CEO chuỗi cửa hàng giày túi Juno Nguyễn Quốc Tuấn: Bản năng đàn ông sẽ có khuynh hướng yêu chiều và làm hài lòng khách hàng nữ hơn!
Theo số liệu của Forbes, Việt Nam được xem là công xưởng của thế giới trong ngành da giày. Hiện Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép. Ngành da giày là nơi làm việc của khoảng 1 triệu lao động và hơn 1.514 doanh nghiệp. Phần đông là doanh nghiệp quy mô nhỏ, chỉ 3% doanh nghiệp ngành này có quy mô trên 5.000 lao động.
Tuy nhiên cũng giống như ngành dệt may, hiện điểm yếu của các công ty da giày, túi xách là thương hiệu yếu, phần lớn là làm gia công (OEM) với biên lợi nhuận thấp. Xây dựng một thương hiệu Made in Việt Nam là ước mơ của không ít doanh nghiệp trong ngành.
Khi nam giới đi bán giày phụ nữ
Năm 2005, thương hiệu Juno ra đời với sự tham gia của 3 chàng trai xuất thân là dân kỹ thuật. Tuy nhiên suốt 10 năm phát triển, Juno vẫn vô cùng mờ nhạt như bao cái tên khác trên thị trường trước sức ép của giày Trung Quốc. Giai đoạn này Juno vẫn chỉ có 4 cửa hàng. Thế nhưng, kể từ khi lọt vào "mắt xanh" của Seedcom - một công ty chuyên đầu tư vào các startup, Juno bỗng lột xác.
Seedcom vốn được xem là "bà đỡ mát tay" của không ít startup và hiện đã trở thành những doanh nghiệp lớn như Thế giới di động, Tiki, Concung, The Coffee House, giaohangnhanh…
Tháng 8/2015, Juno được tăng vốn điều lệ từ 6 tỷ đồng lên 31,4 tỷ đồng. Đến tháng 5/2016, vốn điều lệ được tăng tiếp lên 37,4 tỷ đồng. Từ 4 cửa hàng ban đầu, sau 3 năm nhận đầu tư từ Seedcom, hiện chuỗi Juno đã có 81 cửa hàng. Đầu tư vào Juno, Seedcom không chỉ đóng vai trò của một quỹ đầu tư mà tham gia điều hành, sản xuất và cả bán hàng với sự tham giam của đồng sáng lập Thế giới di động - Đinh Anh Huân.
"Đối tượng khách hàng của Juno là từ 18-40 tuổi, tức khoảng 22 triệu người tại thị trường Việt Nam, chia đôi ra là có khoảng 10 triệu phụ nữ. 10 triệu phụ nữ là một thị trường rất lớn, đặc biệt chị em phụ nữ mỗi năm thường mua 3-4 đôi giày, nên 1 năm thị trường phải cần mấy chục triệu đôi giày. Dù trong nước có một vài thương hiệu, nhưng chỉ chiếm rất nhỏ, chưa tới 1% thị trường, còn chủ yếu vẫn là hàng Trung Quốc không có thương hiệu", ông Huân từng chia sẻ về tầm nhìn của Juno trên một tạp chí cách đây không lâu.
"Làm sao chị em cứ đi vài cây số là có 1 cửa hàng giày của Juno", nhà đầu tư từ Seedcom đặt mục tiêu về chiến lược phát triển chuỗi của Juno. Ông Huân và ban lãnh đạo Juno sớm nhìn thấy tiềm năng của phân khúc khách hàng đại chúng với mức giá khoảng 300.000 đồng và mua vài đôi mỗi năm.
"Thực sự mọi người nghĩ phụ nữ sẽ hiểu khách hàng nữ giới nhiều hơn và thậm chí chúng ta hay đùa nhau phụ nữ cũng không biết họ muốn gì? Với tôi quan điểm đó ngược lại, bản năng của một người đàn ông sẽ có khuynh hướng yêu chiều và làm hài lòng phụ nữ. Với tôi bản năng đó sẽ giúp cho nam giới hiểu và biết cách làm cho nữ giới thích hơn", CEO Nguyễn Quốc Tuấn chia sẻ khi được hỏi lý do khởi nghiệp trong ngành phục vụ khách hàng nữ giới.
Ông Tuấn là thành viên sáng lập duy nhất còn ở lại Juno. Ông Tuấn có chuyên môn về công nghệ thông tin, từng du học tại Pháp và có kinh nghiệm làm việc cho các chương trình phát triển hệ thống thông tin.
CEO Juno cũng từng có thời gian khởi nghiệp một mạng xã hội sức khỏe hướng tới đối tượng là các bà bầu. Quá trình tìm hiểu về sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ nuôi con và những trải nghiệm liên quan đến người dùng nữ đã giúp doanh nhân này hiểu hơn về phụ nữ. Kinh nghiệm từ làm mạng xã hội cũng giúp ông hiểu rằng nữ giới thường chịu khó chia sẻ trên mạng xã hội nhiều hơn nam giới.
"Với chúng tôi, phụ nữ không khó hiểu chỉ là bạn có đủ lắng nghe họ hay không? Ví dụ rõ nhất cho việc lắng nghe của chúng tôi với khách nữ của Juno, chẳng hạn chúng tôi biết được các chị em vẫn luôn rất thích "trai đẹp, sáu múi" (dù không nói ra). Chính vì thế mà Juno từng ra chiến dịch quảng cáo "Soái ca gói quà" và được đón nhận vượt sự mong đợi của đội ngũ thực hiện", ông Tuấn chia sẻ thêm.
Ông Đinh Anh Huân - Sáng lập Seedcom (ngoài cùng bên phải) và các sáng lập viên của một số startup như Tiki, Juno hay Balohanghieu.
Học hỏi nhiều từ các "đàn anh"
Việc đầu tư của Seedcom, ngoài bề đỡ về tài chính, Juno còn được hỗ trợ không nhỏ bởi kinh nghiệm xây dựng thành công chuỗi bán lẻ điện thoại Thế giới di động của ông Đinh Anh Huân, với tôn chỉ đặt khách hàng lên vị trí số 1.
"Khách hàng ở đâu, chúng tôi có mặt ở đó. Từ hotline, Website cho đến Instagram, Facebook cho tới những chương trình tạo được tiếng vang như Ngày hội Black Friday, clip viral hay kết hợp cùng ca sĩ Bích Phương và nhiều người nổi tiếng khác", CEO Nguyễn Quốc Tuấn chia sẻ thêm.
Ngoài các kênh truyền thông phổ biến, việc tìm ra các phương thức truyền thông phù hợp và tối ưu với từng nhóm khách hàng cũng là nhiệm vụ quan trọng. Chẳng hạn khi nhận ra khách hàng ở khu vực miền Tây sử dụng Zalo nhiều hơn Facebook, bộ phận bán hàng và marketing của Juno đã đẩy mạnh tiếp cận nhóm khách hàng tại khu vực này trên kênh Zalo. Song song với phát triển mạnh các kênh online, các cửa hàng vẫn tiếp tục được mở mới không ngừng, bởi thực tế phần đông người tiêu dùng Việt vẫn thích đến cửa hàng để trải nghiệm mua sắm.
Một cửa hàng Juno.
"Quan điểm của chúng tôi là không tập trung vào kênh online hay offline, chỉ cần biết khách hàng ở đâu, chúng tôi sẽ tìm cách tiếp cận ở đấy, càng nhiều càng tốt. Mua online hay offline là tùy khách, việc của chúng tôi là đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất, từ sự tiện lợi, đơn giản cho đến dịch vụ giao nhận, vị trí đặt cửa hàng", ông Tuấn cho biết.
Trong quá trình mở rộng liên tục của chuỗi cửa hàng bán lẻ, công nghệ sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống, đặc biệt khi mở rộng quy mô.
Juno cũng không đứng ngoài dòng chảy đó. Doanh nghiệp này hiện đang tập trung vào hai thứ: Một là dữ liệu khách hàng, hệ thống lưu trữ dữ liệu. Thứ hai là tự động hóa. Làm sao giảm người vận hành mà vẫn giao tiếp thường xuyên với khách hàng. 3 năm trước, Juno có 10 nhân viên thay nhau túc trực trả lời tin nhắn của khách hàng trên Facebook. Hiện tại chỉ còn 5 nhân viên nhưng lượng khách hàng đã tăng lên 20 lần.
Bên cạnh đó là việc sử dụng các phần mềm để quản lý linh hoạt từ khâu thiết kế, sản xuất, vận hành cho đến khi đưa sản phẩm ra thị trường, xuất nhập kho, quản lý nhân viên tại cửa hàng. Công nghệ cũng giúp nhà quản lý tính toán được số lượng sản phẩm đưa ra thị trường, lượng hàng tồn kho để chủ động sản xuất, phân phối.
Ngoài đầu tư vào công nghệ, việc tạo khác biệt với việc nâng cao trải nghiệm khách hàng cũng là yếu tố quan trọng trong kinh doanh bán lẻ. Với chính sách đổi trả 90 ngày và chính sách giao hàng nhanh miễn phí trong 2 giờ (như cách Tiki hay TGDĐ đang thực hiện), được kỳ vọng sẽ là điểm cộng đáng kể của Juno đối với việc gia tăng trải nghiệm của khách hàng.
Theo: Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- Chai tương cà dốc ngược: “Huyệt tâm lý” đơn giản nhưng mang lại doanh số đánh bại mọi đối thủ của Heinz
- [Marketing thời 4.0] Xâm nhập tiềm thức, thay đổi thói quen: P&G biến một sản phẩm không ai cần trở thành một nhãn hàng giá trị tỷ đô
- Trạm sạc xe điện VinFast Klara xuất hiện tại hệ thống Vinmart+, hoàn toàn miễn phí
- Góc khuất trong cuộc chiến giao đồ ăn: Hàng chục shipper Grabfood “quây” cửa hàng đợi đến lượt order và chờ chế biến!
- MINISO phát triển vượt bậc nhờ nhất quán trong triết lý thương hiệu và thiết kế sản phẩm
- Tìm ra công thức chuẩn "thịt tươi cá lội", chuỗi Bách Hóa Xanh được tăng vốn 1.250 tỷ đồng để nâng cấp các cửa hàng cũ và mở rộng hệ thống
- Cú rẽ bất ngờ: Coca và 7-Up từ thuốc đau đầu, thuốc an thần trở thành 2 thương hiệu giải khát đình đám như thế nào?
- Cùng là ô tô “made in Vietnam”, sản phẩm của VinFast đã chính thức trình làng, còn Vinaxuki đang ở đâu?
- Grab rục rịch lấn sân sang cả bán quảng cáo trên xe, khả năng còn mạnh hơn cả Facebook?
- Chàng trai gốc Việt sở hữu đế chế nhà hàng nem cuốn đang 'xâm chiếm' khắp nước Úc, tăng trưởng 800%, thu về hàng chục triệu USD mỗi năm