Cao trào cuộc chiến giữa các chuỗi cà phê

Thông tin Starbucks đóng cửa quán cà phê định vị cao cấp, tọa lạc ở trung tâm TP HCM và luôn đông khách khiến nhiều người bất ngờ, nhưng giới kinh doanh lại cho rằng đó là điều tất yếu

Hơn 10 giờ ngày 21-8, quán cà phê Starbucks Reserve trên đường Hàn Thuyên (quận 1, TP HCM) liên tục đón những vị khách mới. Bên trong quán, cả dưới đất lẫn trên lầu đều gần như không có bàn trống. Nhân viên thu ngân lẫn bảo vệ quán này cho biết lượng khách tăng cao từ khi quán thông báo sẽ đóng cửa vào ngày 26-8. Khả năng, vào thứ bảy và chủ nhật tới (24 và 25-8), lượng khách sẽ tăng vọt do nhiều bạn trẻ sẽ đến "check-in" chia tay quán cà phê phân khúc cao cấp duy nhất của Starbucks ở TP HCM này.

Cạnh tranh vị trí trung tâm

Thông tin Starbucks đóng cửa quán cà phê định vị cao cấp, tọa lạc ở vị trí trung tâm TP HCM và luôn đông khách kể từ khi mở cửa hoạt động đến nay khiến nhiều người bất ngờ nhưng giới kinh doanh lại cho rằng đó là điều tất yếu.

Chuyên gia thương hiệu - TS Võ Văn Quang chỉ ra rằng Starbucks Reserve đã hoạt động được 7 năm, đồng nghĩa với thương hiệu này đã gồng lỗ 7 năm để trang trải chi phí mặt bằng tại địa điểm này, được cho là đến 750 triệu đồng/tháng. "Starbucks Reserve có vài món cà phê độc đáo, thuộc dạng cà phê hiếm, vị trí mặt bằng không phải quá đẹp, cách bày trí, hiệu ứng thị giác của quán không đặc biệt và vẫn theo phong cách gọi món, trả tiền tại quầy. Đây là một phiên bản thử nghiệm chưa thành công của Starbucks ở phân khúc cà phê cao cấp, giá nước uống trung bình 100.000 đồng trở lên" - TS Võ Văn Quang phân tích.

Chuyên gia này cũng chỉ ra một xu hướng các chuỗi cà phê đóng cửa những điểm bán ở khu vực trung tâm, chuyển dịch về các khu đô thị mới, hiện đại với tệp khách hàng trẻ. Khu vực trung tâm quận 1 nhường lại cho những thương hiệu đẳng cấp, mang tầm di sản, có tính văn hóa, mỹ thuật và nghệ thuật cao.

chot-11-17242491198971702736093-1724289791152-17242897915531029669083.jpegQuán cà phê Starbucks Reserve tại TP HCM sẽ đóng cửa từ ngày 26-8

Báo cáo thị trường F&B tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 vừa được công ty nghiên cứu thị trường iPOS.vn công bố ngày 21-8 cho thấy mức chi cho việc "đi cà phê" của người dân đã giảm mạnh và tần suất cũng giảm đáng kể so với năm 2023. Đặc biệt, tỉ lệ người chi tiêu trên 100.000 đồng/ly đã giảm mạnh từ 6% còn 1,7%, ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thương hiệu ở phân khúc cao cấp như Starbucks, %Arabica, The Coffee Bean & Tea Leaf...

Người tiêu dùng cũng giảm tần suất đi cà phê do áp lực công việc tăng cao và kinh tế khó khăn khiến họ cân nhắc kỹ hơn với những chi tiêu không thiết yếu. Theo đó, có tới 41,7% người được hỏi chỉ thỉnh thoảng đi cà phê và 32,3% đi cà phê với tần suất 1-2 lần/tuần; 16,2% đi cà phê 3-4 lần/tuần.

Trong khi đó, thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Mibrand cho thấy Việt Nam hiện có hơn 500.000 quán cà phê với doanh thu khoảng 1,46 tỉ USD. Các chuỗi cà phê lớn liên tục mở rộng quy mô, tạo nên sự thống nhất về không gian, dịch vụ và chất lượng trên toàn hệ thống. Những chuỗi nhỏ hơn cũng đang nỗ lực chiếm lĩnh các khu vực then chốt khiến lĩnh vực kinh doanh này trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

3 xu hướng chính

Về tương lai các mô hình kinh doanh cà phê, ông Đỗ Duy Thanh dự báo có 3 xu hướng chính: cửa hàng nhỏ lấy công làm lời, các chuỗi cà phê có thương hiệu mở thêm chi nhánh và phân khúc mới là cà phê đặc sản, chất lượng cao. Đây là phân khúc được giới trẻ ưa chuộng với thị phần khoảng 3%-5% và họ đòi hỏi cao về truy xuất nguồn gốc, cách chế biến...

Theo Thanh Nhân

Người Lao động


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật