Cựu CEO Grab Việt Nam khởi nghiệp chế tạo robot giao hàng tự lái đầu tiên Made in Vietnam: Làm giàu với Alpha Asimov sẽ lâu, nhưng tôi đợi được!
Khi vẫn là sinh viên của Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Nguyễn Tuấn Anh đã làm Product Manager của Yahoo! Singapore (Yahoo được coi là một trong 4 Big Tech của thế giới thời đó) sau một thời gian làm cộng tác viên chăm sóc khách hàng cho thị trường Việt Nam.
“Làm chăm sóc khách hàng thực chất chỉ là copy và paste những câu trả lời đã có sẵn cho những câu hỏi của khách hàng gửi đến, một việc như vậy mà phải làm 8 tiếng mỗi ngày thì rất chán. Mình mới lập trình, tạo ra một hệ thống tự động giúp cho công việc của cả 8 tiếng chỉ còn 30 phút mỗi ngày và trở thành rảnh rỗi quá. Rảnh rỗi quá nên suốt ngày ý kiến về sản phẩm của Yahoo! kiểu chưa ổn cái này chưa ổn cái kia và sao không làm cái này, sao không làm cái kia…(cười). Và khi họ cho mình làm thì cũng làm được nên chuyển làm nhân viên chính thức, rồi thăng chức (cười lớn)”, anh kể lại.
Ra trường và tiếp tục làm tại Yahoo! hơn 2 năm, Nguyễn Tuấn Anh cảm thấy công việc tại đây không còn thử thách và khó lòng học thêm cái mới, cộng thêm việc muốn trở về Việt Nam “làm một cái gì đó mới mẻ” nên anh quyết định nghỉ việc. Tuấn Anh chia sẻ: “Làm ở các công ty lớn của nước ngoài, mình sẽ được làm rất chuyên sâu về một nhiệm vụ cụ thể nhưng bị bó hẹp không gian. Do đó, nếu muốn phát triển rộng sang nhiều mảng khác sẽ rất khó”.
Trở về Việt Nam, không giống như những thành công dễ dàng ở Yahoo! Singapore, Nguyễn Tuấn Anh khởi nghiệp với vài dự án nhưng đều thất bại. Thế nhưng, điều bất ngờ là trong lúc đang loay hoay tìm hướng đi cho bản thân, anh nhận được lời mời của Grab để trở thành co-founder của Grab Việt Nam – lúc đó mang tên MyTeksi. Sau khi dùng thử dịch vụ và thấy thích, anh quyết định nhận lời và trở thành CEO của hãng xe công nghệ.
Grab Việt Nam bắt đầu từ số 0, và CEO của nó cũng phải nếm trải đủ mọi khó khăn thường gặp của một người khởi nghiệp. Thời gian đầu, anh làm việc ở quán cà phê vì chưa thuê được văn phòng. Có lẽ nhờ kinh nghiệm startup thất bại nhiều lần, Nguyễn Tuấn Anh rất quyết tâm và triển khai dịch vụ gọi xe đầu tiên rất nhanh, đúng quy định của pháp luật.
Grab Việt Nam chỉ mất gần 1 năm (từ cuối năm 2013 đến cuối năm 2014) để hoàn tất mọi thủ tục triển khai “dịch vụ gọi xe công nghệ thử nghiệm” (được chấp thuận). Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của họ - Uber, vẫn chưa được cấp phép tại Việt Nam.
Ngay sau khi triển khai thành công dịch vụ gọi xe với ô tô, có thương hiệu mạnh tại Việt Nam, Nguyễn Tuấn Anh đề xuất với công ty mẹ mở thêm dịch vụ tương tự với xe máy và được chấp thuận dù triển vọng doanh thu với phương tiện này là rất thấp. “Lúc đó, tinh thần startup rất máu lửa và tôi cũng có kết quả tốt với gọi xe dành cho ô tô nên khi làm việc trực tiếp với CEO ở hội sở chính thì ngay lập tức được đồng ý.
Thực tế, còn một lý do khác là việc triển khai thêm dịch vụ với xe máy có chi phí thấp vì thương hiệu, phần mềm đã có sẵn, vận hành cũng tương tự chỉ cần bổ sung thêm icon trên ứng dụng rồi gọi thêm các anh tài xế là xong”, cựu CEO Grab Việt Nam tiết lộ.
Nhưng sau khi phát triển hệ thống một thời gian, anh nhận thấy tích hợp thêm dịch vụ xe máy cũng đem lại nhiều lợi ích điển hình như Grab xây dựng được một mạng lưới cực mạnh, được nhiều người biết đến và mọi thứ đều tăng trưởng rất nhanh.
Cuối năm 2019, khi Nguyễn Tuấn Anh quyết định rời Grab Việt Nam để trở thành CEO VinID, công ty này đã bắt đầu có lãi ở mảng gọi xe và hình thành nên một hệ sinh thái có tiềm năng tạo lợi nhuận tốt trong tương lai.
Grab Việt Nam không chỉ trở thành ứng dụng gọi xe thống trị trên thị trường (chiếm hơn 70% thị phần), mà còn sở hữu hệ thống giao đồ ăn số 1 Việt Nam (Grab Food).
Sau khi rời Grab Việt Nam, mối duyên của Tuấn Anh với VinID chỉ kéo dài khoảng gần 1 năm trước khi anh rời đi và quyết định cho phép mình “nghỉ hưu ngắn hạn” để… đi chơi (cũng trong gần 1 năm).
Chia sẻ về quyết định rời Grab và VinID, Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Tôi muốn học thêm cái mới, tìm thử thách mới và muốn có những mối duyên mới (cười)”. Anh cũng chia sẻ thêm: “Việc được cùng xây dựng và phát triển với những công ty như vậy là may mắn lớn của mình. Mình học được cách quản lý, kinh doanh, xây dựng quy trình, kiểm soát, tuyển người, đào tạo, giữ người, làm việc với nhà đầu tư… rất nhiều thứ mà không thể kể hết. Ngoài ra, mình còn có cơ hội hiểu được những ‘anh lớn’ nghĩ gì nữa”.
Trước khi khởi nghiệp chế tạo robot giao hàng tự hành đầu tiên tại Việt Nam, với startup Alpha Asimov Robotics vào tháng 9/2021, Nguyễn Tuấn Anh từng nghĩ đến việc hợp tác với một đơn vị có năng lực làm ra sản phẩm này, để tăng hiệu quả hoạt động. Thế nhưng, ngay cả khi đại dịch Covid-19 hoành hành, nhu cầu giao hàng không tiếp xúc lên cực cao và rất cần robot giao hàng tự hành thì sản phẩm này vẫn chưa xuất hiện tại Việt Nam.
Cũng vì thế, trong gần 1 năm “nghỉ hưu ngắn hạn”, cựu CEO Grab Việt Nam suy nghĩ về dự án sản xuất robot giao hàng tự hành đầu tiên ở Việt Nam bởi “tự động hoá trong giao hàng là điều sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra bởi các công ty đều phải tìm cách tăng năng suất và hiệu quả”.
Thứ hai, công nghệ cho robot giao hàng tự hành đã xuất hiện ở các nước khác rồi, không còn quá mới. Bên cạnh đó, các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) đã phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống và có thể hình dung rõ trong việc giao hàng, nên nhiều người sẽ tin vào một tương lai không xa của robot giao hàng tự hành sẽ có ở Việt Nam.
“Chưa có ai làm sản phẩm này ở đây mà xu hướng là chắc chắn thì tại sao mình lại không thử làm để tối đa hoá lợi ích về hiệu suất cho xã hội?”, cựu CEO Grab Việt Nam nói. Rồi anh nói thêm: “Làm robot giao hàng tự hành sẽ rất khó và mất thời gian dài nhưng nếu thành công thì thành quả cũng sẽ cực lớn mà không phải chỉ ở Việt Nam mà trên nhiều quốc gia khác có chi phí nhân công cao như Úc, Singapore, UAE, Hàn Quốc….”.
Chia sẻ về quyết định khởi nghiệp một lần nữa sau khi đã trải qua chức vụ CEO ở 2 công ty rất lớn (Grab Việt Nam và VinID), Nguyễn Tuấn Anh nói: “Tôi vốn là con người khởi nghiệp chứ không phải thuộc ‘Big Corp’.
Như Grab trước đây thì tôi cũng cùng anh em xây dựng từ những ngày đầu tiên – từ số 0 như một startup, nên luôn hứng thú với việc tạo ra quy trình và cái mới chứ không thích đi theo những cái đã được định sẵn”. Rồi nhận xét thêm, nhiều người nghĩ khởi nghiệp sẽ vất vả hơn đi làm thuê vì mình phải lo từ A đến Z nhưng anh lại cho rằng: “Đi làm thuê cũng có cái mệt riêng, có người phù hợp có người không”.
Một điều thú vị khác là trong thời gian khởi nghiệp Alpha Asimov Robotics, Nguyễn Tuấn Anh đã làm quen được với “mối tình của đời mình” và cưới vợ thành công ở tuổi 40 (tháng 6/2022).
Sau gần 2 năm phát triển, Alpha Asimov Robotics đã hoàn thành mẫu thử đầu tiên và bắt đầu cho chạy thử tự hành không tải ở khu đô thị Ecopark (Hà Nội) từ tháng 5/2023. CEO của startup này cho biết: “Hoàn thành mẫu robot đầu tiên để chạy thử, thậm chí giao hàng tự hành thử nghiệm mới chỉ là bước đầu và còn rất xa mới có thể đưa vào triển khai diện rộng”.
TIN CŨ HƠN
- Khởi nghiệp cà phê muối ở độ tuổi gần 60, bí quyết thành công mà chú Long muốn nói với người trẻ là gì?
- ThinkZone Ventures bắt tay TNB Aura Vietnam Scout ra mắt chương trình tăng tốc khởi nghiệp, rót tối thiểu 125.000 USD cho startup Việt Nam
- Bà chủ 9X và tiệm bánh không bột mì
- Người phụ nữ khởi nghiệp ở tuổi 24, sở hữu doanh nghiệp huy động hơn 225 triệu đô la
- Cuộc chiến khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ
- Thương nhân đứng sau kem đánh răng anh Bảy Chà Hynos vang bóng 1 thời: Từ làm thuê trở thành ông chủ, đưa sản phẩm vô danh thành thứ không ai có thể chối từ
- Từ 2 bàn tay trắng gây dựng nên nhà xưởng 600m2, founder Gạo lứt rẫy Bh.nong: “Chẳng phải kiều nữ, tôi tự thoát nghèo để trở thành đại gia của đời mình”
- CEO 9x của F99: 23 tuổi ôm khoản nợ 2 tỷ đồng, tham vọng thành 'VinShop ngành hàng trái cây', viết tiếp giấc mộng kỳ lân
- Từ startup 'nước trường sinh' kỳ vọng tăng trưởng 100%/năm, nhìn lại thị trường máy lọc nước Việt Nam
- Chuyện thành công của người đàn ông khởi nghiệp từ tầng hầm