Bùng nổ thị trường bán lẻ Việt Nam

Sức hút của thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ đứng thứ 6 trên thế giới vẫn không ngừng gia tăng.

Việc xóa bỏ hoàn toàn rào cản trong lĩnh vực bán lẻ theo cam kết của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ khiến thị trường bùng nổ với sự tham gia ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Bùng nổ thị trường bán lẻ Việt Nam

Ảnh: X.THẢO

Cùng với đó, tác động của làn sóng công nghệ 4.0 đến thị hiếu tiêu dùng buộc doanh nghiệp bán lẻ phải thay đổi nếu muốn tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt này.

Trong khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam thì các thương hiệu đang hiện diện càng tăng cường đầu tư mở rộng hệ thống. Đã có hàng tỷ USD vốn ngoại rót vào thị trường, hình thành cuộc đua mở chuỗi cửa hàng bán lẻ.

Tiền tỷ vào bán lẻ

Được đánh giá là thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ đứng thứ 6 toàn cầu (theo xếp hạng của Hãng Nghiên cứu Thị trường A.T.Kearney), Việt Nam đang hút một lượng lớn vốn ngoại đầu tư vào bán lẻ. Tuần trước, nhà bán lẻ của Nhật Bản Muji đã công bố thành lập Công ty TNHH Muji Việt Nam. Theo kế hoạch, công ty này sẽ đặt tại TP.HCM và cửa hàng đầu tiên được khai trương vào năm 2020. Hiện tại, Muji có đến 928 cửa hàng ở nhiều nước, trong đó có 454 cửa hàng tại Nhật Bản.

Trước đó, tập đoàn bán lẻ đồ nội thất, thiết kế hàng đầu thế giới IKEA (Thụy Điển) đã lên kế hoạch xây dựng trung tâm bán lẻ và kho hàng tại Việt Nam. Với vốn đầu tư khoảng 450 triệu USD, khi đi vào hoạt động, hệ thống này sẽ cung ứng hàng cho thị trường Đông Nam Á.

Ban-le-1-7996-1551758214.jpg

Cuối năm 2018, một doanh nghiệp khác của Nhật Bản là Tập đoàn Sumitomo đã đưa thương hiệu FujiMart vào Việt Nam. Bằng sự hợp tác với Tập đoàn BRG của Việt Nam, Sumitomo đã có siêu thị FujiMart đầu tiên tại Hà Nội. Cơ sở cho sự ra đời của FujiMart là nền  kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định, GDP tăng cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam với thị trường hơn 90 triệu người tiêu dùng, trong đó đa phần là người trẻ và sựđô thị hóa mạnh mẽ nên ngành bán lẻ còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Không chỉ các doanh nghiệp mới, những doanh nghiệp đang hiện diện tại Việt Nam cũng mở rộng đầu tư. Ông Masaki Suzuki - Chủ tịch Công ty Dịch vụ tài chính Aeon (Nhật Bản) trong cuộc gặp Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ngày 25/2 cho biết, Aeon coi Việt Nam là địa bàn đầu tư trọng điểm tại Đông Nam Á. Aeon sẽ đầu tư 5 tỷ USD để mở 30 trung tâm thương mại quy mô lớn tại Việt Nam và dự kiến tạo việc làm cho 50.000 lao động.

Doanh thu bán lẻ Việt Nam dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 11,9% tới 2020, cao gần gấp 3 lần so với nước đứng vị trí tiếp theo tại Đông Nam Á. Năm 2018, Việt Nam xếp thứ hai thế giới về niềm tin người tiêu dùng khi ngành bán lẻ phát triển mạnh.

Giữa tháng 12/2018, Tập đoàn Central Group (Thái Lan) - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam - đã khai trương trung tâm thương mại GO! Mỹ Tho tại TP. Mỹ Tho (Tiền Giang). Tập đoàn này từng cho biết sẽ đổ thêm 500 triệu USD để mở 500 điểm bán lẻ tại Việt Nam trong 5 năm tới.

Chia sẻ tại Hội thảo Tương lai của bán lẻ Việt Nam do Công ty CP Vincom Retail tổ chức tại TP.HCM ngày 28/2, bà Rebecca Pearson - Phó giám đốc CBRE Châu Á cho rằng, Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới.

Cụ thể, GDP tăng trưởng ở mức trên 6% trong 10 năm qua và là mức cao nhất trong các nước ASEAN. Doanh thu bán lẻ Việt Nam dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 11,9% tới 2020, cao gần gấp 3 lần so với nước đứng vị trí tiếp theo tại Đông Nam Á.

Không chỉ vậy, năm 2018, Việt Nam xếp thứ hai thế giới về niềm tin người tiêu dùng khi ngành bán lẻ phát triển mạnh. Hiện đã có nhiều thương hiệu Việt Nam vươn ra thế giới, đáng chú ý là bán lẻ hàng điện tử, dịch vụ giao nhận...

Cạnh tranh theo chuỗi

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, khoảng 15 năm trước, không ai nghĩ Việt Nam có ngành công nghiệp bán lẻ nhưng giờ đây đã thành hiện thực. Ngành bán lẻ Việt Nam đã tăng trưởng 2 con số, cao hơn tăng trưởng GDP từ 1,5 - 2 lần.

Với bán lẻ hiện đại, kinh doanh theo chuỗi là mơ ước của các nhà bán lẻ và mở rộng chuỗi là xu thế tất yếu. Để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh gay gắt với sự tham gia của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới, các doanh nghiệp bán lẻ đều xây dựng hệ thống phân phối phủ rộng đến các tỉnh - thành. Trong đó, Vingroup sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 siêu thị Vinmart và 1.700 cửa hàng tiện lợi Vinmart+.

Kế hoạch của nhà bán lẻ này đến năm 2020 là sẽ mở rộng 200 siêu thị và 4.000 cửa hàng tiện lợi.

Ban-le-3-3675-1551758214.jpg

Đứng thứ hai thị trường về số lượng điểm bán là chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh của Thế Giới Di Động. Hiện tại, Bách hóa Xanh đã có 430 cửa hàng và đặt mục tiêu nâng lên 500 cửa hàng vào cuối năm nay.

Saigon Co.op - đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, cửa hàng Co.op Smile, Co.op Food đã xây dựng các chuỗi bán lẻ với hơn 600 điểm bán. Chỉ riêng mô hình siêu thị, doanh nghiệp này đã có chuỗi 111 Co.opmart tại nhiều tỉnh - thành.

Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, nhà bán lẻ nước ngoài cũng đã xây dựng hệ thống chuỗi với số lượng lớn. Chẳng hạn như Big C có 35 siêu thị, MM Mega Market (Thái Lan) có 19 trung tâm, Lotte Mart (Hàn Quốc) có 13 siêu thị và đại siêu thị... Trong đó, nhà đầu tư Hàn Quốc tham vọng đạt 60 siêu thị Lotte Mart tại Việt Nam vào năm 2020.

Chọn mặt bằng bán lẻ là vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất khi xây dựng và mở rộng chuỗi bán lẻ bên cạnh các yếu tố khác như chiến lược kinh doanh, nguồn lực tài chính, nhân lực, công nghệ. Xu hướng chung của các doanh nghiệp là lựa chọn trung tâm mua sắm có các điều kiện về công nghệ, môi trường thích hợp để phát triển cửa hàng vì có sự ổn định về thời gian thuê. Hơn nữa, các trung tâm thương mại còn là nơi vui chơi, mua sắm, kết nối người tiêu dùng với xu hướng hiện đại trên thế giới. 

Bà Trần Thu Hiền - Phó tổng giám đốc Kinh doanh - Marketing của Vincom Retail chia sẻ: "Xác định chiến lược phát triển trung tâm thương mại trở thành một cộng đồng kết nối các đối tác bán lẻ, mang đến không gian mua sắm hiện đại, sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng, Công ty đã xây dựng 4 thương hiệu trung tâm thương mại là Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza, Vincom+. Trong năm 2019, chúng tôi sẽ mở thêm 13 trung tâm thương mại Vincom với mô hình khác biệt hoàn toàn, nâng tổng số trung tâm thương mại lên con số 79, nâng tổng diện tích bán lẻ lên 1,6 triệu m2 mặt sàn".

Cuộc cạnh tranh mở chuỗi sẽ còn tiếp tục sôi động trong thời gian tới bởi theo cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam bỏ hạn chế đối với việc mở thêm điểm bán lẻ sau 5 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực.

Việc xóa bỏ hoàn toàn rào cản trong lĩnh vực bán lẻ sẽ khiến thị trường chuyển sang giai đoạn bùng nổ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Không chỉ có các nhà bán lẻ truyền thống, những tập đoàn thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba cũng nhanh chóng có mặt trực tiếp bởi thị trường Việt Nam có tốc độ tăng trưởng về tiêu dùng đứng đầu trong khu vực.

Theo: doanhnhansaigon.vn


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật