Chiến trường giao nhận đồ ăn của Grabfood, Now quá "đẫm máu": Đã có chiến tướng phải lặng lẽ rút lui?
Ước tính có giá trị khoảng 33 triệu USD trong năm nay, nghĩa là chỉ bằng 1/15 của thị trường đặt xe, nhưng mảng giao nhận đồ ăn vẫn chứng kiến sự cạnh tranh ác liệt của những tên tuổi đã có chỗ đứng như Now (trước đây là Delevery Now), Vietnammm và những tên tuổi mới như GrabFood, Go-Food, Loship hay Lala .
Nhưng có vẻ như, một trong những chiến tướng nói trên đã rút lui khỏi thị trường, và đó chính là Lala.
Được đầu tư bởi Scommerce Group, Lala bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2017. Ngay tại thời điểm đó, Lala đã có lợi thế lớn khi tận dụng được nguồn lực từ những người "anh em" trong cùng hệ sinh thái Scommerce là gần 10.000 shipper của AhaMove và 7.000 nhà hàng của iPOS.
Hồi tháng 7, khi hỏi về tương lai Lala, CEO Vũ Hoàng Tâm từng cho biết: "Những nhà đầu tư vào Lala đã đưa ra một số tiền tương đối. Họ cũng là những người có kinh nghiệm trong tech startup và biết game phải đấu như thế nào". Nhưng trước khi năm 2018 kết thúc, Lala đã biến mất một cách đầy khó hiểu.
Ứng dụng với tên gọi Lala: Food Delivery không còn hiển thị trên Google Play hay App Store. Fanpage chính của Lala đã đóng cửa. Tại fanpage Lala: Food Delivery Hà Nội, một số người dùng cũng lên tiếng phản hồi về việc không thể truy cập ứng dụng nữa.

Tại địa chỉ website lala.vn, tính năng cho phép người dùng đặt món đã biến mất. Thay vào đó chỉ là những thông tin đơn giản giới thiệu về ứng dụng này.

Nền tảng lala.vn trước đó.

Giao diện hiện tại.
Trên thực tế, dù nhu cầu đặt món ăn và giao nhận tận nhà ngày càng cao tại các thành phố lớn, thị trường đặt món trực tuyến vẫn không phải một miếng bánh béo bở. Nguyên nhân do lợi nhuận trong không cao; ở điều kiện lý tưởng cũng chỉ khoảng 10-12% (thông tin từ một doanh nghiệp trong ngành đã từng tiết lộ). Đặc biệt, thức ăn đòi hỏi việc bảo quản tốt và khắt khe về thời gian giao nhận, lại không thể giao chung với các món hàng khác như quần áo, giày dép.
Trong một cuộc đua khốc liệt, sự thanh lọc các đối thủ nhỏ và yếu hơn là không thể tránh khỏi. Việc rút lui của Lala sau một thời gian thử sức ở thị trường đặt và giao đồ ăn có thể xem là một quyết định "khôn ngoan" - dù không mấy vui vẻ. Trước Lala, thị trường cũng từng chứng kiến sự rời bỏ của một tay chơi tầm cỡ khác là FoodPanda.
Gia nhập thị trường Việt Nam năm 2012 nhưng đến 2015, Foodpanda đã phải chấp nhận bán mình cho Vietnammm. Ở thời điểm đó, CEO của Foodpanda, tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực đặt thức ăn trực tuyến trên khắp thế giới với hoạt động ở 27 quốc gia thuộc 4 châu lục khác nhau, đã phải thừa nhận "Việt Nam là một thị trường nhỏ, ít có cơ hội phát triển lâu dài". Foodpanda nhượng lại hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cho Vietnammm để tập trung hơn vào các thị trường tiềm năng khác.
Trí thức trẻ
TIN CŨ HƠN
- Cuộc chiến giành 'miếng bánh tỷ đô' ứng dụng gọi xe ở Việt Nam
- Không chỉ "đè bẹp" đối thủ với 1.700 cửa hàng, VinMart+ còn sở hữu một "vũ khí ngầm": Mẹ đi công tác, bố ở nhà cũng có thể nấu cho con ăn chỉ vỏn vẹn trong 15 phút
- Masan vận hành tổ hợp chế biến thịt 1.000 tỷ tại Hà Nam
- Cách Casper lật đổ thị trường nệm truyền thống
- [Marketing thời 4.0] Định vị “khôn” như BRK: Đặt tên bình đựng nước là Dụng cụ làm đẹp, hai cô gái thông minh đem về hàng triệu đô chỉ với 15 nhân viên
- Sony mở cùng lúc hai trung tâm tại Hà Nội và Hải Phòng
- Bán cháo tươi Chí Phèo, doanh thu hàng ngàn tỉ
- "Vua chuối" Võ Quan Huy than khó đưa hàng vào siêu thị Việt
- [Marketing thời 4.0] Cách Casper lật đổ thị trường nệm truyền thống: Không cần showroom, làm nệm đóng hộp, cho khách dùng thử 100 ngày miễn phí
- Việt Nam chính thức có thương hiệu gạo quốc gia