Chàng sinh viên 23 tuổi lập startup tỷ ‘đô’, hậu thuẫn hàng chục triệu tiệm tạp hóa, phục vụ 100 triệu khách hàng
Indonesia vốn nổi tiếng với hàng triệu tiệm tạp hóa truyền thống do các hộ gia đình sở hữu, hay còn gọi là "warung". Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đứng sau rất nhiều trong số đó là một startup trị giá hàng tỷ USD mang tên Bukalapak.
Rachmat Kaimuddin, CEO của Bukalapak chia sẻ với CNBC: "Cứ khoảng 50 hoặc 100 nhà thì sẽ có 1 gia đình mở hàng tạp hóa ngay tại nhà. Họ bán những mặt hàng cơ bản như nước, xà phòng, cà phê và nhiều thứ lặt vặt khác. Hình thức này đã tồn tại từ lâu và khi nền kinh tế cũng như công nghệ phát triển, họ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau".
Một tiệm tạp hóa sử dụng ứng dụng của Bukalapak.
Bukalapak là nền tảng thương mại điện tử trung gian được thiết kế để giúp hàng triệu ki-ốt bán hàng của Indonesia. Khi được thành lập năm 2010 bởi Achmad Zaky, đây chỉ đơn giản là một cách để giúp những người hàng xóm của anh.
Một ngày, Zaky trở về quê nhà và nhận thấy những tiệm tạp hóa này vẫn không thay đổi trong hàng chục năm. Với việc biết công nghệ, Internet và nhiều thứ hiện đại khác, anh tự hỏi làm cách nào để giúp mọi người cải thiện tình hình.
Vì vậy, Zaky, khi đó là một sinh viên 23 tuổi, đã hợp tác với hai người bạn của mình là Fajrin Rasyid và Nugroho Herucahyono từ Học viện Công nghệ Bandung để tạo ra một trang web giúp các doanh nghiệp nhỏ bán hàng trực tuyến. Zaky bỏ ra số vốn ít ỏi là 5 USD – phí đăng ký trang web và đặt nền móng cho đế chế tỷ "đô" sau này.
Hỗ trợ người bán nhỏ lẻ
Không lâu sau, Bukalapak đi vào hoạt động với vai trò là bên trung gian thứ ba hỗ trợ mua hàng giữa người tiêu dùng và người bán. Bước đột phá thực sự của công ty xảy ra vài năm sau đó.
Năm 2017, công ty đầu tư vào mảng bán lẻ offline và ra mắt Mitra Bukalapak, ứng dụng giúp các ki-ốt nhỏ lẻ nâng cao khả năng cạnh tranh với nhiều nhà bán lẻ hiện đại bằng cách cung cấp thêm một số dịch vụ trực tuyến như thanh toán hóa đơn và nạp tiền điện thoại.
Mitra Bukalapak cũng kết nối tiệm tạp hóa với các nhà phân phối hàng tiêu dùng, từ đó giúp hạ giá nhập sản phẩm và tăng biên lợi nhuận cho các "warung". Cũng trong năm đó, công ty của Zaky đã đạt mức định giá lên tới hàng tỷ USD.
Tháng 1/2020, sau một thập kỷ nắm quyền lãnh đạo, Zaky từ chức CEO và chọn Kaimuddin, một cựu nhân viên ngân hàng 41 tuổi làm người kế nhiệm. Zaky hiện điều hành một quỹ khởi nghiệp và vẫn giữ vai trò cố vấn cho Bukalapak. Trong khi hai nhà đồng sáng lập Rasyid và Herucahyono đều đã rời công ty.
Tuy nhiên, trong 100 ngày làm việc đầu tiên của Kaimuddin, đại dịch đã bùng phát và ảnh hưởng nặng nề đến hàng triệu tiệm tạp hóa cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Indonesia.
Mặc dù vậy, lãnh đạo của Bukalapak vẫn rất kiên định. Kaimuddin nói: "Nhiệm vụ của chúng tôi là tạo ra quy trình hiệu quả hơn. Thất bại không phải là một lựa chọn. Chúng tôi không thể bỏ cuộc và nói rằng hãy tạm nghỉ trong 1 năm. Mọi người thực sự cần chúng tôi".
Sự phát triển của thương mại điện tử
Thương mại điện tử là một trong những người chiến thắng lớn trong đại dịch. Năm 2020, người tiêu dùng kỹ thuật số của Indonesia đã tăng 37% do lệnh phong tỏa và giãn cách thúc đẩy nhiều người dùng thử các dịch vụ trực tuyến hơn. Theo thống kê, chi tiêu trực tuyến đã tăng 11%, đạt 44 tỷ USD. Đến năm 2025, con số này dự kiến sẽ tăng gần gấp ba lần, lên 124 tỷ USD.
Và Bukalapak chính là một trong những công ty dẫn đầu làn sóng đó khi ghi nhận lượng giao dịch tăng vọt 130% trong năm ngoái. Thời điểm hiện tại, công ty phục vụ 13,5 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ cùng 100 triệu khách hàng.
Kaimuddin cho biết tham vọng của anh không chỉ gói gọn tại Indonesia. Dù vậy, một số nhà phân tích vẫn nghi ngờ về khả năng mở rộng ra thị trường ngoài Indonesia của Bukalapak do đặc điểm mang tính địa phương của công ty. Về phần mình, Kaimuddin vẫn tự tin rằng Bukalapak đang có nhiều cơ hội phát triển. Anh cũng tiết lộ công ty đang lên kế hoạch IPO trong tương lai".
Nguồn: CNBC
TIN CŨ HƠN
- Startup Stringee tiến hành gọi vốn Series A với mục tiêu mở rộng thị trường ra nước ngoài
- Giới startup Việt đi qua bão táp năm 2020: Nhiều tên tuổi ghi danh trên đỉnh cao, không ít số phận rơi xuống vực sâu
- Nhóm bạn trẻ TP.HCM đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp nhờ ép thân cây chuối thành túi giấy: Kiểu dáng đẹp bất ngờ, hoàn toàn thân thiện với môi trường
- 9X khởi nghiệp trong năm Covid: “Đứa con sinh ra trong khó khăn bao giờ cũng có bản lĩnh phi thường"
- Startup Việt Nam sẽ nhận 815 triệu USD vốn đầu tư
- Việt Nam có 3 startup công nghệ "lọt mắt xanh" Microsoft vào danh sách "Highway to a 100 Unicorns" khu vực châu Á - Thái Bình Dương
- Nhìn từ một cuộc thi khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn: Các startup miền Nam đang thắng thế trong mảng nông nghiệp?
- Nhóm bạn trẻ TP.HCM đạt giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp nhờ ép lá chuối thành hộp, đĩa đựng thức ăn: Tự phân hủy, thay thế hoàn toàn hộp xốp, hộp nhựa
- Startup bí ẩn của ông Đinh Anh Huân vừa được quỹ đầu tư do Jack Ma sáng lập rót 50 triệu USD
- 2 triệu USD đã sẵn sàng đến tay các startup Thái Bình