Môi trường kinh doanh vẫn "ép" doanh nghiệp
Năm 2018, Việt Nam sẽ khó giữ được vị trí 55 trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) điều chỉnh cách xếp hạng bằng cách hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0, những chỉ số về đổi mới, sáng tạo về khoa học công nghệ.
Năm 2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, bậc cao nhất trong 10 năm qua. Nếu tính hai năm liên tiếp thì Việt Nam đã tăng 23 bậc và 8 chỉ số về môi trường kinh doanh. Nhờ đó, năng lực cạnh tranh cũng được cải thiện về điểm số và thứ hạng.
Việt Nam ở hạng 55 trên tổng số 137 nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với cách nay 5 năm. Cạnh đó, chỉ số đổi mới, sáng tạo của Việt Nam đang ở thứ hạng cao nhất từ trước đến nay: 47/127. Chỉ số này được cải thiện là do Việt Nam đã kịp thời cập nhật các thông tin, dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO).
Thế nhưng, để duy trì được vị trí 55 trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh đổi mới công nghệ, sáng tạo còn nhiều hạn chế.
Nghị quyết Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 31/8/2017 (Nghị quyết 83/NQ-CP) đã giao các Bộ rà soát, đánh giá và bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành. Tuy nhiên, kết quả rà soát của CIEM cho thấy, các Bộ vẫn lúng túng trong việc phân biệt giữa điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm hàng hóa.
Trong các văn bản được ban hành, vẫn có các điều kiện kinh doanh chung chung, không rõ ràng, cụ thể. Trong số những điều kiện kinh doanh được đề xuất bãi bỏ và sửa đổi, chưa có thống kê đầy đủ, nhưng có khoảng 1/2 số điều kiện thuộc diện sửa đổi. Trong khi đó, Chính phủ yêu cầu phải bãi bỏ 1/3 đến 1/2 điểu kiện kinh doanh. Như vậy, chỉ có 1/2 là bãi bỏ và có tới 1/2 là sửa đổi điều kiện kinh doanh.
Một yếu tố quan trọng đối với môi trường kinh doanh là quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, một chỉ số ảnh hưởng đến giao dịch thương mại qua biên giới của môi trường kinh doanh.
Mặc dù năm 2017 là năm đặc biệt về những thay đổi chính sách trong quản lý chuyên ngành này và đã có sự thay đổi tích cực về phía các Bộ, như Bộ Công Thương thực hiện Thông tư 36 về dán nhãn năng lượng, hay việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 02 và 07 để làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành cũng như cách thức công bố hợp quy trước và sau thông quan. Đây được xem là cách để các bộ ngành khác thực hiện trên cơ sở công bố hợp quy theo hướng tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Bất cập trong quản lý chuyên ngành cũng là vấn đề được CIEM đề cập nhiều, như số lượng văn bản cần điều chỉnh rất lớn, phạm vi mặt hàng quá rộng, chồng chéo trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành và thời gian thực hiện dài với chi phí lớn. Hiện chi phí kiểm tra chuyên ngành đang rất lớn, đặc biệt là chi phí kiểm tra chất lượng hàng hóa. Tình trạng danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có mã HS vẫn còn nhiều, gây khó khăn cho cơ quan hải quan cũng như doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục thông quan.
Thêm nữa, dù chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới có những điểm tích cực liên quan đến các thủ tục hải quan, nhưng do thủ tục cải thiện quản lý chuyên ngành thực hiện chậm, chưa đồng đều, nên chỉ số này cũng có mức cải thiện rất hạn chế. Hiện, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam là 94 - một vị trí tương đối thấp. Tới đây, nếu như cải cách chuyên ngành được thực hiện quyết liệt hơn mới hy vọng cải thiện chỉ số này.
Năm 2018, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều thách thức, doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn. Tính đến nay, vẫn có tới 4/10 chỉ số môi trường kinh doanh giảm bậc, trong đó khởi sự kinh doanh giảm 2 bậc, đăng ký sở hữu tài sản giảm 4 bậc, giải quyết phá sản doanh nghiệp giảm 4 bậc. Sự giảm bậc không phải do các chỉ số không có sự cải thiện mà do các quốc gia khác có sự cải thiện tốt hơn Việt Nam trên các chỉ số này.
Hiện, Việt Nam đứng sau bốn nước trong ASEAN là Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 24), Thái Lan (thứ 26), Brunei (thứ 56) và đứng trên Indonesia (thứ 72), Philippines (thứ 113) về chỉ số môi trường kinh doanh. Thực tế đó đòi hỏi Chính phủ phải nỗ lực hơn cho mục tiêu cải cách hành chính.
CIEM đã kiến nghị các bộ, ngành và địa phương phải tích cực hơn trong cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể, tiếp tục rà soát để cắt giảm 1/3 đến 1/2 điều kiện kinh doanh và hoàn thành trong quý III/2018, cũng như giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trong từng lĩnh vực.
*Tác giả là Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh,
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Theo Doanh Nhân Sài Gòn
TIN CŨ HƠN
- Parkson đóng cửa: Người tiêu dùng quyết định xu thế ngành bán lẻ
- Cửa hàng tạp hóa truyền thống lui vào hẻm nhỏ tránh 'bão'
- Thương hiệu Việt trước sự đổ bộ của thời trang ‘mỳ ăn liền’
- Nguy cơ DN FDI thâu tóm toàn bộ hệ thống thương mại
- Tỉ lệ mua sắm online của người Việt tăng gấp 3 lần trong vòng một năm qua
- Nông nghiệp Lâm Đồng, Nghệ An bứt phá nhờ nhà đầu tư Nhật
- Năm 2018, tiếp tục cơn lốc thâu tóm
- Chuỗi Bách hóa Xanh chỉ là 'chợ truyền thống với dịch vụ tốt hơn'?
- Cuộc đua marathon của ngành ẩm thực
- Chủ tịch Phú Thái: “Nên hợp tác thay vì đối đầu”