Chuỗi điện thoại, máy tính "rẻ hơn các loại rẻ" lấn sân bán bàn chải đánh răng, tăm nước, máy cạo râu...
08:50 - 28/05/2024
Trước Di động Việt, chủ quản chuỗi FPT Shop, Thế giới Di động "nhảy" vào mảng chuỗi nhà thuốc, còn Digiworld cũng sớm trở thành đại lý bán ngành hàng chăm sóc sức khoẻ cho nhiều thương hiệu lớn từ năm 2017.
Chuỗi Di Động Việt vừa mở bán thêm các sản phẩm công nghệ thuộc ngành hàng chăm sóc cá nhân về sức khỏe - làm đẹp, bao gồm: Bàn chải đánh răng điện, máy tăm nước, máy cạo râu, các loại máy massage, cân điện tử, máy sấy…
Nói về động thái này, đại diện chuỗi cho biết với xu hướng sử dụng sản phẩm công nghệ trong làm đẹp và chăm sóc sức khỏe tăng rõ rệt trong những năm gần đây, Di Động Việt đặt kỳ vọng nhóm ngành hàng này sẽ phát triển nhanh, đóng góp khoảng 5 - 10% doanh thu trong năm đầu tiên ra mắt người dùng.
Theo lộ trình đề ra, ngành hàng chăm sóc cá nhân về sức khoẻ - làm đẹp thậm chí sẽ là một trong những mục tiêu trong năm 2024 - 2025 của Di Động Việt, song song với các sản phẩm công nghệ như điện thoại, tablet, phụ kiện…
Di Động Việt vốn là một hệ thống bán lẻ khá có tiếng nhưng trở nên nổi tiếng hơn cả trong cuộc 'chiến giá' điện máy năm 2023 với chiến dịch "Rẻ hơn các loại rẻ".
Thực tế, thị trường chăm sóc sức khoẻ là một "miếng bánh lớn" đã rất nhiều tay chơi trong ngoài ngành gia nhập. Trước Di động Việt, chủ quản chuỗi FPT Shop, Thế giới Di động "nhảy" vào mảng chuỗi nhà thuốc, còn Digiworld cũng sớm trở thành đại lý bán ngành hàng chăm sóc sức khoẻ cho nhiều thương hiệu lớn từ năm 2017.
Riêng FPT Retail đang cho thấy những tham vọng xa hơn trong mảng này. Sau khi thành công ở chuỗi dược Long Châu, Tập đoàn đã lên kế hoạch về một hệ sinh thái chăm sóc sức khoẻ. Theo FPT Retail, ngành chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP. Ở các nước phát triển, tổng giá trị tiêu dùng cho ngành chăm sóc sức khỏe vào năm 2016 chiếm 10% tỷ trọng GDP. Tại Việt Nam, ngành chăm sóc sức khỏe có giá trị 15,6 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm CAGR là 11,2%, chiếm 6,5% cơ cấu GDP.
Trong những năm gần, ngành chăm sóc sức khỏe cho thấy một số xu hướng đang phát triển có khả năng tác động làm chuyển đổi ngành. Việc tăng dân số và già hóa dân số có nghĩa là chi phí chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Điều này thúc đẩy các giải pháp chăm sóc sức khỏe mới linh hoạt và tiết kiệm chi phí hơn.
Trong cuộc khảo sát vào cuối năm 2022, Vietnam Report đánh giá chăm sóc sức khỏe là 1 trong 3 ngành (cùng với công nghệ thông tin, viễn thông và vận tải - logistics) có tiềm năng tăng trưởng tốt trong 2-3 năm tới.
Điều này là nhờ cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam đang có tốc độ già hóa nhanh, người dân ngày càng quan tâm đến chăm sóc sức khỏe với những biến cố về ô nhiễm môi trường, thiên tai và dịch bệnh, dẫn đến mức chi tiêu cho y tế gia tăng. Dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong nhóm 20 quốc gia có mức tăng trưởng ngành chăm sóc sức khỏe mạnh và ổn định nhất thế giới.
Báo cáo mới nhất từ Kirin Capital cũng dự báo ngành chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong những năm tới với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2023-2025 là 15%/năm.