăm sóc khách hàng và quảng cáo.

Song song với việc sử dụng email, xu hướng ứng dụng những công nghệ mới tiên tiến hơn vào hoạt động trong công ty cũng tăng lên nhanh chóng trong vài năm trở lại đây. Gần như 100% doanh nghiệp đã quen thuộc với việc trao đổi thông qua các nền tảng hỗ trợ giao tiếp như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Messenger, Zalo...

Đa số doanh nghiệp vẫn tập trung vào việc đầu tư hạ tầng phần cứng nhiều hơn so với các hạng mục khác. Năm 2018 mức độ đầu tư vào hạ tầng phần cứng vẫn chiếm tới 39% tổng chi phí mua sắm đầu tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đã tập trung nhiều hơn cho việc đầu tư cho phần mềm (chiếm 29% và tăng 4% so với năm trước).

Chỉ 44% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã xây dựng website, tỷ lệ này chỉ nhỉnh lên 1% so với năm 2017 và không thay đổi nhiều trong vài năm trở lại đây.

 

Tuy nhiên đa số doanh nghiệp đá chú trọng nhiều hơn tới việc chăm sóc website của mình: 47% doanh nghiệp cho biết thường xuyên cập nhật thông tin hàng ngày và 23% cho biết có tần suất cập nhật thông tin hàng tuần. 19% doanh nghiệp có website phiên bản di động và 14% có phần mềm bán hàng trên thiết bị di động. Trong đó phần lớn các ứng dụng có trên Androi (75%), IOS (45%) và Window (45%).

36% doanh nghiệp trả lời có kinh doanh trên mạng xã hội, con số này tăng 4% so với năm 2017. Song chỉ có 12% doanh nghiệp được hỏi có tham gia sàn thương mại điện tử.

Mạng xã hội vẫn là trang quảng cáo được ưa chuộng nhất, sau đó là các công cụ tìm kiếm và báo điện tử. Doanh nghiệp hiện nay không còn chuộng báo giấy và truyền hình như xưa nữa.

Kế toán tài chính là lĩnh vực sử dụng phần mềm quản lý nhiều nhất, đứng thứ hai là quản lý nhân sự. 61% doanh nghiệp hiện nay sử dụng chữ ký điện tử.

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu về chỉ số Nguồn nhân lực và Hạ tầng thông tin. Hà Nội đứng nhất cả nước với 88,4%, theo sau là Thành phố Hồ Chí Minh với 86,8%. Ba tỉnh thành còn lại trong top 5 là Đà Nẵng, Hải Phòng và Bắc Ninh.

Tuy nhiên chỉ số tổng hợp về giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, chính phủ với doanh nghiệp hay doanh nghiệp với khách hàng thì Thành phố Hồ Chí Minh lại vượt Hà Nội vươn lên dẫn đầu.

 

Thái Trang
Theo nguồn: Tri thức trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật