Bỏ đại học Ivy League, cô gái 24 tuổi tạo ra startup trị giá 140 triệu USD
Hai năm trước, trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa của Cami Téllez tại Đại học Columbia bận rộn chọn ngành học, nhồi nhét cho các bài thi cuối cấp và đi làm thêm, Cami Téllez lại âm thầm kiến tạo một công ty trị giá hàng triệu USD.
Téllez thành lập Parade, một thương hiệu bán trực tiếp đến người tiêu dùng khi cô còn là sinh viên cùng với đối tác kinh doanh Jack DeFuria, cũng đang là sinh viên đại học vào thời điểm đó, với khoản đầu tư hạt giống 3,5 triệu USD. Cô học tiếng Anh và lịch sử nghệ thuật trong 7 học kỳ trước khi bỏ học vào tháng 1/2020 để trở thành Giám đốc điều hành và Giám đốc sáng tạo toàn thời gian của Parade.
Quyết định mang tính đặt cược đó đã được đền đáp: Parade đã bán được hơn hai triệu đôi đồ lót kể từ khi ra mắt và hiện được định giá 140 triệu USD, với sự tài trợ từ các nhà đầu tư như Neil Blumenthal, Shakira và Karlie Kloss.
Gia đình - Hậu phương vững chắc
Téllez, 24 tuổi, lớn lên ở Princeton, New Jersey và Berkeley, California cùng với cha mẹ. Cô chia sẻ, quyết tâm của cha mẹ cô đã tiếp thêm sức mạnh cho Téllez để lãnh đạo một công ty khởi nghiệp đang phát triển nhanh chóng. Cô nói: “Cha mẹ tôi là những người có tầm nhìn xa khi theo đuổi giấc mơ Mỹ và tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn. Sự gan dạ đáng kinh ngạc của hai người đã truyền cho tôi cảm giác thực sự về sứ mệnh và mục đích. Đây chính là điều cần thiết để tôi nuôi ước mơ và dẫn dắt Parade thành công”.
Quyết định bỏ học đặc biệt khó khăn đối với Téllez vì cha mẹ cô coi tấm bằng Ivy League là biểu tượng thành công ở Mỹ.
Tuy nhiên, việc chứng kiến Téllez thành công trong công việc kinh doanh thậm chí còn mang lại cho họ nhiều niềm vui hơn và họ là một trong những người ủng hộ lớn nhất của cô. Téllez chia sẻ: “Cha tôi từng nói với tôi, ‘Mỹ là một trong những nơi duy nhất trên thế giới mà con có thể thất bại và kể cả thất bại thì đó cũng không phải là định nghĩa về sự nghiệp. Điều đó đã giúp tôi “mở mắt”, cho phép tôi vượt qua những rào cản của bản thân và nuôi dưỡng ước mơ lớn hơn trên hành trình phát triển Parade”.
Thành công nhờ tạo ra những gì thị trường đồ lót truyền thống không có
Thay vì hướng đến những tiêu chuẩn gợi cảm phổ biến dựa vào siêu mẫu và nội y đắt tiền, Parade đã tập trung vào việc tạo ra những chiếc áo lót thoải mái, giá cả phải chăng, tôn lên được tất cả các loại cơ thể. Bộ sưu tập đồ lót của Parade dao động từ 8 USD – 15 USD và có các kích cỡ XS-3XL.
Phần lớn nguồn cảm hứng để tạo ra những sản phẩm của Parade đến từ những cuộc dạo chơi trung tâm mua sắm khi Téllez còn nhỏ. Đây là những nơi trưng bày những chiếc quần lót màu hồng nóng bỏng và đồ lót nam với những người mẫu da trắng. Cô nói: “Tôi cảm thấy rất lạc lõng với tầm nhìn của Victoria’s Secret và các cửa hàng khác về sự nữ tính. Tôi luôn nghĩ phụ nữ xứng đáng với những thương hiệu vừa táo bạo vừa mang tính biểu cảm”.
Ở giai đoạn đầu, Téllez cho biết, các nhà đầu tư không hiểu sự cần thiết của một thương hiệu đồ lót mới tập trung vào người tiêu dùng trẻ tuổi. “Nhưng điểm mạnh nhất trong quảng cáo các sản phẩm của tôi từ trước cho đến nay đó là tập trung vào khách hàng. Điều đó cho phép tôi dự đoán ngành hàng này trong tương lai sẽ như thế nào và bám sát sở thích của người tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng”. Với Parade, Téllez hy vọng sẽ “viết lại câu chuyện đồ lót Mỹ” và trở thành đối thủ hàng đầu của Victoria’s Secret, Calvin Klein và các ông lớn khác trên thị trường nội y.
Cách tiếp thị 1-0-2
Thay vì chỉ ra những gì thú vị, Parade đã thực hiện một phương pháp tiếp thị “từ dưới lên” bằng cách tập trung vào những người có ảnh hưởng trên Instagram để giới thiệu đồ lót của Parade. Những người này sẽ sử dụng đồ lót phù hợp với phong cách cá nhân của họ. Các chiến dịch quảng cáo của công ty, trong đó có những người trẻ tuổi làm mẫu theo phong cách rực rỡ, đã thu hút được một lượng người theo dõi trực tuyến trung thành. Parade có 5.000 đại sứ thương hiệu, những người quảng bá các thiết kế trên kênh mạng xã hội cá nhân và đưa ra phản hồi, một số để đổi lấy tiền thưởng hoặc sản phẩm được tặng. Téllez cũng ước tính rằng “hàng chục nghìn” khách hàng đã đăng trực tuyến các sản phẩm của Parade.
Hành trình thành công
Năm 2021 là một năm đầy sự kiện đối với Parade. Tháng trước, công ty đã huy động được 20 triệu USD ở vòng Series B từ Stripes, một công ty cổ phần tăng trưởng cũng đầu tư vào thời trang với thương hiệu Reformation và một công ty sữa có trụ sở tại Califia Farms. Khoản đầu tư này được công bố khi Parade cũng chuẩn bị khai trương cửa hàng truyền thống đầu tiên vào tháng 11 tại New York.
Trước khi đạt được những dấu mốc như vậy, Parade đã trải qua những ngày đầu thành lập chỉ với 5 nhân viên, làm công việc đóng gói sản phẩm ở một căn hộ rộng 900m2 ở New York. Nữ doanh nhân trẻ tuổi chia sẻ: “Trước mỗi lần ra mắt, toàn bộ văn phòng của chúng tôi sẽ đóng gói hơn 500 bưu kiện, viết ghi chú vào từng hộp và chuyển chúng đến bưu điện. Tất cả chúng tôi đều phải làm công việc đó và làm cho đến khi hoàn thành”.
Mặc dù Parade đã đạt được thành công sớm nhưng vẫn có một khoảng cách rất lớn về việc các doanh nhân da trắng nhận được vốn đầu tư mạo hiểm so với các doanh nhân da màu. Theo phân tích của Crunchbase, những nhà sáng lập da màu chỉ chiếm 2,4% tổng vốn đầu tư mạo hiểm nhận được từ năm 2015 đến năm 2020.
Téllez hy vọng sẽ thấy nhiều doanh nhân trẻ và doanh nhân người Latinh tham gia vào lĩnh vực này và biến thế giới khởi nghiệp trở thành một sân chơi “công bằng, bình đẳng hơn”.
ND
TIN CŨ HƠN
- Chàng sinh viên học dốt thành ông chủ đế chế đạt doanh thu 250 triệu USD sau 3 năm, vượt mặt cả công ty của Kim Kardashian
- Bị Covid-19 vùi dập khiến 80% hoạt động kinh doanh biến mất sau 8 tuần, có lúc tưởng 'chết', Airbnb đã hồi sinh thần kỳ ra sao?
- Chuyện tình startup đẹp như mơ: Đôi bạn cùng nhau khởi nghiệp, đến khi công ty được định giá tỷ USD, cả 2 là tỷ phú đôla thì 'về chung một nhà'
- Thầy giáo khởi nghiệp trồng dưa lưới, lãi hơn trăm triệu đồng/năm
- Từ startup mờ nhạt đến công ty được định giá nửa tỷ USD chỉ sau một năm thành lập
- Vì sao nhiều tỷ phú Việt Nam đều khởi nghiệp với mì gói: Từ Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Đăng Quang, cho đến Ngô Chí Dũng, Đặng Khắc Vỹ?
- Sắp ‘toang’ vì Covid-19, chủ hàng kẹo vô danh dùng 25 USD làm marketing, sau hơn 1 năm có 5,5 triệu follower trên MXH, 'chốt đơn' mỏi tay
- Cơ hội sau biến cố “xóa bài chơi lại” và bàn đạp cho startup từ Viet Solutions
- ‘Soái ca’ bỏ đại học, bán snack rong biển: 33 tuổi có hơn 600 triệu USD, chuyện đời còn được dựng thành phim đầy kịch tính
- Bộ đôi đồng sáng lập Cuccu và PushSale tự vấn: Sao không bán hàng online kiếm vài tỷ/năm, khởi nghiệp chi cho mệt, hả những gã nghèo mộng mơ?