BIDV tiếp tục mua lại trước hạn gần 14.000 tỷ đồng trái phiếu
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (mã BID ) vừa cho biết, trong tháng 11 và tháng 12 tới, sẽ thực hiện quyền mua lại các trái phiếu BIDV với tổng giá trị gần 14.000 tỷ đồng.
Lượng trái phiếu trên chủ yếu được ngân hàng phát hành vào năm 2019 (gần 8.400), cùng với một lô 3.000 tỷ đồng phát hành năm 2018 và một lô 2.500 tỷ đồng phát hành năm 2015.
Đây đều là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm hoặc bảo lãnh, được phát hành và thanh toán bằng Đồng Việt Nam, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, là nợ thứ cấp của BIDV và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của BIDV theo quy định hiện hành.
Lãi suất trái phiếu được tính bằng lãi suất tham chiếu (trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng Đồng Việt Nam, trả sau áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng Agribank, Vietinbank, BIDV – khu vực Hà Nội và Vietcombank Sở giao dịch) cộng thêm từ 1,25% đến 1,4%/năm.
Trước đó, trong tháng 8, BIDV cũng hoàn tất mua lại 500 tỷ đồng trái phiếu kì hạn 7 năm, được phát hành vào năm 2018.
Trước nữa, hồi cuối tháng 7, ngân hàng thực hiện mua lại 3.500 tỷ đồng trái phiếu kì hạn 10 năm, phát hành năm 2015.
Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của ngân hàng giảm 1,49% so với thời điểm đầu năm, xuống còn 1,467 triệu tỷ đồng.
Trong khi đó, tín dụng của ngân hàng tăng trưởng nhẹ 2,54%, đạt 1,145 triệu tỷ đồng.
Về chất lượng cho vay, tính đến cuối tháng 9/2020, BIDV đang có tổng cộng 22.524 tỷ đồng nợ xấu, tăng 3.028 tỷ đồng, tương đương 15,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay theo đó cũng tăng từ mức 1,75% hồi đầu năm lên 1,97% vào thời điểm cuối quý III/2020.
Huy động tiền gửi tăng 2,77%, đạt 1,145 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi của ngân hàng vẫn ở mức cao với 100%.
9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BIDV tăng nhẹ 0,48%, ở mức 7062 tỷ đồng, trong đó, riêng quý III đóng góp 2.703 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 16,6% so với cùng kỳ. Với kết quả này, ngân hàng mới chỉ hoàn thành 56,5% kế hoạch lợi nhuận cho năm nay (12.500 tỷ đồng).
Bizlive
TIN CŨ HƠN
- Vốn tín dụng - “đòn bẩy” phục hồi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
- Hệ thống ngân hàng Việt qua đánh giá của Trung ương Đảng
- NHNN đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021
- Thừa tiền, ngân hàng có nên mạnh tay giảm lãi suất?
- Thêm kênh hỗ trợ thanh khoản ngân hàng
- Những ví điện tử nào đang dẫn đầu về nhận diện thương hiệu?
- Vì sao NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành?
- Vì sao lãi suất của Việt Nam vẫn cao?
- Mở toang room ngoại: Ngân hàng không đồng tình!
- Ngân hàng thừa tiền, lãi suất tiếp tục giảm mạnh