Việt Nam chính thức có thương hiệu gạo quốc gia
Thông tin từ Ban tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần 3 diễn ra tại tỉnh Long An, từ ngày 18 đến 24-12-2018 cho biết, lễ công bố logo thương hiệu gạo Việt Nam sẽ diễn ra vào tối nay, 18-12.
Theo ban tổ chức, một trong những mục tiêu quan trọng của sự kiện là nhằm hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo Việt Nam tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết đầu tư, phát triển ổn định và khẳng định thương hiệu sản phẩm lúa gạo Việt Nam đáp ứng xu thế thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế.
Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam công bố thương hiệu gạo quốc gia của riêng mình, kể từ khi tham gia vào hoạt động xuất khẩu gạo ra thế giới từ năm 1989 đến nay.
Để có thương hiệu gạo Việt Nam, trước đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì cuộc thi để tìm kiếm biểu trưng logo của thương hiệu gạo Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên trước đó, ông Lê Thanh Tùng, Trưởng đại diện phía Nam của Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thương hiệu gạo Việt Nam cũng đã làm thủ tục bảo hộ quốc tế.
Theo đó, để thực hiện bảo hộ, Việt Nam đã nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu quốc tế sang hệ thống Madrid - hệ thống này được xây dựng trên cơ sở Nghị định thư Madrid và Thỏa ước Madrid. Cả hai văn bản này đều thiết lập một quy trình hành chính cho phép việc đăng ký thương hiệu ở nhiều quốc gia chỉ thông qua việc sử dụng một đơn đăng ký thương hiệu duy nhất.
Ông Tùng cho biết thêm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có những quy định về việc sử dụng thương hiệu gạo Việt Nam và các tổ chức, cá nhân muốn sử dụng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy định được đặt ra.
Quyết định 1499/QĐ-BNN-CBTTNS 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam nêu rõ tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận khi đáp ứng các điều kiện: được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư có nội dung đăng ký hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm gạo.
Được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về chế biến, bảo quản, kinh doanh gạo hoặc cơ sở đã được cấp một trong các giấy chứng nhận: thực hành sản xuất tốt (GMP), hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Được tổ chức chứng nhận cấp giấy chứng nhận sản phẩm gạo phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam; hoàn thành nghĩa vụ thuế và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Các sản phẩm gạo mang nhãn hiệu được chứng nhận gồm gạo trắng, gạo trắng thơm và gạo nếp trắng.
Về chất lượng sản phẩm, gạo mang nhãn hiệu gạo Việt Nam phải đảm các yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia. Theo đó, đối với gạo trắng phải đáp ứng tiêu chuẩn: TCVN 11888:2017; gạo thơm trắng là TCVN 11889:2017 và gạo nếp trắng là TCVN 8368:2010. Trường hợp khi có thay đổi về tiêu chuẩn, thì phải đáp ứng theo tiêu chuẩn mới nhất.
Quyết định 1499 của Bộ Nông nghiệp quy định tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận kèm nhãn hiệu riêng của tổ chức, cá nhân trên bao bì sản phẩm, phương tiện kinh doanh, quảng cáo và các giấy tờ giao dịch khác cho sản phẩm gạo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Được khai thác, sử dụng và hưởng các lợi ích kinh tế phát sinh từ nhãn hiệu chứng nhận. Được tham gia các chương trình quảng bá, phát triển nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam trên các phương tiện truyền thông.
Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ: chỉ được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các loại sản phẩm gạo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; đảm bảo chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận và duy trì, bảo vệ, phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận; thông báo đến đơn vị quản lý nhãn hiệu chứng nhận khi không còn nhu cầu sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; nộp chi phí theo quy định cho hoạt động cấp và duy trì hiệu lực giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận…
Theo nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn
TIN CŨ HƠN
- Lời khuyên từ “ông hoàng” giao đồ ăn Grubhub: Theo dõi đối thủ và học hỏi những điểm mạnh của họ!
- Không phải Vinamilk hay Vingroup, đây mới là DN chi quảng cáo bạo nhất AFF Cup, gần 10 tỷ đổi lấy 5 phút lên sóng
- 'Vua chuối' đưa bò nổi tiếng của Nhật Bản về Việt Nam
- Ngành hàng nào, chiến lược ấy
- Cô gái Việt gây dựng thương hiệu Vsmooth Coffee trên đất Thượng Hải
- Mới ra mắt, cước phí vận chuyển cao hơn, chiết khấu tài xế cũng cao: 'Team vàng' Be liệu có cửa để đấu với team xanh Grab và team đỏ Go-Viet?
- Soya Garden: Thế lực đáng gờm thách thức ngôi vương mở chuỗi của The Coffee House và Highlands, tham vọng đưa sản phẩm đậu nành ngang tầm cà phê, trà sữa
- Những người "định nghĩa lại" đồ ăn nhanh
- Vào quán trà sữa, đi mua cà phê, thấy “shipper” GrabFood còn... đông hơn cả khách
- Giám đốc Sáng tạo chuỗi TVC Điện máy Xanh ‘nói xấu’ ngành quảng cáo: Kỷ nguyên digital hỗn loạn với nội dung điên khùng, chỉ để thu hút sự chú ý