Dân bán hàng trên Facebook chịu tác động thế nào khi phải đăng ký với Bộ Công Thương?

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến vào dự thảo Thông tư quy định về quản lý Website thương mại điện tử, ứng dụng trên thiết bị di động được sử dụng trong kinh doanh.

Dự thảo luật này có tác động thế nào đến những người kinh doanh qua mạng, nhất là mạng xã hội Facebook?

Dự thảo nêu rõ các nguyên tắc thông báo, đăng ký website thương mại điện tử, ứng dụng di động nếu được sử dụng để kinh doanh. Theo đó, những cá nhân, tổ chức sở hữu website thương mại điện tử, ứng dụng di động có chức năng bán hàng và chức năng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định. Với mỗi ứng dụng di động, thương nhân, tổ chức, cá nhân chỉ thực hiện thủ tục thông báo hoặc đăng ký một lần cho các phiên bản ứng dụng khác nhau.

Đồng thời các thương nhân có trách nhiệm công bố trên website, ứng dụng của mình các thông tin về Giầy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh như số, ngày cấp và nơi cấp. Bên cạnh đó, họ có trách nhiệm phải ngăn chặn và loại bỏ kịp thời khỏi website, ứng dụng những thông tin bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục, hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Rõ ràng, nếu dự thảo luật này được thông qua và áp dụng, việc kinh doanh trên mạng xã hội, website của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam sẽ gặp nhiều rắc rối do các thu tục đăng ký, nộp thuế... Nhưng dường như họ vẫn thờ ơ vì chưa nhận thấy những tác động trực tiếp tới công việc kinh doanh của mình.

Cách đây vài năm, khi Bộ Công Thương công bố Thông tư Số 47/2014/TT-BCT, ngày 05 tháng 12 năm 2014, nhiều người khẳng định "bán hàng trên Facebook sẽ phải kê khai, nộp thuế" khiến nhiều người kinh doanh trên mạng nói chung và kinh doanh trên Facebook nói riêng hoang mang, lo lắng.

Dân bán hàng trên Facebook chịu tác động thế nào khi phải đăng ký với Bộ Công Thương? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, việc thu thuế của người bán hàng qua mạng xã hội, điển hình là Facebook là điều rất khó khăn bởi thông tin người dùng của mạng xã hội này thường thuộc sự quản lý của công ty sở hữu mạng xã hội ở nước ngoài, chính sách bảo mật người dùng của Facebook cũng như các mạng xã hội khác không cho phép điều đó.

Thứ hai, hiện những cá nhân bán hàng trên Facebook đang phát triển với số lượng bùng nổ. Hầu hết họ kinh doanh nhỏ lẻ với tâm lý, luật sẽ được áp dụng trước với những tổ chức lớn. Còn việc kinh doanh của họ có thể dừng việc kinh doanh bất cứ lúc nào mà không phải chịu thiệt hại quá lớn về kinh tế.

Hiện nay, số lượng người dùng Facebook hơn 2 tỷ trên toàn thế giới với khoảng 64 triệu tài khoản ở Việt Nam. Có người có 1 tài khoản, có người có nhiều tài khoản khác nhau, có người chỉ dùng tài khoản thông thường, có người lại quản lý rất nhiều tài khoản với các mục đích đa dạng từ Việt Nam hoặc nhiều nơi khác trên thế giới. Chưa kể đến hàng trăm loại hình dịch vụ mạng xã hội đang phát triển với tốc độ chóng mặt. 

 Dù góp phần quản lý và thúc đẩy sự phát triển của kinh doanh thương mại điện tử thì việc quản lý hoạt động mua bán của cá nhân tổ chức trên mạng xã hội nhìn chung vẫn vô cùng khó kiểm soát.

Minh An

Theo: Nhịp sống kinh tế


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật