Shopee thu phí, người bán hàng online "dọa" tăng giá
Thông báo này khiến nhiều người bán hàng online bất ngờ vì từ trước đến nay họ hoàn toàn được miễn phí khi sử dụng nền tảng của Shopee để bán hàng.
Theo thông báo của sàn thương mại điện tử Shopee, phí thanh toán được tính trên tổng giá trị thanh toán của người mua cho đơn hàng, bao gồm, tổng tiền hàng và phí vận chuyển sau khi áp dụng khuyến mại (nếu có).
Shopee thông báo sẽ thu phí người bán từ 1-4
Tùy vào phương thức thanh toán mà người mua đã chọn, mức phí thanh toán được áp dụng cho mỗi đơn hàng sẽ tương ứng. Cụ thể, người mua thanh toán khi nhận hàng (COD) hoặc bằng thẻ ATM nội địa (internet banking), người bán sẽ chịu mức phí 1%. Với phương thức thanh toán bằng thẻ tín dụng/ghi nợ hoặc trả góp bằng thẻ tín dụng, mức phí là 2%.
Mức phí này đưa ra đã nhận được nhiều phản ứng của cộng đồng bán hàng online sử dụng nền tảng của sàn thương mại điện tử Shopee. Chị Nguyễn Thu Hà (chủ một gian hàng bán quần áo trẻ em trên Shopee) cho rằng, người bán hàng online đã quen với việc miễn phí, nên khi có thông báo thu phí đã rất bất ngờ. "Bán hàng online nếu được miễn phí trên sàn thì giá thành sẽ thấp, hút được người mua, đó là ưu thế khiến người tiêu dùng lựa chọn. Nhưng nay sàn thu phí, chúng tôi khá bất ngờ và phải có phương án kinh doanh hợp lý cho thời gian tới"- chị Hà chia sẻ.
Người bán hàng online sẽ thu thêm chi phí hoặc "dọa" tăng giá để bù lại phần phí mà Shopee sẽ thu
Trong khi đó, trên các diễn đàn mạng, hầu hết người buôn hàng online đều "dọa" tăng giá để bù phần chi phí mà Shopee sẽ thu, điều này khiến khách hàng là người ảnh hưởng lớn nhất. Đăng quảng cáo sản phẩm trên một nhóm mua bán hàng online, chị Phan Huyền Thu (bán mỹ phẩm) cho biết sẽ thu thêm 1% trên tổng đơn hàng mà khách đã mua để bù lại chi phí.
Chị Thu cũng tính phương án sẽ tăng giá các mặt hàng để bù lại chi phí mà sàn thương mại điện tử sẽ thu từ ngày 1-4 tới đây. "Một số mặt hàng có mức lãi thấp, nếu chịu thêm phần chi phí 1-2% nữa thì người bán không có lời"- chị Thu than phiền. Tuy nhiên, chị Thu cũng lo ngại việc tăng giá sẽ làm mất khách hàng.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Duy Tuấn (chủ một gian hàng bán giày dép nam trên Shopee), cho biết anh cũng lường trước được các sàn thương mại điện tử sẽ thu phí, tuy nhiên mức phí đó bao nhiêu và cách thu như thế nào cho phù hợp để giữ chân người bán ở lại với sàn, cũng như không ảnh hưởng đến người mua.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mức phí nêu trên sẽ được trừ trực tiếp trên từng đơn hàng trước khi tiền hàng được chuyển về Ví Shopee của người bán hàng.
Bà Lê Thị Hà, Trưởng Phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến của Việt Nam qua các năm có tốc độ tăng trưởng ổn định trên 20%/năm. Năm 2017, quy mô thị trường bán lẻ đạt 6,2 tỉ USD (trung bình 1 người dân mua trực tuyến 186 USD/năm), tỉ trọng doanh thu thương mại điện tử chiếm khoảng 3,6% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng cả nước.
Dự kiến, đến năm 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử ước đạt 10 tỉ USD (mua sắm trực tuyến của người dân ước tính tương đương 350 USD trong năm).
TIN CŨ HƠN
- Vì sao Pinduoduo có thể đột phá trên thị trường TMĐT Trung Quốc dù đã có Alibaba và JD?
- Thương mại điện tử: Cuộc chơi dài hạn của doanh nghiệp
- Alibaba bắt tay đối tác Việt hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng xuyên biên giới
- CEO Adidas: Thương mại điện tử là tương lai của nhiều thị trường
- Alibaba chính thức bắt tay sàn thương mại điện tử Việt Nam
- Đau đầu vì bán hàng đa kênh và lời giải
- Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2019 sẽ được công bố vào trung tuần tháng 3
- Ra mắt ứng dụng theo dõi lịch sử giá trên trang thương mại điện tử
- Ngành Thương mại điện tử Việt Nam đạt quy mô 8 tỷ USD năm 2018
- Amazon tung loạt ưu đãi cho nhà cung cấp từ Việt Nam