CEO Viettel Post tiết lộ “vũ khí bí mật” của MyGo để đấu với Grab, Go-Viet, Be: Cho phép tài xế vừa chở hàng vừa chở người, nhận 1 điểm giao nhiều điểm
Trong khi các đối thủ chính trên thị trường gọi xe hiện nay chỉ cho phép đối tác tài xế thực hiện một tác vụ duy nhất, ví như chở người xong mới được giao hàng, hoặc giao hàng xong mới được nhận đơn giao hàng tiếp theo, thì Viettel Post lại chọn cách tiếp cận có phần khác biệt.
Tại lễ ra mắt ứng dụng gọi xe MyGo sáng 1/7, vị CEO đời thứ 8 của Viettel Post cho biết nền tảng của họ sẽ giúp tài xế vừa chở hàng, vừa chở người, tận dụng tối đa thời gian chạy trên cùng một quãng đường của tài xế mà không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ nói chung.
"Tôi lấy ví dụ, trên đường giao một kiện hàng nhỏ, kích thước không ảnh hưởng đến người ngồi phía sau thì tài xế MyGo có thể chở thêm khách. Tuy nhiên khách phải được ưu tiên đến trước rồi mới giao hàng. Còn không có chiều ngược lại, đang chở người lại đi giao hàng", ông Trần Trung Hưng, CEO Viettel Post giải thích.
Ông tiết lộ một tính năng ưu việt khác của MyGo đó là cho phép tài xế nhận đơn từ một điểm, nhưng giao tới nhiều điểm khác nhau. Cụ thể, các shop hiện nay nếu đặt giao hàng qua ứng dụng, với 4-5 gói hàng, họ sẽ cần gọi 4-5 xe đi giao, nhưng khi dùng MyGo, một tài xế sẽ nhận tất cả đơn hàng từ shop. Việc còn lại là hệ thống tối ưu quãng đường để từ đó tài xế giao đi nhiều điểm.
Riêng với quãng đường dài thực hiện bởi các tài xế xe tải, mô hình MyGo sẽ có thuật toán để tài xế nhận nhiều điểm, giao nhiều điểm. Nghĩa là tài xế vừa nhận vừa giao trên quãng đường di chuyển để tối ưu hóa chi phí cho họ.
Ngoài những tính năng nổi bật kể trên, CEO Viettel Post cho biết trong ngắn hạn, tài xế tham gia MyGo sẽ được tặng ngay 1 triệu sau khi thu nhập đủ 20 triệu, dùng ứng dụng không mất data,...Đặc biệt trong dài hạn, đối tác tài xế có cơ hội trở thành nhân viên chính thức của Viettel Post và được hưởng đầy đủ các quyền lợi lao động.
Dù nhìn nhận MyGo có một số điểm nổi bật nhưng ông Hưng cho rằng, ứng dụng này "vẫn chưa có quá nhiều khác biệt so với đối thủ" vì đây mới chỉ là bước khởi đầu. Trong tương lai, MyGo sẽ đưa ra nhiều dịch vụ mới, không chỉ giới hạn ở gọi xe hay giao hàng mà có thể là sửa điều hòa, thay bóng điện,…hướng tới tầm nhìn trở thành nền tảng siêu ứng dụng cho người tiêu dùng Việt Nam.
Ở một diễn biến khác, vào sáng 1/7, Grab cũng có bước nổi bật trong việc triển khai dịch vụ lõi là gọi xe, giao hàng. Tuy nhiên nếu MyGo nhắm tới sự tối ưu cho tài xế thì Grab lại hướng tới sự tối ưu của khách hàng, khi cho phép người dùng đặt nhiều dịch vụ trên ứng dụng Grab cùng một lúc. Ví dụ khách hàng có thể vừa đặt dịch vụ kết nối di chuyển (GrabTaxi/GrabCar/GrabBike), vừa giao hàng qua GrabExpress, lại vừa đặt đồ ăn GrabFood.
Hiện theo chia sẻ của Grab, tính năng này mới chỉ được thử nghiệm với một số khách hàng nhất định và sẽ được triển khai đến toàn bộ người dùng Grab tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo: Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- “Đặt một lần, nhận mãi mãi”: Mô hình “thần thánh” đem về 10 tỷ đô mỗi năm của Amazon mà Tiki đang học hỏi
- Ra mắt TikiSave, Tiki nuôi tham vọng sẽ khiến khách hàng “không thể sống thiếu Tikinow”?
- Giao Hàng Nhanh sắp có hệ thống băng tải tự động 100% đầu tiên tại Việt Nam, năng suất 30.000 đơn/giờ, tiết kiệm 600 nhân công
- Lỗ hơn nghìn tỷ đồng trong cuộc đua "đốt tiền", Tiki muốn huy động thêm 100 triệu đô, tham vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng hàng đầu Việt Nam
- Giám đốc Tài chính Tiki: Sự tử tế trong kinh doanh sẽ mang lại giá trị lâu dài
- Nguồn cơn những khoản lỗ khổng lồ của các ông lớn thương mại điện tử
- Trăm phương ngàn kế "chiêu dụ" hàng quán của dịch vụ giao thức ăn
- Không chỉ dừng lại ở mảng gọi xe, Viettel Post bất ngờ ra mắt TMĐT Vỏ Sò, lấn sân vào chiến địa của Shopee, Tiki và Lazada
- Vì sao người mua hàng online thích 'tiền trao cháo múc'?
- Best Buy và bí quyết sống còn giữa "địa ngục bán lẻ" do Amazon tạo ra: Chăm sóc nhân viên, hạ giá bằng đối thủ, đề cao nhân tố con người