Cửa hàng tiện lợi - Kẻ đóng người mở
Mới đây, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết đã đóng cửa gần 60 cửa hàng trong 100 chuỗi cửa hàng tiện lợi mà đơn vị này có. Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc công ty, nguyên nhân chủ yếu là do các cửa hàng này hoạt động không hiệu quả, lượng khách đến mua không nhiều. Mặt khác, mặt bằng để kinh doanh chủ yếu đi thuê, đến thời hạn tái ký thuê, chủ nhà không đồng ý hoặc tăng giá cao nên công ty buộc phải ngưng và rời bỏ.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng cho biết, hiện nay thị trường cạnh tranh rất khốc liệt nên nếu kinh doanh không hiệu quả thì đóng cửa để tìm hướng đi mới tốt hơn là duy trì.
Là ông lớn trong ngành bán lẻ, đại gia Nhật Bản - Familymart từng tuyên bố sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng vào 2020 tại Việt Nam. Thế nhưng, tới nay thương hiệu này lại cho biết, sẽ ngưng đầu tư thêm vì thua lỗ. Hãng cũng đã đóng cửa một vài hệ thống ở TP HCM vì kinh doanh kém hiệu quả, chi phí thuê cao hoặc bị thu hồi lại mặt bằng. Hiện đơn vị này có khoảng 136 cửa hàng tại TP HCM và 24 cửa hàng tại Bình Dương và Vũng Tàu. Đây cũng là con số khá khiêm tốn so với danh hiệu chuỗi cửa hàng tiện lợi số một tại Hàn Quốc và hơn 10.000 cửa hàng tại quê nhà Nhật Bản.
Lấn sân vào nhóm cửa hàng tiện lợi từ rất sớm, năm 2011, G7 (Trung Nguyên) đã quyết định đưa Ministop, chuỗi cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản về Việt Nam theo hình thức nhượng quyền. Tham vọng của họ là mở 500 cửa hàng trong 5 năm nhưng thực tế chỉ còn 17 cửa hàng. Dù duy trì lượng cửa hàng không nhiều nhưng kinh doanh bết bát khiến Ministop chia tay Trung Nguyên, tìm đến đối tác mới. Chuyển sang hợp tác với Sojitz, Ministop và đối tác này đang có khoảng 115 cửa hàng. Công ty đặt mục tiêu đạt 800 cửa hàng trong năm nay và tăng gấp đôi trong năm sau. Tuy nhiên, mục tiêu này khó thành công khi mà "miếng bánh" đang bị xâu xé quyết liệt, mặt bằng trung tâm đô thị đắt đỏ và khó tìm kiếm.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội đánh giá, cửa hàng tiện lợi đang là miếng bánh hấp dẫn cả nhà bán lẻ nội lẫn ngoại. Thế nhưng để chiếm được thị phần thì không dễ trước sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều đại gia bán lẻ. Việc một số doanh nghiệp phải đóng cửa kinh doanh trong bối cảnh này cũng khiến doanh nghiệp khác tham gia thị trường cần cẩn trọng hơn. Ngay cả những đại gia đình đám trên thế giới cũng gặp phải những khó khăn ở thị trường họ từng thành công. Điển hình là 7-Eleven từng đạt được những thành công nhất định tại Indonesia nhưng cũng đã quyết định đóng cửa 136 cửa hàng tại đó vì kinh doanh không thuận lợi.
“Không phải cứ nhảy vào đánh chiếm, mở ồ ạt là có thị phần mà quan trọng là đơn vị đó phải quản lý sao cho hiệu quả. Để cạnh tranh được trong cuộc chiến khốc liệt này, doanh nghiệp cần phải đáp ứng về tiêu chí tiện lợi và đa dạng, giá cả sản phẩm phải cạnh tranh”, ông Phú nói
Đứng ở góc nhìn khác, chuyên gia này cho biết, lĩnh vực cửa hàng tiện lợi vẫn khá triển vọng dù có nhiều doanh nghiệp teo tóp, làm ăn thua lỗ khi đầu tư vào mảng này. Thế nhưng, đây là xu hướng của tương lai, họ có thể thua lỗ trong vài năm đầu, nếu trụ vững thì sẽ được nhiều "trái ngọt". Bởi lẽ, quy mô gia đình Việt Nam nhỏ (gia đình 4 người) ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với nhu cầu mua sắm tiện lợi. Mặt khác, phụ nữ Việt Nam tham gia vào lực lượng lao động ngày càng đông đảo. Họ bận rộn với trách nhiệm gia đình, công việc nên sẽ ưu tiên các cửa hàng tiện lợi để tiết kiệm thời gian.
Trên thực tế cho thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây, lượng cửa hàng tiện lợi phát triển “chóng mặt”. Theo số liệu Sở Công Thương TP HCM, nếu cuối năm 2014, TP HCM chỉ có 326 cửa hàng thì đến cuối tháng 3 năm nay đạt 1.144 cửa hàng, tăng 3,5 lần. Còn tính chung cả nước có khoảng 1.600 cửa hàng. Dự kiến các chuỗi cửa hàng tiện lợi sẽ bùng nổ mạnh mẽ trên thị trường trong những quý còn lại của năm 2018 vì có sự xuất hiện của các tay chơi mới đầy tham vọng.
Điển hình, giữa năm 2017, 7-Eleven đã mở được 13 cửa hàng tại TP HCM. Nếu thuận lợi, thương hiệu đến từ Nhật Bản sẽ mở thêm 100 cửa hàng trong 3 năm và 1.000 cửa hàng sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam. Còn GS25 thương hiệu bán lẻ Hàn Quốc cũng đặt chân vào thị trường đầu năm nay và mở cùng lúc 3 cửa hàng. Hãng này cũng kỳ vọng sẽ mở khoảng 2.500 cửa hàng ở Việt Nam trong vòng 10 năm tới. Có mặt ở thị trường Việt từ sớm, Circle K (Mỹ), Shop & Go (Singapore) đã liên tục mở rộng hệ thống và hình thành nên những chuỗi cửa hàng lớn. Trong đó, Circle K có tới 266 cửa hàng, Shop & Go có trên 108 cửa hàng...
Trước sức ép của các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cũng chuyển mình, liên tục mở rộng chuỗi, trong đó, mạnh nhất là Vingroup. Sau gần 2 năm xây dựng và phát triển hệ thống, tới đầu tháng 3, hệ thống Vinmart+ có 804 địa điểm trên toàn quốc. Còn Saigon Co.op cũng đã có hơn 181 cửa hàng Co.opfood bên cạnh 71 cửa hàng Co.opsmile và đặt mục tiêu hết năm nay đơn vị này sẽ nâng số lượng lên 150 cửa hàng Co.opsmile, 50 cửa hàng tiện lợi Cheers. Riêng với Satra, đơn vị này cũng đặt mục tiêu nâng số cửa hàng lên tới hàng trăm vào thời gian tới.
Theo: kinhdoanh.vnexpress.net
TIN CŨ HƠN
- Financial Times: Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan về nền kinh tế
- Thị trường hàng hóa ngày 14/4: Giá nhôm, dầu, vàng và cao su khép tuần tăng kỷ lục
- Hàng hóa ngày 13/4: Giá nhôm, gạo và cao su tăng trong khi dầu, vàng, cà phê, than đá giảm
- Hàng hóa ngày 12/4: Giá dầu lên đỉnh 3 năm, vàng đắt nhất 4 tháng, palađi, nhôm, đậu tương, cao su cùng bật mạnh
- Hà Nội sắp có chuỗi cửa hàng tiện lợi không người bán
- Hàng hóa ngày 11/4: Giá đồng loạt tăng cao, mạnh nhất là dầu, nhôm và đậu tương
- Thị trường hàng hóa ngày 10/4: Dầu khí, vàng, cao su, gạo và lúa mì đồng loạt tăng giá
- Thị trường mẹ và bé thêm đối thủ đến từ Anh
- Cửa hàng tiện lợi đang phủ khắp TP HCM
- Chóng mặt với bán hàng online