Các xu hướng công nghệ sẽ thống lĩnh ngành bán lẻ 2019
Sự kết hợp của Internet vạn vật (IoT) và điện toán đám mây (cloud computing)
Chuỗi cửa hàng cà phê danh tiếng Starbucks gần đây đã kết hợp với Microsoft để kết nối máy móc pha chế trong cửa tiệm với đám mây lưu trữ dữ liệu thông qua hệ thống IoT Azure Sphere của Microsoft.
Thông qua màn hình hiển thị, các cửa hàng Starbucks giờ đây có thể theo dõi chính xác số lượng cà phê bán ra, nhờ đó mà biết được khách hàng đang ưa chuộng những loại thức uống nào theo thời gian thực. Chưa hết, khi chuỗi cửa hàng cà phê này cập nhật công thức pha chế thức uống mới, hãng có thể đưa chúng vào các thiết bị pha chế có kết nối với đám mây ngay lập tức, thay vì phải truyền dữ liệu bằng cách cắm USB truyền thống như trước.
Starbucks nhận định phát kiến này sẽ giúp mang lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn, đồng thời đảm bảo nước uống luôn giữ được chất lượng, giảm thiểu tồn dư, quản lý năng lượng tiêu thụ và giúp bảo trì máy móc đúng lúc.
"Mỗi cửa hàng Starbucks thường được trang bị 15-20 thiết bị", Jeff Wile, phó chủ tịch cấp cao của công ty cho hay. "Từ nay mỗi máy móc sẽ được quản lý và bảo trì đúng thời điểm, nhờ vậy chi phí chi trả cho những lần bảo trì dư thừa sẽ được xóa bỏ".
Wile thừa nhận Starbucks vào cuộc trễ và chỉ bắt đầu "cuộc di cư lên đám mây" từ khoảng ba năm trước. Tuy vậy hãng đang nỗ lực làm việc cùng Microsoft, và công ty sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới cũng đang cử những kỹ sư cốt cán sang giúp Starbucks hoàn thành bước chuyển đổi mình này.
"Chúng ta đang chứng kiến ngành bán lẻ đặt những bước chân lên đám mây (cloud)," Greg Jones, người đứng đầu phòng chiến lược kinh doanh mảng bán lẻ toàn cầu của Microsoft nói trong một phỏng vấn. "Những nhà bán lẻ đang yêu cầu chúng tôi thay đổi và tái tạo lại hoạt động kinh doanh của họ, hướng tới mục tiêu thay đổi trải nghiệm khách hàng tại các cửa hàng."
Xu hướng cửa hàng không cần thanh toán sẽ lên ngôi
Loại hình cửa hàng nói không với sự hiện diện của các quầy thanh toán là một trong những xu hướng nóng nhất ngành bán lẻ hiện tại. Amazon hiện đang dẫn đầu đường đua với chuỗi cửa hàng Amazon Go và nhận được rất nhiều phản ứng tích cực từ khách hàng.
Tại sự kiện "Retail's Big Show", Intel đã trưng bày mô hình cửa hàng không cần thanh toán và máy bán hàng thông minh do hãng hợp tác cùng gã khổng lồ JD.com của Trung Quốc tạo nên. Người phát ngôn của JD.com cho hay công ty đến với sự kiện nhằm khám phá tiềm năng mang loại hình cửa hàng mới tại Mỹ và các quốc gia khác.
Nhiều nhà bán lẻ khác cũng tỏ ra rất hứng thú với cơn gió lạ này. Zippin đã nhanh chóng bước vào đường đua, đối đầu trực tiếp với Amazon. Công ty đã cho ra mắt một cửa hàng không cần thanh toán rộng 14 mét vuông tại San Francisco. Đây cũng là nơi tọa lạc của hai cửa hàng Amazon Go.
Ông Motukuri, CEO và đồng sáng lập của Zippin chia sẻ: "Sự xuất hiện của Amazon Go đã trở thành động lực cho chúng tôi. Nhiều nhà bán lẻ bắt đầu để mắt tới công nghệ xây dựng cửa hàng không cần thanh toán của Zippin sau khi Amazon Go chính thức ra mắt vào năm ngoái". Zippin hiện đã trở thành nhà cung cấp công nghệ cho nhiều doanh nghiệp bán lẻ và nhiều cửa hàng không cần thanh toán sẽ xuất hiện nhiều hơn trong năm 2019.
Sự bành trướng của người máy và máy bay không người lái
Khách hàng hiện đại giờ đây đa số đặt hàng trực tuyến, tuy nhiên, vẫn phát triển hệ thống cửa hàng thực để tăng trải nghiệm của khách hàng. Điều này khiến các nhà bán lẻ chú trọng đầu tư và cải thiện trải nghiệm tại các cửa hàng thực nhiều hơn bao giờ hết. 2019 sẽ lại là một năm họ mải miết tìm thêm phương thức để loại bỏ bóng dáng nhân viên trong cửa hàng. Các doanh nghiệp bán lẻ mong muốn giải phóng nhân lực của mình khỏi những công việc vụn vặt thường ngày và tập trung hơn vào chăm sóc khách hàng.
Amazon hiện tại đang sở hữu hơn 100.000 rô bốt giúp sắp xếp hàng hóa. Điều này khiến những đối thủ còn lại trên đường đua bán lẻ cũng đứng ngồi không yên. Tại sự kiện "Retail's Big Show", Tompkins Robotics đã giới thiệu dòng rô bốt tự lái t-Sort giúp sắp xếp hàng hóa, từ đó giảm thiểu thời gian xử lý đơn hàng. Các rô bốt này vượt trội hơn rô bốt của Amazon nhờ tính năng di chuyển và tự định hướng giữa các kệ hàng.
Công ty hiện đang là đối tác của bốn trong số 15 nhà bán lẻ hàng đầu nước Mỹ, chủ tịch Mike Futch của Tompkins chia sẻ. Rất nhiều khách hàng của họ muốn tận dụng rô bốt trong các cửa hàng quy mô lớn nhằm hoàn thành các đơn hàng trong ngày, thậm chí của ngày hôm sau.
Bên cạnh rô bốt, các nhà bán lẻ cũng đang ráo riết phát triển máy bay không người lái (drone) nhằm giúp quản lý hàng hóa trên kệ, hạn chế trường hợp sản phẩm bị đặt nhầm kệ hay hết hàng.
Chủ tịch và CEO của Pensa System, công ty nghiên cứu và phát triển drone dùng trong bán lẻ cho hay: "Kệ hàng tại những cửa hàng bán lẻ giống như những hố đen vũ trụ. Không một phát kiến nào có thể giúp nhận biết những hàng hóa đang có trên đó, và chúng tôi đang cố gắng thay đổi điều này."
Drone không phải là phương thức duy nhất giúp giám sát hàng hóa trên kệ. Trong năm 2019, chuỗi siêu thị Giant Food Stores sẽ ứng dụng Marty, một loại rô bốt có gắn camera quan sát, trong khắp 172 cửa tiệm của mình.
"Chúng tôi muốn giải phóng nhân viên để họ chú trọng hơn tới chăm sóc khách hàng", Nicholas Betram, chủ tịch của công ty phát biểu. "Hiện tại chúng tôi chính là doanh nghiệp kinh doanh siêu thị ứng dụng rô bốt với quy mô lớn nhất."
Tạm biệt các nhãn giá bằng giấy
Các nhà bán lẻ đang tìm cách loại bỏ các nhãn và bảng giá bằng giấy truyền thống. Doanh nghiệp bán lẻ nổi tiếng Kroger hiện đang kết hợp với Microsoft để tạo ra các kệ hàng điện tử. Những kệ hàng này sẽ được kết nối với ứng dụng riêng của Kroger. Khi khách hàng đi qua, các bảng điện tử gắn ngay kệ sẽ phát sáng và hiển thị mọi thông tin cần biết về sản phẩm. Điều này giúp tiết kiệm giấy dùng để làm bảng và nhãn giá, đồng thời thu hút sự chú ý của khách hàng nếu sản phẩm hiện đang khuyến mãi bằng hiển thị màu sắc hay hiệu ứng khác biệt ngay trên bảng điện tử. Kroger thậm chí còn có thể sử dụng không gian của các bảng điện tử này làm bảng quảng cáo cho các nhãn hàng tiêu dùng. Không dừng lại ở đó, công ty còn đang chế tạo một nền tảng tự động bán quảng cáo trên bảng giá điện tử, giúp các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng điều chỉnh dòng chi phí quảng cáo theo chiều hướng hiệu quả hơn.
"Chúng tôi muốn thương mại hóa thế giới bán lẻ", Peter Thelen, chủ tịch của Sunrise Technologies trực thuộc Kroger bày tỏ.
Andria Cheng
Theo nguồn: Forbes Vietnam
TIN CŨ HƠN
- Nhiều mặt hàng tăng giá 20- 30% dịp Tết
- Trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi mở cửa xuyên Tết
- Kinh doanh shop nhỏ lẻ có ăn nên làm ra trong năm 2018?
- Qmart khai trương siêu thị 3.000m2 tại Hà Đông
- Cửa hàng tiện lợi trỗi dậy
- Những xu hướng trong ngành bán lẻ năm 2019
- Mở tới gần 240 cửa hàng chỉ trong 1 tháng, VinMart+ đã áp đảo hoàn toàn so với các đối thủ
- Cú thanh lọc nửa đêm, sáng ra cả ngàn mẹ bỉm sữa online chao đảo
- Cửa hàng tiện lợi trỗi dậy
- Ngành bán lẻ thời trang cần chú ý điều gì trong năm 2019?