Chợ Tết online nhộn nhịp mở cửa

Sớm hơn các chợ offline, chợ Tết online của các trang thương mại điện tử tại Việt Nam đã lần lượt đua nhau mở cửa đón khách.

Từ đầu tuần, Sen Đỏ đã thêm dòng chữ "Chợ Tết" trên logo ứng dụng để gây chú ý người dùng di động. Truy cập vào trang chính, giao diện đón Tết với tông đỏ - vàng đã sẵn sàng và đếm ngược đến ngày 11/1, tức ngày mở chợ. Ứng dụng hứa hẹn người dùng sẽ có cơ hội nhận lì xì, trúng vàng, mua bánh mứt với giá 1.000 đồng và giảm giá sâu hàng loạt mặt hàng thực phẩm, thời trang, gia dụng.

Trên Shopee, chợ Tết đã mở từ hôm thứ Ba, giảm giá lần lượt từng ngành hàng hoặc theo chủ đề qua mỗi ngày như mỹ phẩm, bách hóa, mẹ và bé, ngày hội săn lộc, ngày lắc siêu xu... Tuy nhiên, Sen Đỏ và Shopee vẫn còn "đủng đỉnh" bởi hàng loạt đơn vị khác đã mở chợ Tết trực tuyến từ rất sớm.

"A Tết Rồi" của Adayroi đã mở từ 24/12 năm ngoái và sẽ kéo dài đến hết tháng này. "Sắm Tết huyền thoại" của Tiki và "Vạn deals xuyên Tết" của Lotte cũng bắt đầu đón khách tuần tự cách nhau 2 ngày tiếp theo là 26 và 28/12.

Giao diện các gian chợ Tết online trên một số ứng dụng thương mại điện tử.

Giao diện các gian chợ Tết online trên một số ứng dụng thương mại điện tử.

Cũng hành động từ sớm nhưng có phần đầu tư và tham vọng lâu dài, Lazada mở hẳn gian hàng "Thành phố điện tử Lazada" và "Siêu thị Lazada". Bà Trần Thị Hoàng Uyên - Giám đốc Phụ trách ngành hàng Tiêu dùng nhanh nói rằng động thái này là để người tiêu dùng "trải nghiệm mua sắm an toàn, vừa tiết kiệm được chi phí và thời gian di chuyển đến các cửa hàng, siêu thị truyền thống" khi còn chưa đầy một tháng là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

"Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ phát triển hai cửa hàng này trở thành một điểm đến chính hãng hàng đầu dành cho tất cả người tiêu dùng. Đối với Siêu thị Lazada, chúng tôi đặt định hướng phát triển gian hàng trở thành siêu thị online lớn nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á", ông Max Zhang - Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam không giấu tham vọng.

Dù cách thức triển khai chợ Tết online có phần khác nhau và chênh lệch về thời gian nhưng các trang thương mại điện tử cũng tập trung cạnh tranh ở vài điểm chung. Thứ nhất là tỷ lệ khuyến mại, mức cao nhất được công bố đều dao động trong khoảng 91-95%. Thứ hai, đánh vào tâm lý lo sợ hàng kém chất lượng, nhất là tai tiếng từng xảy ra trên các sàn C2C, các trang đều đẩy mạnh gian hàng chính hãng trong khu vực chợ Tết.

Điểm thứ ba, cũng là yếu tố cạnh tranh có phần kịch tính nhất, chính là giao hàng. Giao nhanh, giao miễn phí và giao xuyên Tết là ba chiến thuật được sử dụng nhiều nhất. Chương trình giao hàng trong 2 giờ hiện không còn là độc quyền của Tiki mà Adayroi cũng đã có "Vinmart giao 2 giờ", Shopee có "Nhận hàng 4 giờ". Ngoài ra, Shopee và Sen Đỏ còn tặng mã miễn phí vận chuyển. Lotte cũng "chịu chơi" cùng Tiki khi cam kết giao hàng xuyên Tết.

Theo "Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam" của iPrice, Shopee, Lazada, Tiki và Sen Đỏ đều là các gương mặt nằm trong top 5 doanh nghiệp thương mại điện tử có lượng khách vào chợ nhiều nhất. Trung bình mỗi trang thu hút được trên dưới 30 triệu lượt truy cập hàng tháng. Việc chạy đua thu hút khách hàng trong mùa Tết này là điều dễ hiểu trong bối cảnh thương mại điện tử đã cơ bản có một năm 2018 thành công, dù chưa có tổng kết chính thức. 

"Cách đây 5 năm, thị trường thương mại điện tử Việt Nam còn khá nhỏ với quy mô khoảng 200 triệu USD. Nhưng năm nay, riêng công ty tôi đã giao 60 triệu đơn hàng và thu hộ cho các doanh nghiệp thương mại điện tử khoảng một tỷ USD. Công ty chỉ phục vụ khoảng 15% thị trường thương mại điện tử. Như vậy, thị trường này năm nay quy mô doanh thu đâu đó khoảng 4-5 tỷ USD", ông Lương Duy Hoài - Nhà sáng lập Giao Hàng Nhanh tiết lộ vào thời điểm trung tuần tháng 12/2018.

Tỷ lệ chi phí cho một GB dữ liệu Internet di động trên GNI đầu người năm 2018 tại các nước.

Tỷ lệ chi phí cho một GB dữ liệu Internet di động trên GNI đầu người năm 2018 tại các nước.

Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek công bố gần đây cho biết, mảng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2018 đã tăng trưởng gấp đôi so với năm trước. Điều này càng đáng chú ý hơn khi chi phí để người Việt lướt "chợ mạng" bằng điện thoại vẫn thuộc hàng cao trong khu vực nếu so với thu nhập của họ. Cụ thể, chi phí cho một GB dữ liệu di động chiếm 0,9% tổng thu nhập quốc gia bình quân đầu người (GNI per capita) tại Việt Nam. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Singapore và Malaysia chỉ lần lượt là 0,1% và 0,2%. Điều đó đồng nghĩa, "đam mê" đi chợ online của người Việt đang là xu thế rất mạnh mẽ.

Thương mại điện tử cùng với 3 mảng khác là quảng cáo trực tuyến, du lịch trực tuyến và gọi xe cấu thành nên nền kinh tế Internet Việt Nam. Năm 2018, nền kinh tế này đạt giá trị 9 tỷ USD. 

"Nền kinh tế Internet Việt Nam giống như một con rồng được cởi trói, tăng trưởng gần ba lần trong ba năm, được thúc đẩy bởi thương mại điện tử và truyền thông trực tuyến", báo cáo nhấn mạnh.

Viễn Thông

Theo: vnexpress.net


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật