CEO đồng hồ Curnon chia sẻ “hậu” Shark Tank: Chúng tôi là thương hiệu đồng hồ đầu tiên của Việt Nam, cho thị trường Việt Nam, thiết kế bởi người Việt Nam

Nếu khán giả đã từng ấn tượng với phần tranh đấu quyết liệt giữa 5 Shark để rót vốn cho startup công nghệ ViralWorks trong tập 1, thì lần này, cuộc chiến còn tiếp tục gay cấn hơn với 2 liên minh “cá mập” được hình thành để “săn mồi”.
CEO đồng hồ Curnon chia sẻ “hậu” Shark Tank: Chúng tôi là thương hiệu đồng hồ đầu tiên của Việt Nam, cho thị trường Việt Nam, thiết kế bởi người Việt Nam
 
Xuất hiện trong tập 3 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2, startup đồng hồ Curnon đã nhận được sự quan tâm của 4/5 Shark trong chương trình. Họ cũng là số ít startup được Shark Link nồng nhiệt gọi mời, thay vì câu nói quen thuộc "Chị quyết định không đầu tư".

Dưới đây là phần trao đổi ngắn của chúng tôi với hai trong số ba nhà sáng lập thương hiệu đồng hồ Curnon, CEO Nguyễn Quang Thái và CFO Trịnh Anh Đức, ngay sau khi chương trình lên sóng.


* Trước tiên chúc mừng hai anh vì thương vụ thành công vừa rồi? Để làm được như vậy các anh có cần chuẩn bị lâu không?

Nguyễn Quang Thái: Dĩ nhiên chúng tôi cần chuẩn bị kỹ rồi, vì chúng tôi xác định mình sẽ nói chuyện với các Shark, những người am hiểu sâu về các lĩnh vực như thương mại, công nghệ... chứ không phải doanh nhân bình thường.

Chúng tôi có chuẩn bị các số liệu nhất định, để các Shark nhìn thấy trong thời gian 1 năm rưỡi vừa qua chúng tôi đã hoạt động thế nào và định hướng trong tương lai chúng tôi sẽ phát triển thế nào.

CEO đồng hồ Curnon chia sẻ “hậu” Shark Tank: Chúng tôi là thương hiệu đồng hồ đầu tiên của Việt Nam, cho thị trường Việt Nam, thiết kế bởi người Việt Nam - Ảnh 2.

CFO Trịnh Anh Đức.

* Theo anh điểm nào của Curnon khiến nhà đầu tư bị thu hút? Founder thuyết phục, tiềm năng thị trường, hay do startup cũng đã có cửa hàng và doanh thu nên nhà đầu tư cảm thấy yên tâm?

Trịnh Anh Đức: Câu này tôi nghĩ nên hỏi các Shark (cười), nhưng chắc là tất cả các yếu tố trên.

*Các anh cho biết phần trình bày thực tế dài 2 tiếng, nghĩa là màn thương thuyết khá dài và căng thẳng? Có điểm nào ở phiên bản truyền hình các anh muốn bổ sung thêm không?

Nguyễn Quang Thái: Thực ra ban tổ chức rất khéo, tất cả những gì họ lấy đưa lên truyền hình đều là điểm chính của 2 tiếng rồi, phần còn lại chỉ là chi tiết thêm.

Trịnh Minh Đức: Có một số phần, ví dụ như một Shark hiểu rồi nhưng những Shark khác chưa hiểu hoặc muốn hiểu sâu hơn thì chúng tôi phải giải thích lại, nên bị lặp ý và được cắt đi. Còn ý chính thì chúng tôi nghĩ đã thể hiện rõ rồi.

"Chúng tôi chọn deal không dựa trên số tiền đầu tư"

* Shark Dzung Nguyễn và Louis Nguyễn đầu tư 5 tỷ đồng, trong đó 3 tỷ đồng cho 20% cổ phần và 2 tỷ còn lại là khoản vay chuyển đổi ở mức 25% chiết khẩu nếu đạt KPI.

Shark Linh và Shark Hưng đầu tư 6 tỷ đồng cho 45% cổ phần công ty, và sẽ trả lại con số 20% cho vòng gọi vốn thứ 2 nếu Curnon đạt KPI.

Các anh lựa chọn thế nào khi số vốn đầu tư tương đối ngang nhau?

Nguyễn Quang Thái: Chúng tôi chọn deal không dựa trên số tiền đầu tư, mà chúng tôi còn nhìn vào yếu tố chiến lược của Shark: Các Shark có thể đóng góp những gì vào startup của mình.

Khi nhận được đề nghị của cả 2 bên, chúng tôi phải bắt đầu cân đối, suy nghĩ xem những startup trong quá khứ của các Shark là gì, làm sao để chúng tôi có lợi trong những vòng gọi vốn sau nữa, vì rõ ràng chúng tôi không chỉ gọi vốn trong vòng này.

Khi xem trên truyền hình, bạn sẽ thấy Shark Dzung Nguyễn nói về phần này rất nhiều và đó là lý do chúng tôi lựa chọn.

Trịnh Anh Đức: Có một phần thời gian ban tổ chức cắt đi là thời gian chúng tôi đắn đo. Trên truyền hình có thể rất nhanh nhưng thực tế không như vậy. Các Shark sẽ đưa ra luận điểm, chiến lược các Shark có thể áp dụng, đường hướng phát triển ra sao.

Tất cả các Shark đều có kinh nghiệm nhưng dĩ nhiên khi lựa chọn, tài chính chỉ là một phần. Số vốn cả 2 phía đề ra đều tương đương nhau, nhưng chúng tôi chọn Shark Dzung Nguyễn, vì một phần trong ấy là khoản vay, và khoản vay này dựa vào sự phát triển của Curnon trong tương lai. Nếu chúng tôi càng phát triển, giá trị công ty càng cao thì tỷ lệ sở hữu chúng tôi trao cho các nhà đầu tư sẽ ít đi, và như vậy sẽ có lợi hơn cho startup.

Trong deal của Shark Dzung Nguyễn và Shark Louis, có 3 tỷ đầu tư cho 20% cổ phần, đồng nghĩa công ty định giá ở mức 15 tỷ. Nếu Curnon đạt KPI, trong vòng sau gọi vốn, các Shark sẽ chuyển khoản 2 tỷ đã cho vay thành cổ phần và lấy mức chiết khấu 25%. 

Ví dụ ở vòng sau, giá trị công ty được nâng lên là 50 tỷ, sau khi chiết khấu 25% sẽ tương đương 37,5 tỷ. Lúc này 2 tỷ Shark cho vay đổi ra cổ phần sẽ tương đương 2:37,5x100%=5,3%. Cộng với tỷ lệ sở hữu ban đầu, các Shark có 25,3% cổ phần.

Tương tự khi giá trị công ty lên 100 tỷ trong vòng gọi vốn sau, tổng số cổ phần các Shark nắm giữ sẽ chỉ còn 22,6%.

"Chúng tôi là thương hiệu đồng hồ đầu tiên của Việt Nam, cho thị trường Việt Nam, thiết kế bởi người Việt Nam"

* Có ý kiến cho rằng máy mua của Nhật Bản, sản xuất tại Trung Quốc và chỉ có thiết kế là do người Việt nên rào cản gia nhập thị trường sẽ không khó, các anh nghĩ sao?

Nguyễn Quang Thái: Đây cũng là một trong số câu hỏi tất cả các Shark đều đặt ra với chúng tôi. Quay lại bài toán chúng tôi có lợi thế cạnh tranh gì trong thị trường?

Tôi nghĩ sản phẩm Curnon không có lợi thế gì ngoài thương hiệu. Dĩ nhiên bất kỳ ai cũng có thể thiết kế ra một sản phẩm tương tự, nhưng chúng tôi có điểm mạnh ở thời điểm hiện tại, như trình bày trong Shark Tank, đó là chúng tôi có khả năng tung ra sản phẩm mới liên tục sau 2 tuần. Nguyên nhân là vì chúng tôi có quy trình sản xuất đồng nhất và có đội ngũ thiết kế riêng, cộng thêm lợi thế thương hiệu nữa.

CEO đồng hồ Curnon chia sẻ “hậu” Shark Tank: Chúng tôi là thương hiệu đồng hồ đầu tiên của Việt Nam, cho thị trường Việt Nam, thiết kế bởi người Việt Nam - Ảnh 4.

CEO Nguyễn Quang Thái.

Trịnh Anh Đức: Mọi người mới chỉ nhìn lợi thế cạnh tranh về ý tưởng, về sản phẩm mà hay bỏ quên lợi thế về vận hành, chiến lược phát triển. Với sản phẩm như Curnon, phần nhiều lợi thế đi từ việc chúng tôi có chiến lược vận hành, chiến lược tung sản phẩm, chiến lược làm thương hiệu thế nào.

Giống như các sản phẩm quần áo, phụ kiện thời trang… tất cả lợi thế nằm ở thương hiệu, ở cách phát triển và vận hành thôi.

* Nói về thương hiệu, Daniel Wellington cũng là thương hiệu có giá "mềm" và có chỗ đứng ở Việt Nam. Nếu so với họ, có phải các anh có lợi thế vì là thương hiệu Việt không?

Nguyễn Quang Thái: Đấy cũng là một yếu tố. Thực ra có một thông tin rất hay đó lượng người Việt Nam truy cập vào website của thương hiệu đồng hồ Daniel Wellington (DW) chỉ đứng thứ 2 trên toàn thế giới, sau Mỹ. Điều này cho thấy người Việt chuộng sản phẩm đồng hồ thời trang trong tầm giá khoảng 3-4 triệu.

Nói về đối thủ cạnh tranh hiện tại, đúng là ở thị trường Việt Nam chúng tôi chỉ có một đối thủ cạnh tranh với phân khúc gần gần nhau là DW, nhưng lối đi của cả hai bên khác nhau. Nếu nhìn vào danh sách sản phẩm các bạn sẽ thấy rõ. Chúng tôi sẽ không đi theo bước chân của DW.

Một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Curnon với các thương hiệu khác: Chúng tôi là thương hiệu đồng hồ đầu tiên của Việt Nam, cho thị trường Việt Nam, thiết kế bởi người Việt Nam.

Trịnh Anh Đức: Thứ nhất, lúc chúng tôi ra mắt thì Việt Nam chưa có thương hiệu đồng hồ nào, nên đây là lợi thế cũng như điểm may mắn của chúng tôi. Thứ hai, như Shark Dzung Nguyễn nói, người tiêu dùng Việt Nam sính ngoại nhưng bởi vì họ chưa tìm được thương hiệu đáng tin tưởng ở Việt Nam. Nếu chúng tôi đưa ra một thương hiệu Việt đáng tin tưởng thì chúng tôi sẽ được cộng đồng đón nhận thôi.

*Với một sản phẩm thời trang như đồng hồ, tính thẩm mỹ, chất lượng hay thương hiệu mới là yếu tố quan trọng?

Nguyễn Quang Thái: Trong 3 yếu tố trên, Curnon chú trọng vào 2 yếu tố đó là thời trang và thương hiệu. Nói là cái nào hơn thì rất khó. Ví dụ như quần áo, người ta mua chiếc áo Zara, H&M vì thương hiệu hay thời trang? Chắc chắn là cả hai, chứ không phải chỉ vì thương hiệu.

Chúng tôi hiểu hai yếu tố ấy đều rất quan trọng để đưa ra một thương hiệu fast-fashion- thời trang nhanh. Dĩ nhiên về chất lượng, không thế đem Curnon so sánh với các thương hiệu tập trung chủ đạo vào chất lượng được.

Trịnh Anh Đức: Tôi cũng nghĩ thương hiệu và tính thẩm mỹ phải đi liền với nhau. Rõ ràng mua đồ thì đẹp mới mua và thương hiệu sẽ là yếu tố đảm bảo cho tính thẩm mỹ ấy.

CEO đồng hồ Curnon chia sẻ “hậu” Shark Tank: Chúng tôi là thương hiệu đồng hồ đầu tiên của Việt Nam, cho thị trường Việt Nam, thiết kế bởi người Việt Nam - Ảnh 5.
 
* Trong chương trình, Shark Louis có nhắc đến tên thương hiệu khó nhớ, và cũng khó tìm trên Google, các anh nghĩ sao? Tại sao các anh không tìm tên nào dễ nhớ, dễ đọc với người Việt hơn?

Nguyễn Quang Thái: Thực tế, chúng tôi có một cuộc nói chuyện với Shark Louis trong khoảng 5-10 phút. Tên Curnon là do Đức nghĩ ra. Ban đầu chúng tôi cũng khá đắn đo vì nghĩ đây là thương hiệu Việt Nam, liệu có nên đặt tên để người khác dễ nhớ hay nên đặt tên có yếu tố sâu xa một chút. Mang tinh thần trải nghiệm trong ấy?

Tại sao lại là trải nghiệm? Lý do chúng tôi làm Curnon không chỉ đơn giản là làm một chiếc đồng hồ, mà vì chúng tôi nhận thấy ở Việt Nam, thế hệ millenials, những người sinh năm 1980 đến đầu năm 2000, họ có xu hướng không biết mình muốn gì, không biết cần trải nghiệm gì? Chúng tôi chỉ đơn thuần muốn tạo một phần nho nhỏ thúc đẩy họ ra khỏi vòng tròn quen thuộc, và từ đó chúng tôi hình thành khái niệm Why not-tại sao không. Tình cờ khi nghiên cứu, chúng tôi lại tìm ra từ Curnon, trong tiếng Latin nghĩa là Why not.

Trịnh Anh Đức: Thực ra, nếu để tên thương hiệu là Why not thì nghe nó hơi buồn cười, nên chúng tôi cố tìm ra một từ khác. Từ Curnon nghe vừa hay ho, vừa tạo sự tò mò, lại truyền tải đúng thông điệp đến các bạn trẻ: tại sao không chọn chúng tôi, không thử trải nghiệm, thử làm việc này việc kia.

*Xin cảm ơn các anh về cuộc trò chuyện vừa rồi.

Theo Trí Thức Trẻ

TIN CŨ HƠN


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật