“Chụp hình và đăng Instagram” thay đổi cửa hàng bán lẻ như thế nào?

Trước kia, cửa hàng chỉ là nơi lưu trữ và bán hàng. Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, các cửa hàng cần phải kể được những câu chuyện.

Và đó phải là câu chuyện mang tính trực quan cao và có thể chia sẻ ngay lập tức, hay nói cách khác: “Có thể chụp và đăng lên Instagram.”

Khi độ phổ biến của Instagram bùng nổ, các thương hiệu và nhà bán lẻ cần tìm cách thu hút sự chú ý của mạng xã hội vào các cửa hàng bày bán sản phẩm của mình.

Bán hàng trực quan luôn là một phần của một cửa hàng bán lẻ thành công. Ảnh: Jon Bird.

Bán hàng trực quan (visual merchandising) luôn là một phần tạo nên thành công của bán lẻ, từ cuối những năm 1800 và khi những tấm kính của các cửa sổ trưng bày được phổ biến rộng rãi. Nhưng phong trào mới này còn hơn cả bán hàng trực quan, đó là "tạo nên thời điểm trực quan", nghĩa là tạo ra những khoảnh khắc sống động hoàn hảo cho một bức ảnh.

Story trên Instagram. Ảnh: Jon Bird.

Một trong những ví dụ tốt nhất cho xu hướng này là cửa hàng bán lẻ mang tên Story ở New York (Mỹ). Story được thành lập bởi Rachel Schechtman, có “quan điểm của một tạp chí, có thể thay đổi như một phòng trưng bày, bán mọi thứ như một cửa hàng.” Cứ bốn đến tám tuần một lần, cửa hàng lại được sắp xếp lại hoàn toàn để kể một câu chuyện khác nhau, mang đến một lý do mới để khách tới tham quan không gian cửa hàng, đem đến các cơ hội để chụp hình và đăng tải lên Instagram.

Hình ảnh chiếc đầu lâu sống động khi chụp bằng điện thoại. Ảnh: Jon Bird.

Ngày càng có nhiều cửa hàng bán lẻ được thiết kế hướng tới hình ảnh bắt mắt thông qua ống kính máy ảnh điện thoại. Vài năm trước, cửa hàng Converse trên đường Broadway ở thành phố New York trang bị một bức tường trưng bày giày ngay ở cửa ra vào. Khi dùng iPhone để chụp ảnh, hình ảnh chiếc đầu lâu xuất hiện, thật hoàn hảo để đăng tải trên Instagram.

 Cửa hàng Candlepower tại New York (Mỹ). Ảnh: Jon Bird.

Các cửa hàng tạm thời (pop-ups) đang góp phần thúc đẩy cửa hàng bán lẻ chú trọng hơn vào hình ảnh trưng bày và thôi thúc khách hàng chia sẻ chúng. Mùa nghỉ lễ năm ngoái tại New York, cửa hàng Candlepower của Yankee Candle không chỉ đơn thuần là một cửa hàng bán nến tạm thời. Cửa tiệm trưng bày một loạt các họa tiết được tính toán cẩn thận để khách hàng chụp ảnh và đăng tải. Cửa hàng Prive Revaux chuyên bán kính mắt và kính mát thiết kế ở New York cũng thực hiện điều tương tự. Cửa hàng bày biện phông nền xanh với vật trang trí trông như những đám mây ngay trong cửa sổ.

Cửa hàng Prive Revaux tại New York. Ảnh: Jon Bird.

Tuần này, tôi đã đi tham quan cửa hàng Samsung 837 ở quận Meatpacking, New York, với Zach Overton, phó chủ tịch trải nghiệm khách hàng của Samsung kiêm tổng giám đốc của Samsung 837 và Galaxy Studios cho biết. Cửa hàng là một “trung tâm trải nghiệm” thực sự. Overton chia sẻ ông thường suy nghĩ: “Liệu những trải nghiệm chúng tôi tạo ra có đáng được chụp và đăng tải lên Instagram hay không? Chúng cần phải thật cá nhân và thôi thúc người khác chia sẻ chúng.” Khi chụp lại bức ảnh “AR emoji” và chia sẻ lên Instagram, tôi hoàn toàn đồng tình rằng các trải nghiệm nơi đây đều đạt được các tiêu chí mà ban quản lí đặt ra.

Trải nghiệm AR emoji tại Samsung 837, New York. Ảnh: Jon Bird.

Khi nhãn hiệu và nhà bán lẻ xây dựng không gian cửa hàng trong tương lai, họ sẽ cần phải thật nhuần nhuyễn việc tạo ra các hình ảnh đắt giá ngay tại cửa hàng, cũng như thông thạo việc bán hàng trước giờ, bởi những người mua hàng rành Instagram muốn như vậy.

Tác giả Jon Bird là giám đốc điều hành marketing tiêu dùng và bán lẻ toàn cầu của công ty truyền thông và marketing VML.

 Jon Bird
* Nguồn: Forbes Vietnam


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật