CPI tháng 5/2018 dự kiến giảm nhẹ

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2018 có thể giảm nhẹ so với tháng trước...

Đến thời điểm hiện tại, giá thịt lợn đã ổn định trở lại. Giá rau củ giảm nhẹ do thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào.

Tháng 5 là mùa thu hoạch của nhiều loại lương thực, thực phẩm nên giá cả các mặt hàng này được dự báo có thể giảm nhẹ. Ở thời điểm này, các địa phương cũng tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá cả.

Trong tháng này, một số yếu tố có thể làm giảm áp lực lên mặt bằng giá. Cụ thể trong nhóm các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, giá thực phẩm tươi sống dự kiến ổn định hoặc giảm trong tháng 5 do nhu cầu thị trường không có nhiều biến động. 

Trước đó, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tháng 4 biến động không đồng đều. Trong đó, giá thịt lợn tươi sống tăng do tổng đàn đã giảm vì nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn, nguồn cung chủ yếu phụ thuộc vào các trang trại chăn nuôi lớn. 

Đến thời điểm hiện tại, giá thịt lợn đã ổn định trở lại. Giá rau củ giảm nhẹ do thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào.

Giá đường dự báo cũng không có biến động mặc dù nhu cầu sẽ tăng trong những tháng hè, do nguồn cung đáp ứng đủ. Cùng xu hướng giá cả ổn định có mặt hàng phân bón u rê và thép xây dựng. Trong tháng 4, giá phân bón urê tại thị trường thế giới tăng do nhu cầu tăng. 

Trong khi đó, giá trong nước lại tương đối ổn định. Nhu cầu phân bón trên thị trường thấp, giao dịch trầm lắng đã khiến giá ổn định. Vì vậy, Cục Quản lý giá dự báo mặt hàng này trong tháng 5 vẫn tiếp tục ổn định, do nguồn cung dồi dào và nhu cầu chưa tăng mạnh.

Bên cạnh đó, giá một số dịch vụ khám chữa bệnh có thể được điều chỉnh giảm do việc điều chỉnh lại một số định mức kỹ thuật theo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC. 

Giá thuốc chữa bệnh cho người dự kiến giảm 10 - 15% theo kế hoạch đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán giá của Bộ Y tế; giá nhóm bưu chính viễn thông dự kiến tiếp tục giảm...

Thêm vào đó, trong thời gian tới sẽ điều chỉnh giảm giá một số dịch vụ bảo hiểm y tế như giá khám bệnh, giá ngày giường (có loại giảm, có loại tăng) và giảm giá một số dịch vụ kỹ thuật.

Ở chiều ngược lại, mặt hàng gây lo ngại về giá trong tháng 5 này là xăng dầu với diễn biến khá phức tạp trên thị trường thế giới, tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, mức tăng dự báo sẽ không cao. 

Giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng dự báo sẽ tăng do ảnh hưởng thời tiết chuyển mùa nóng tác động lên giá điện và giá nước lũy tiến. Thêm vào đó, đây cũng là thời điểm mùa xây dựng, nhu cầu vẫn cao nên giá bán xi măng tại các doanh nghiệp sản xuất có thể tăng nhẹ.

Theo nhận định của Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá, việc giảm giá một số dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nằm trong rổ hàng hóa tính CPI sẽ tác động giảm mặt bằng giá cả những tháng còn lại của năm 2018. Trong khi đó, lạm phát cơ bản, tỷ giá, lãi suất hiện vẫn đang được điều hành ổn định sẽ là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý trong quý II/2018 cần hết sức thận trọng do tác động mạnh đến CPI bình quân năm hơn các quý tiếp theo. CPI các tháng 4, 5, 6 so với tháng trước biến động ở mức dưới 0,2% sẽ tạo thuận lợi và dư địa cho việc kiểm soát lạm phát các tháng cuối năm theo mục tiêu đề ra.

Trước những lo ngại về giá xăng dầu thời gian tới, Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá trong kiến nghị mới đây đã đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước hài hòa, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá với liều lượng thích hợp, đồng thời, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao trong quý II/2018, để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm 2018.

Đối với việc điều hành giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Thông báo số 259/TB-BCĐĐHG ngày 30/3/2018.

Đáng chú ý tại văn bản này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được yêu cầu theo dõi sát diễn biến giá thị trường các mặt hàng nông sản, phối hợp với Bộ Công Thương cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng như lúa gạo, thịt lợn, đường, muối... nhằm ổn định thị trường; nghiên cứu tổ chức lại thị trường trong nước, tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới cho các mặt hàng nông sản chủ lực nhằm ổn định thị trường, đảm bảo đời sống của người dân, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Theo: vneconomy.vn

 
 
 

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật