Cơ quan thuế lý giải việc đưa xe ôm, quán cóc vào "tầm ngắm"

Tổng Cục Thuế khẳng định chỉ đưa vào diện quản lý thường xuyên để yêu cầu nộp thuế nếu hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.
Cơ quan thuế lý giải việc đưa xe ôm, quán cóc vào "tầm ngắm"
 
Tổng Cục Thuế (Bộ Tài Chính) vừa khiến dư luận bức xúc khi có văn bản chỉ đạo các cục thuế rà soát đối với cá nhân hành nghề xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát ở chợ tạm, chợ cóc, xóm, làng… Theo đó, hầu hết các ý kiến cho rằng chưa kể đến việc ngành thuế không đủ năng lực để quản lý tất cả những đối tượng trên mà chỉ dưới góc độ nhân văn thì việc đưa đối tượng này vào "tầm ngắm" cũng cần xem xét lại.

Gửi câu trả lời đến báo chí xung quanh vấn đề này, đại diện Tổng Cục Thuế cho biết hiện vẫn còn 581.700 hộ kinh doanh nằm ngoài hoạt động quản lý thường xuyên của cơ quan thuế. Để xác định chính xác số liệu chênh lệch nêu trên có thực sự là số lượng hộ kinh doanh mà ngành thuế chưa đưa vào quản lý hay không, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các địa phương rà soát tại địa bàn, phát hiện và đưa vào diện quản lý những hộ kinh doanh còn bỏ sót.

 Cơ quan thuế lý giải việc đưa xe ôm, quán cóc vào tầm ngắm - Ảnh 1.
 
Gần đây, Tổng Cục Thuế đưa cá nhân hành nghề xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè... vào diện quản lý thuế khiến nhiều người bức xúc. Ảnh: Tấn Thạnh
 "Việc rà soát và đưa vào diện quản lý chỉ bao gồm các hộ kinh doanh có địa điểm cố định, thường xuyên. Mục đích là đưa vào diện quản lý thường xuyên để xác định nếu hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm cơ quan thuế mới ra thông báo để yêu cầu nộp thuế" - đại diện Tổng Cục Thuế lý giải.

Nhấn mạnh tiêu chí quản lý của cơ quan thuế là những đối tượng thuộc diện chịu thuế theo pháp luật về thuế, Tổng Cục Thuế cho rằng bất cứ thành phần dân cư nào hoạt động sản xuất - kinh doanh, cung cấp dịch vụ có phát sinh thu nhập, dù là chỉ đủ nuôi sống bản thân và gia đình cũng thuộc diện được tính vào điều tra thống kê. Và, công tác rà soát là một trong những công việc thường xuyên của cơ quan thuế.

Tuy nhiên, ngành thuế cũng cho biết đã tính đến tính hiệu quả trong công tác quản lý thuế, ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội, đặc biệt là trong điều kiện số lượng hộ kinh doanh quá lớn, nhân lực ngành thuế có hạn. Do đó, việc quản lý thuế hiện nay chủ yếu tập trung vào các hộ kinh doanh thường xuyển, ổn định, quy mô lớn và vừa, các hộ kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp.

"Đối với nhóm hộ kinh doanh quy mô nhỏ, chỉ đủ bù đắp cuộc sống bản thân và gia đình thì cơ quan thuế còn chưa đưa vào diện quản lý, như: cá nhân tại các làng nghề truyền thống; làm nghề xây dựng tư nhân; kinh doanh không thường xuyên tại chợ tạm, chợ cóc, các khu vực giải tỏa, vỉa hè; xe ôm, bốc vác, làm thuê trong lúc nông nhàn tại bến xe, bến tàu, đầu đường; kinh doanh lưu động trên đường phố như các xe, gánh hàng rong; hộ kinh doanh có hoạt động tại nhiều địa điểm trong cùng địa bàn mà cơ quan thuế chỉ đang tính là một hộ kinh doanh; hộ kinh doanh thời vụ tại thời điểm điều tra thống kê; người làm nghề giúp việc" - Tổng Cục Thuế cho hay.

 Theo: Phương Nhung - Người lao động

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật