Chiến trường của Now, GrabFood, Go-Food đã nóng càng thêm khốc liệt: Thêm 1 startup kỳ lân Hàn Quốc gia nhập thị trường bằng việc mua lại Vietnammm
Trong ngày 14/5, fanpage của Vietnammm, nền tảng giao đồ ăn được thành lập tại Việt Nam từ tháng 2/2011, đã bất ngờ đổi ảnh đại diện và ảnh bìa sang tên gọi Baemin. Trong phần giới thiệu thông tin về trang, website cũng được cập nhật địa chỉ mới là beamin.vn.
"Sau khi đã chứng minh vị thế đứng đầu tại Hàn Quốc, Baemin có mặt ở Việt Nam để mang đến cho bạn dịch vụ giao đồ ăn đích thực", thông tin trên fanpage khẳng định.
Trước đó, vào cuối tháng 2, có thông tin "kỳ lân" Hàn Quốc, Woowa Brothers, đã mua lại nền tảng giao đồ ăn Vietnammm để làm bàn đạp tiến vào thị trường Việt Nam. Woowa Brothers Corp là startup cung cấp dịch vụ giao thức ăn hàng đầu tại Hàn Quốc có tên gọi là Baedal Minjok.
Là ứng dụng giao đồ ăn tại xứ sở Kim chi, Baedal Minjok ra mắt vào năm 2010, các đơn đặt đồ ăn hàng tháng của ứng dụng này đã tăng từ khoảng 5 triệu vào đầu năm 2015 lên hơn 20 triệu vào tháng 7 năm 2018, số lượng người dùng hoạt động hàng tháng từ 3 triệu lên 8 triệu trong cùng kỳ. Vào ngày 21/12/2018, ứng dụng này mới được đầu tư thêm 320 triệu USD từ Hillhouse Capital, Sequoia Capital và GIC nâng giá trị công ty này lên 2,6 tỷ USD.
Tại thị trường Việt Nam, sau khi mua lại Vietnammm, Woowa Brothers đổi tên ứng dụng thành Baemin, viết tắt của Baedal Minjok.
Nhiều ý kiến đánh giá Baemin là một ứng dụng tiềm năng mà các đối thủ tại thị trường Việt Nam như Now, GrabFood hay Go-Food cần phải dè chừng, bởi dịch vụ này ngay khi ra mắt đã có sẵn lượng khách hàng và shipper từ Vietnammm. Bên cạnh đó là công nghệ và kinh nghiệm hơn 8 năm trong lĩnh vực giao đồ ăn tại Hàn Quốc, cùng với nguồn vốn dồi dào từ công ty mẹ Woowa Brothers, đơn vị vừa gia nhập nhóm kỳ lân thế giới với hàng loạt ông lớn chống lưng như Hillhouse Capital, Sequoia Capital, GIC,…
Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam giá trị khoảng 33 triệu USD vào năm 2018 và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Trong bối cảnh nhịp sống hiện đại khiến nhiều người có thói quen đặt giao đồ ăn tận nơi, thị trường này đang dần nóng lên từng ngày với tiềm năng khai thác ngày một rộng lớn.
Tuy nhiên, đây không phải một "miếng bánh ngon" khi biên lợi nhuận trong ngành không cao, ở điều kiện lý tưởng cũng chỉ khoảng 10-12%. Thêm vào đó, thức ăn đòi hỏi việc bảo quản tốt và khắt khe về thời gian giao nhận, lại không thể giao chung với các món hàng khác như quần áo, giày dép.
Theo: Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- Cuộc chiến Shipping: Walmart tham vọng "cuốn gói" Amazon ra đảo bằng dịch vụ giao hàng miễn phí và cam kết giao ngay hôm sau
- Cuộc đua 'tám lạng, nửa cân' của Shopee và Lazada ở Việt Nam
- Lazada được đánh giá là ứng dụng mua sắm số 1 Đông Nam Á
- 5 sai lầm ai cũng hay mắc phải khi mua sắm online, nếu như chú ý hơn bạn có thể tiết kiệm hàng đống tiền!
- Coupang - 'Amazon của Hàn Quốc': Giao hàng trong 1 ngày, mở rộng nhanh gấp 3 lần tốc độ thị trường, bí mật nào đứng sau kỳ lân hiếm hoi của xứ sở toàn chaebol?
- Samsung bắt tay Lazada tạo cú hích doanh số smartphone
- Khốc liệt thương mại điện tử Việt Nam: TiKi lỗ 1.200 tỷ đồng chỉ trong 3 năm, 500 tỷ đồng đầu tư của VNG đã về "mo"
- Người Việt mở rộng kinh doanh online sang thị trường Đông Nam Á liệu có khả thi?
- Google "ủ mưu" thử nghiệm liên kết mua sắm hàng hóa dưới video YouTube
- Việt Nam sắp có sàn thương mại điện tử về thiết bị công nghiệp