Từ 2 bàn tay trắng gây dựng nên nhà xưởng 600m2, founder Gạo lứt rẫy Bh.nong: “Chẳng phải kiều nữ, tôi tự thoát nghèo để trở thành đại gia của đời mình”
Nhưng khi có công việc và cơ hội tại thành phố lớn, Nga lại quyết định quay về làng quê nghèo, nơi cô nghĩ sẽ chẳng bao giờ trở về, để thực hiện lý tưởng “mang hương rừng ra phố”.
Hành trình khởi nghiệp với Gạo lứt rẫy Bh.nong của Minh Nga là con đường đơn độc. Cô không nhận được sự ủng hộ từ người thân, gia đình; thậm chí người mẹ quê nghèo bao năm tảo tần bắt cô phải lựa chọn giữa "vô lại thành phố" và "mẹ".
Song hành trình "ngược dòng" với số vốn là 2 bàn tay trắng, cô đã gây dựng lên doanh nghiệp có nhà xưởng rộng 600m2, và gọi vốn thành công 5 tỷ đồng với 20% cổ phần trên sóng Shark Tank.
Trước khi khởi nghiệp với gạo lứt rẫy Bh.nong, chị làm việc trong lĩnh vực gì?
Tôi sinh ra ở một huyện vùng cao nghèo thuộc tỉnh Quảng Nam, nơi mà ai cũng gọi là "chó ăn đá gà ăn muối". Để thoát nghèo, tất cả người dân trong làng đều định hướng cho con cái bằng cách vào thành phố làm việc hoặc lấy chồng đại gia.
Tôi vẫn còn nhớ như in câu nói: "Ba má cả đời làm nông cần cù lam lũ mà không ngóc đầu lên được. Sau này con nhất định phải ra phố thị đổi đời".
Năm 18 tuổi, không chọn cách lấy chồng cũng không phải TP.HCM để làm công nhân, tôi bắt đầu bằng 4 năm đại học chuyên ngành báo chí.
Khi học tập ở thành phố lớn, gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ trở về quê. Vì quê tôi còn nghèo quá, về cũng chẳng biết làm gì để sống.
Sau khi ra trường, tôi tiếp tục công tác tại các cơ quan báo chí. Trong 6 năm theo đuổi ngành báo, tôi làm hết mình để đạt được những giải thưởng cao quý và thỏa đam mê của bản thân.
Tôi làm việc đến mức không dám có người yêu bởi sợ rằng không có thời gian để làm việc, tăng thêm thu nhập, gửi cho ba mẹ và nuôi em. Đôi khi có những ước muốn của bản thân, tôi cũng không cho phép mình suy nghĩ đến.
Nỗ lực nhiều như vậy, tại sao ở thời điểm 2016, chị quyết định trở về quê?
Thời điểm làm việc ở Đài tiếng nói Nhân dân TP.HCM, công việc cho tôi tiếp xúc nhiều với những người ly hương có hoàn cảnh khó khăn. Tôi nhận thấy tất cả mọi người đều có mong muốn trở về nếu ở quê có công việc ổn định.
Cũng là người con xa quê, tôi có sự đồng cảm với mong ước của họ. Khi đó tôi cũng chỉ thầm ước nếu mình làm chủ doanh nghiệp sẽ tuyển dụng họ về làm việc. Ước mơ là vậy nhưng nhìn lại thực tại với một đứa sinh viên mới ra trường, đi làm lương ba cọc ba đồng, tôi cũng không dám nghĩ xa.
Đến năm 2012, khi chuyển công tác sang báo Người Lao Động, tôi có cơ hội làm việc với những nghệ sĩ trong giới showbiz. Trò chuyện với họ thường xuyên tôi nhận ra ai cũng có mong muốn sử dụng những nông sản sạch của địa phương. Tuy nhiên họ khó có thể mua được những loại thực phẩm này.
Lúc này tôi nghĩ rằng nếu sau này về quê chắc chắn sẽ kinh doanh những nông sản địa phương để tạo việc làm cho bà con, giúp họ không phải lên thành phố kiếm sống.
Năm 2014, sau 4 năm hoàn thành thành nhiệm vụ nuôi em ăn học, tôi nghĩ đã đến lúc phải sống cho những giấc mơ của mình. Tôi mơ về một nhà máy tại quê nhà, nơi có những người công nhân tấp nập ra về sau mỗi giờ tan tầm như ở phương Nam.
Tuy nhiên, phải đến năm 2016, khi tôi tìm đọc được 1 cuốn sách nói về sứ mệnh cuộc đời của những người trẻ trở về quê hương thì bản ngã trong tôi thức dậy mãnh liệt.
Như một chất xúc tác, tháng 6/2016 vào một ngày hè nắng oi ả, tôi bỏ hết cơ hội ở thành phố, nhảy tàu về quê Quảng Nam.
Kỳ vọng của gia đình lớn như vậy, khi quay trở về phản ứng của mọi người xung quanh chị như thế nào?
Khi trở về và nói với ba mẹ sẽ không vào thành phố nữa, ba mẹ tôi dường như không tin. Tối hôm đó mẹ đã tự tay dọn đồ cho vào vali của tôi và bắt sáng mai phải quay lại TP.HCM. Mẹ không chấp nhận mong muốn được trở về của tôi bởi trong lòng bà luôn kỳ vọng vào sự đổi đời của con gái ở phố thị.
Thậm chí mẹ buộc tôi phải đưa ra quyết định với 2 lựa chọn khắc nghiệt: Một là tôi đi, 2 là bà sẽ chết.
Đêm hôm đó tôi đã khóc rất nhiều vì không biết mình đã làm sai điều gì. 6 năm làm việc ở thành phố sau khi ra trường, tôi đã giúp ba mẹ có cuộc sống đủ đầy hơn và đã làm tròn trách nhiệm nuôi em ăn học. Đến bây giờ tôi muốn được sống với lý tưởng của mình nhưng lại không được phép. Lúc đó tôi cảm thấy tủi thân, vừa buồn, vừa giận, đan xen nhiều cảm xúc.
Để xoa dịu tinh thần của mẹ, giải toả áp lực cho chính bản thân và tìm kiếm nguyên liệu để bắt đầu, sáng hôm sau tôi lại kéo vali đi. Nhưng lần này tôi không vào lại phố mà lên khu vực người đồng bào dân tộc Bh.nong để sinh sống.
Thời gian sống với người đồng bào đã tạo ra sự thay đổi gì đối với chị?
Với 50 triệu đồng mang về, tôi dành 2/3 mua xe máy phục vụ đi lại, số còn lại dùng để từ thiện cho trẻ em ở vùng đồng bào. Coi như tôi hết sạch.
Sống với người dân nơi đây tôi nhận ra nhiều điều. Cuộc sống của họ rất nghèo khó, bữa ăn, giấc ngủ đều tạm bợ. Thời gian đó không chỉ tự làm từ thiện, tôi còn tham gia hỗ trợ các đoàn từ thiện ở mọi miền tổ quốc về bản làng. Trong quá trình này tôi nghe được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng bà con trông chờ nhiều vào những đợt cứu trợ.
Thực tế này giúp tôi có thêm lý do để cảm thấy quyết định về quê của mình là đúng đắn. Đó là giúp cho người đồng bào thiểu số nói chung và người nghèo quê tôi nói riêng có thể thoát nghèo bền vững bằng những công việc có thu nhập ổn định.
Gắn bó với người đồng bào, tôi được giới thiệu nhiều nông sản quý của núi rừng. Nhận thấy tiềm năng có thể thương mại, tôi bắt đầu bằng việc bán các sản vật này. Đây chính là những đồng vốn đầu tiên cho sự ra đời của Gạo lứt rẫy Bh.nong sau này.
Khi đã xác định được hướng đi, tôi về nói chuyện và thuyết phục mẹ về lựa chọn của mình. Nguôi giận, mẹ đồng ý cho tôi dọn về. Trong căn buồng ngủ chỉ rộng khoảng 15m2 của gia đình, tôi tập tành bán các loại nông sản như gừng, nghệ, sâm, nấm, gạo rẫy…
Từ căn buồng 15m2, tôi xây thêm căn phòng khác rộng chừng 20m2 trên chính chuồng heo của mẹ để vừa làm nhà kho, xưởng nhỏ nhằm rang gạo lứt rẫy, đóng gói các sản phẩm ngũ cốc và trà. Thời điểm đó, các sản phẩm ngũ cốc và trà từ gạo lứt của tôi chỉ làm dựa theo công thức của dân gian, khá thô sơ.
Từ việc sản xuất nhỏ lẻ, bước ngoặt nào dẫn đến sự ra của Gạo lứt rẫy Bh.nong?
Trải qua thời gian buôn bán từ cuối 2016 đến hết 2018, tôi nhận ra những sản phẩm từ gạo lứt rẫy như ngũ cốc, trà… được ưa chuộng. Nhận thấy nguồn nguyên liệu sản xuất dồi dào, thêm nữa đây là sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay, tôi đã quay lại khu vực người đồng bào để tìm hiểu về giống lúa này. Lúc này tôi mới biết đây là giống lúa quý hiếm và có nhiều điểm đặc biệt.
Từ đây tôi xác định gạo lứt rẫy là nguyên liệu chính cho các sản phẩm của mình. Cũng từ dấu mốc này, tôi bắt đầu đầu tư máy móc, công nghệ và nghiên cứu sâu hơn để tối ưu hoá sản phẩm và tạo ra sự khác biệt.
Sau căn phòng chỉ rộng hơn 20m2 được chính tay ba xây dựng, tôi bắt đầu cơi nới, mở rộng nhà xưởng. Đến tháng 4/2019, tôi chính thức thành lập công ty và đăng ký thương hiệu cho Gạo lứt rẫy Bh.nong.
Thông thường, mọi người thường nghĩ lúa phải trồng ở ruộng nước. Song gạo lứt rẫy lại được trồng ở ruộng khô.
Coi trọng tín ngưỡng và tập tục, loại gạo lứt này được người đồng bào trồng hoàn toàn bằng phương pháp truyền thống, không sử dụng phân hoá học hay thuốc trừ sâu.
Đối với họ, hạt gạo lứt rẫy không chỉ là lương thực mà còn mang cả tâm linh, văn hóa của bà con đồng bào từ ngàn đời. Ví dụ nhà có người mất, trong vòng 1 tháng sau đó họ không được phép đi lên rẫy vì ảnh hưởng đến sự phát triển của lúa. Hay sau khi thu hoạch xong họ sẽ tổ chức các lễ hội mừng lúa mới, "cúng Giàng" – (Trời) rồi mới được bán.
Tất cả những điểm đặc biệt này là yếu tố giúp tôi tạo được sự tò mò và thoả sức sáng tạo về cách thức truyền thông cho sản phẩm nhằm chạm đến cảm xúc của khách hàng.
Vậy nên tôi thường nói Gạo lứt rẫy Bh.nong không chỉ bán hộp bánh hay hộp trà, tôi còn "bán" cả văn hoá của người đồng bào trong đó.
Từ khi kinh doanh đến nay, chị chưa từng mất tiền để chạy quảng cáo cho sản phẩm của mình. Lý do có phải xuất phát từ nguồn kinh phí hạn hẹp?
Không phải như vậy (cười). Thực tế tôi không chi tiền để quảng cáo vì sức mua đang phù hợp với năng lực sản xuất của xưởng. Ở thời điểm hiện tại, khi công ty có một cổ đông là tôi thì vẫn đảm bảo lợi nhuận tăng 20% mỗi năm với 200 đại lý và nhà phân phối trên khắp cả nước.
Tôi e ngại rằng nếu bỏ tiền để chạy quảng cáo trong khi năng lực sản xuất chưa đáp ứng kịp, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Nên tôi kỳ vọng nếu thời gian tới doanh nghiệp lớn mạnh gấp 3-4 lần với sự có mặt của các cổ đông khác, khi đó chắc chắn chúng tôi sẽ cần đến chiến dịch quảng cáo trên các nền tảng.
Thêm nữa, thời gian làm báo đã cho tôi có được tình cảm của các nghệ sĩ diễn viên. Khi chuyển sang kinh doanh tôi được họ ủng hộ bằng những bài viết, hình ảnh trên chính trang cá nhân của họ. Thay vì phải mất tiền booking với các KOLs này, tôi được họ quảng cáo giúp mà không lấy tiền (cười).
Chị nghĩ điều gì khiến Gạo lứt rẫy Bh.nong lấy lòng được khách hàng khi giá bán mỗi sản phẩm đang cao hơn 20% so với thị trường?
Tôi đã xác định các sản phẩm của mình không cạnh tranh về giá. Bán giá cao hơn thị trường song tôi không chỉ bán sản phẩm, mà trong đó bao gồm nhiều hệ giá trị.
Xác định nhóm khách hàng chính là những người có thu nhập từ khá trở lên. Họ là những người thông thái trong việc lựa chọn sản phẩm cho sức khỏe. Tiêu chí của tôi đã làm sản phẩm về sức khỏe thì chất lượng và cái tâm phải đặt lên hàng đầu. Tôi rất ám ảnh về thực phẩm bẩn, ám ảnh với những bệnh án ung thư và những cái chết vì bệnh tật đầy đau đớn.
Mà đôi khi lạ lắm, khách hàng đến với Bh.nong bởi câu chuyện phía sau sản phẩm chạm đến cảm xúc của họ. Chính vì vậy, sản phẩm của tôi có thể nhiều người làm lại giống nhau, thậm chí là ngon hơn nhưng chẳng thể nào có 1 cô Minh Nga nào khác đã bỏ phố về rừng, hay bắt chước được văn hoá Bh.nong trong sản phẩm. Tôi nghĩ rằng, đó là điều giúp tôi có được sự khác biệt so với các đối thủ trên thị trường.
Ở thời điểm dịch Covid-19, chị đã làm gì để duy trì được doanh nghiệp?
Thực tế, ở một làng quê miền núi nhưng chúng tôi, mức độ ảnh hưởng của dịch không quá nghiêm trọng như các thành phố lớn. Địa phương tôi đang sinh sống chỉ thực hiện duy nhất một đợt giãn cách 15 ngày trong suốt thời kì dịch. Khi đó khâu vận chuyển bị ảnh hưởng nhẹ và nhà xưởng cũng tạm thời đóng cửa theo đúng yêu cầu.
Tại thời điểm đó các sản phẩm gạo lứt tiêu thụ chậm hơn, nhằm đảm bảo công việc cho công nhân và doanh thu của công ty, tôi chuyển sang kinh doanh các sản phẩm đúng với nhu cầu của thị trường thời gian đó, như lá xông, gừng, mật ong…
May mắn dù bị ảnh hưởng ít nhiều của đại dịch nhưng Gạo lứt rẫy Bh.nong vẫn đảm bảo nguồn kinh phí để làm từ thiện theo kế hoạch hàng năm, quỹ học bổng cho trẻ em đến trường vẫn được đảm bảo. Thêm nữa, tôi đã giữ chân được 10 lao động ở quê làm việc thay vì phải vào thành phố mưu sinh như trước đây.
Khi xác định là doanh nghiệp xã hội, chị đã và đang làm gì với sứ mệnh này?
Trước đây tôi nghĩ làm từ thiện đơn giản chỉ là giúp người nghèo bằng những thùng mỳ tôm hay cân gạo… Nhưng khi tiếp xúc nhiều tôi nhận ra họ chỉ thực sự cần cứu trợ khi gặp những rủi ro bất thình lình. Thực tế họ không thích những đoàn thiện nguyện đến phát quà, rồi truyền thông rầm rộ. Thay vào đó họ mong muốn có được công việc ổn định.
Khi xác định là doanh nghiệp xã hội, để giúp bà con thoát nghèo bền vững tôi đang cố gắng tạo ra nhiều công việc cho người dân nghèo. Trong nhà xưởng của tôi, 100% là công - nhân viên nữ và hơn 70% trong số đó có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài những nhân viên yêu cầu trình độ cao, với công nhân đóng gói hay sản xuất, tôi sẵn sàng tuyển người chưa có kinh nghiệm về đào tạo, miễn là họ nghèo và cần việc làm.
Cứ như vậy, thay vì để những người phụ nữ ở quê bị gia đình coi thường do không tạo ra thu nhập bằng người chồng, giờ đây họ có công việc ổn định. Sau khi làm ở Gạo lứt rẫy Bh.nong không chỉ thay đổi đời sống vật chất mà còn giúp họ có được tiếng nói trong gia đình. Họ được gia đình và xã hội tôn trọng hơn. Không ai khác, chính những người phị nữ phải trở thành đại gia của cuộc đời mình.
Bên cạnh đó, tôi chấp nhận thu mua gạo lứt rẫy với giá cao hơn gấp 2 lần các loại gạo thông thường cũng nhằm hướng đến mục đích tạo thu nhập cho người đồng bào và gìn giữ giống lúa quý hiếm này. Thực tế, người đồng bào họ muốn duy trì loại gạo này. Song gặp khó về đầu ra nên họ chỉ trồng quy mô nhỏ.
Nên sự phát triển của Gạo lứt rẫy Bh.nong sẽ góp phần bao tiêu loại gạo này giúp bà con yên tâm trồng, tập trung phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng đời sống.
Vậy nên tôi luôn mơ vài năm nữa Gạo lứt rẫy Bh.nong lớn mạnh có thể tạo việc làm cho cho hơn 100 công nhân. Khi đó tôi để nhà xưởng hiện tại thành kho còn dây chuyền sẽ được đưa vào nhà xưởng ở khu công nghiệp. Làm được điều này nghĩa là số lượng phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có thể cải thiện được cuộc sống cũng nhiều hơn.
Khi vừa phải cân đối doanh thu lại thêm áp lực phải tạo công ăn việc làm người lao động có hoàn cảnh khó khăn, trở ngại của chị là gì?
Ở giai đoạn đầu, các sản phẩm của Gạo lứt rẫy Bh.nong được bán với giá cao hơn so với sản phẩm tương tự trên thị trường. Tất nhiên chúng tôi nhận được không ít lời phàn nàn về giá thành. Song tôi xác định đối tượng khách hàng của mình là những người tiêu dùng có thu nhập khá trở nên - quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm và câu chuyện phía sau.
Dẫu con đường đi sẽ khó hơn nhưng tôi hiểu mình là một doanh nghiệp xã hội. Chúng tôi bao tiêu nguyên liệu cho bà con với mức giá cao hơn, và không chỉ tạo công việc cho công nhân tại xưởng mà còn giúp họ có được thu nhập cao. Với tất cả những lý do đó, chúng tôi chấp nhận đi một nước cờ khó hơn, bán giá cao hơn 20% so với thị trường.
Nhìn lại hành trình mang hương rừng ra phố, khó khăn đối với chị là gì?
Nếu như mọi người khởi nghiệp có được sự ủng hộ từ mọi người xung quanh thì với tôi sự ủng hộ đó bằng 0. Con đường khởi nghiệp của tôi là một hành trình đơn độc. Sau một ngày làm việc 8 tiếng, trở về nhà, mọi người sẽ có người thân an ủi hay sẻ chia. Tôi không được như vậy. Những lần xong việc ở xưởng là 1-2 giờ đêm, trở về nhà chỉ mong có ai hỏi hôm nay bán được nhiều hàng không hay đi làm có mệt không. Ở thời điểm đầu tôi còn phải một mình lên rẫy chở bao thóc 50kg trong ngày mưa gió. Đường trơn trượt, tôi mím môi và gồng mình giữ chặt tay lái để không bị ngã.
Người ngoài nhìn vào chỉ chú ý đến thành quả chứ mấy ai thấy được những lúc khó khăn như vậy. Tuy nhiên khi khó khăn, tôi tự vực mình lên bằng những gì đã làm được. Con đường đang đi giúp tôi thoát nghèo, trở thành đại gia của chính cuộc đời mình.
Tôi thường nghĩ nếu bây giờ mình bỏ cuộc thì những người công nhân có hoàn cảnh khó khăn ngày mai sẽ làm gì, cuối tháng lấy gì để nuôi con. Nhận thức được công việc này không chỉ là niềm vui của bản thân mà còn gắn liền với trách nhiệm nên tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dừng lại.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
TIN CŨ HƠN
- CEO 9x của F99: 23 tuổi ôm khoản nợ 2 tỷ đồng, tham vọng thành 'VinShop ngành hàng trái cây', viết tiếp giấc mộng kỳ lân
- Từ startup 'nước trường sinh' kỳ vọng tăng trưởng 100%/năm, nhìn lại thị trường máy lọc nước Việt Nam
- Chuyện thành công của người đàn ông khởi nghiệp từ tầng hầm
- Thấy bố mẹ phải đổ bỏ 10 tấn cam vì rớt giá, cô gái khởi nghiệp xây thương hiệu nổi danh xứ Nghệ
- Khởi nghiệp với thứ thực phẩm của người Nhật, “bầm dập” hơn 10 lần định từ bỏ, cô gái trả giá bằng tiền tỷ trước khi thành công
- Ông chủ Haidilao: Cậu bé sinh ra trong nghèo khó, bỏ học từ cấp 3 đã tạo nên chuỗi nhà hàng lẩu lớn nhất thế giới như thế nào?
- Thạc sỹ về quê cuốc đất cà phê, nghe xì xào nghi hoặc và khởi nghiệp đầy nước mắt
- Hành trình trở thành "kỳ lân" của startup tạo ra trứng thực vật làm từ đậu xanh, có thể thay thế trứng gà
- Thời khởi nghiệp đầy mồ hôi, nước mắt của CEO T.U.N.G Dining: Làm không công ở nhà hàng Michelin đến nửa đêm, giao báo đến 4h sáng để trả tiền thuê nhà
- Từ 9X tay trắng tới bà chủ thương hiệu 17 chi nhánh, CEO Lép chia sẻ: "Làm thời trang mộng mơ là chưa đủ, cần cái đầu lạnh để nhìn vào thực tế và chịu áp lực"