Chiến trường TMĐT Việt xuất hiện "tay chơi" mới từ Singapore: Đấu online cùng Shopee, Tiki, Lazada… và offline qua việc bắt tay với DN hàng đầu làm máy bán hàng tự động
Là người đến sau, nhưng tham vọng của V-MORE có vẻ không hề nhỏ.
Hôm 21/7, nền tảng quản lý chuỗi cung ứng thương mại điện tử V-MORE đã chính thức ra mắt thị trường Việt Nam, thông qua sự kiện giới thiệu công nghệ V-MORE Xpress, hợp tác cùng Kootoro.
Với V-MORE Xpress, tại các máy bán hàng tự động Toro của Kootoro, khách hàng có thể mua các sản phẩm đồ uống, các loại trái cây tươi, thực phẩm ăn liền…bằng tiền mặt hoặc thanh toán kỹ thuật số bằng ví điện tử hoặc điểm đổi quà của V-MORE. Mục tiêu của V-MORE khi hợp tác với Kootoro là nhằm tăng tốc thương mại O2O, từ online đến offline, giúp họ thấu hiểu các hành vi tiêu dùng trong cả môi trường thương mại trực tuyến lẫn ngoại tuyến.
Về cơ bản, tại các máy bán hàng tự động của Toro, ngoài thanh toán qua V-MORE Xpress, khách hàng có thể thanh toán qua các ví điện tử khác như của chính Toro hay Grab. Cái khác biệt quan trọng của V-MORE là khách hàng có thể được tặng điểm thưởng và người dùng có thể dùng điểm thưởng này lên mua hàng tiêu dùng, vé máy bay, tour du lịch… trên nền tảng của họ. Với Kootoro, hợp tác với V-MORE là có thêm một partner lớn, chứ không ảnh hưởng nhiều đến mô hình – chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp này.
V-MORE là ai?
V-MORE có trụ sở tại Singapore, trực thuộc Tập đoàn Noble Vici. Họ là nền tảng trung gian giúp khách hàng có thể dễ dàng mua sắm hàng hóa online trực tiếp từ các nhãn hàng lớn toàn cầu như Adidas, Lenovo, Canon… hoặc thông qua các trang thương mại điện tử về tiêu dùng, du lịch, vận chuyển cũng như là ‘khu chợ’ để các người bán lên đó bán hàng.
Điểm khác biệt lớn nhất của nó với các nền tảng thương mại điện tử khác chính là hệ thống điểm thưởng dồi dào mà họ ‘lại quả’ cho khách hàng. Với điểm thưởng này, khách hàng có thể dùng nó để mua bất cứ sản phẩm nào trên V-MORE. Slogan của V-MORE chính là mua sắm – tích luỹ - điểm thưởng (shopping – save - earn).
Kootoro đang có khoảng 2.000 máy bán hàng tại địa bàn TP. HCM, khách hàng mua hàng tại các máy bán hàng, sau đó tích lũy nhiều điểm thưởng có thể lên mua vé may bay trên Trip.com.
V-MORE hiện đang hoạt động tại 9 nước và vùng lãnh thổ, ở Đông Nam Á họ đã có mặt tại Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam chính là thị trường mà họ xâm nhập muộn nhất trong đó.
Đánh giá rất cao thị trường thương mại điện tử Việt Nam
"Chúng tôi tiếp tục mở rộng tập trung vào sự đổi mới khác biệt trong các mô hình kinh doanh và hiện tại, chúng tôi đang phát triển khái niệm độc đáo nhất trong mua sắm bằng hệ thống bán hàng tự động, để thúc đẩy mô hình bán hàng tự phục vụ và tăng thêm người dùng cho nền tảng V-MORE. Mục tiêu là giúp cho những người không có kinh nghiệm đến gần hơn với thương mại điện tử", ông Eldee Tang – Giám đốc điều hành và founder của Noble Vici, chia sẻ.
Việc hợp tác với Kootoro được xem như là cách mà V-MORE đi theo xu hướng bán hàng đa kênh omni-channel và là phương thức sáng tạo để thu hút người dùng khi mà thị trường thương mại điện tử ở khu vực thành thị đã gần như bão hòa với sự đánh chiếm dữ dội của Tiki – Lazada – Shopee – Adayroi – Sendo…
Trao đổi với chúng tôi, ông Eldee Tang cho rằng, thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn rất rộng lớn và mục tiêu mà V-MORE nhắm đến chính là những người dân chưa có tài khoản tín dụng ở ngân hàng, họ có thể mua hàng thương mại điện tử - kể cả hàng cao cấp, một cách dễ dàng hơn thông qua các phương thức thanh toán của nền tảng này.
Quy chế về điểm thưởng cho cả người mua hàng lẫn người bán hàng cũng là một trong những điểm khiến V-MORE tự tin sẽ có thể chen chân vào thị trường thương mại điện tử "béo bở" tại Việt Nam.
Thêm nữa, theo vị Giám đốc này, V-MORE đến đây không phải để cạnh tranh với các ví điện tử như Momo hay Moca hoặc Tiki cùng Shopee, mà họ đến đây hợp tác với tất cả, để cùng chiến thắng. Ông muốn mọi người xem V-MORE như là một nền tảng thương mại điện tử chia sẻ hơn là một nền tảng thương mại thuần túy giống như 2 cái tên đã kể trên.
Theo: Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- Thương mại điện tử Q2/2019: Sendo tiến gần Lazada về lượng truy cập, Voso.vn chính thức ra mắt
- Kích cầu mua sắm online
- Lazada 'hụt hơi' trong cuộc đua hút người dùng với Shopee, Tiki
- Thương mại điện tử: Cuộc chơi "đốt tiền" có còn chỗ cho người mới?
- "Đốt tiền" cho Sao, Tiki có cơ thoát lỗ?
- 48 giờ bán hàng giảm giá lớn nhất trong năm của Amazon
- Tốn trung bình 5, 6 ngày, thời gian giao hàng ở Việt Nam tệ chỉ sau Malaysia, nhưng người dùng vẫn hài lòng với trải nghiệm mua sắm trực tuyến
- Tiki - Lazada: Kẻ đua giao hàng nhanh, người mê 'showbiz hóa'
- Thương mại điện tử: Hệ quả từ cuộc đua đốt tiền
- CEO Viettel Post tiết lộ “vũ khí bí mật” của MyGo để đấu với Grab, Go-Viet, Be: Cho phép tài xế vừa chở hàng vừa chở người, nhận 1 điểm giao nhiều điểm