Thị trường kẹo ở Nhật Bản được dự báo sẽ suy giảm trong trung đến dài hạn, một phần do tỷ lệ sinh giảm của nước này...
Sự phát triển bùng nổ của các cửa hàng tiện ích tại khu vực Đông Nam Á đang mang lại cho các công ty sản xuất bánh kẹo quy mô trung bình của Nhật Bản một cơ hội mới để tiến vào thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng này.
Tờ báo Nikkei cho biết, mạng lưới phân phối đã được thiết lập vững vàng của các cửa hàng tiện ích giúp các công ty bánh kẹo nhỏ hơn của Nhật Bản có ngay được kênh bán hàng - điều mà trước đó vốn là trở ngại lớn nhất đối với họ tại khu vực Đông Nam Á.
Với cơ hội mới được mở ra, các công ty bánh kẹo Nhật bắt đầu những bước tiến đầy tham vọng vào thị trường này, trong đó một công ty thậm chí đã quyết định sản xuất tại chỗ.
Công ty Yuraku Confectionery sẽ bắt đầu sản xuất kẹo thanh chocolate nổi tiếng hiệu Black Thunder tại Indonesia. Hãng kẹo có trụ sở ở Tokyo này đã mở một liên doanh 4,65 triệu USD với hãng kẹo Delfi của Singapore, trong đó công ty Nhật nắm 40% cổ phần. Liên doanh sẽ sử dụng nhà máy hiện có của Delfi ở Indonesia và bổ sung thêm một dây chuyền sản xuất kẹo Black Thunder.
Yuraku bắt đầu xuất khẩu kẹo Black Thunder vào năm 2011. Sản phẩm này hiện đã có mặt tại Mỹ, Đài Loan và một số thị trường khác, nhưng doanh thu xuất khẩu mới chỉ đạt khoảng 940.000 USD mỗi năm, chiếm khoảng 1% tổng doanh thu của công ty.
Yuraku muốn mở rộng thị trường tại khu vực Đông Nam Á bằng cách lấy Indonesia làm bàn đạp, đặt mục tiêu tăng doanh thu xuất khẩu kẹo Black Thunder 10 lần trong vòng 5 năm tới.
Một công ty kẹo khác có trụ sở ở Tokyo là Tirol-Choco đang ra sức mở rộng thị trường ở Đông Nam Á. Sau khi đã đưa các sản phẩm kẹo chocolate vào thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, hãng này bắt đầu tiến vào Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines vào đầu năm 2018.
Kẹo chocolate của Tirol-Choco thường được bày gần quầy thanh toán tại các cửa hàng tiện ích ở Nhật và có nhận diện thương hiệu cao. Doanh thu của công ty này hàng năm đạt khoảng 75 triệu USD, trong đó doanh thu từ thị trường nước ngoài mới chiếm khoảng 5%. Tirol-Choco hy vọng việc tiến vào thị trường Đông Nam Á sẽ giúp nâng tỷ lệ doanh thu từ thị trường nước ngoài lên 20% trong 10 năm.
Amehamaseika, một hãng kẹo Nhật nữa, cũng đã bắt đầu xuất khẩu sản phẩm sang Thái Lan, Việt Nam và Malaysia. Trước đó, kẹo của Amehamaseika đã có mặt tại thị trường Hàn Quốc và Mỹ.
Thị trường kẹo ở Nhật Bản được dự báo sẽ suy giảm trong trung đến dài hạn, một phần do tỷ lệ sinh giảm của nước này. Trong khi đó, thị trường kẹo tại các nước châu Á khác vẫn tăng trưởng nhờ dân số tăng, mở ra cơ hội tăng trưởng trong tương lai cho các hãng kẹo Nhật.
Người tiêu dùng Đông Nam Á rất chuộng bánh kẹo Nhật Bản, nhất là khi du khách trở về từ Nhật thường mang theo nhiều bánh kẹo của đất nước hoa anh đào. Các hãng kẹo Nhật xem đây là một cơ hội quý giá để tăng doanh số.